Chính sách pháp luật mới có hiệu lực từ tháng 2-2025
Từ tháng 2-2025, nhiều quy định mới có hiệu lực, như: giáo viên dạy thêm ngoài trường học phải đăng ký kinh doanh; quy định mới về chức năng của cơ quan thanh tra Công an nhân dân; quy định mới về khám nghiệm hiện trường trong tố tụng hình sự... Báo SGGP xin giới thiệu một số quy định nổi bật với bạn đọc.
Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học
Ngày 30-12-2024, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 14-2-2025) quy định về dạy thêm, học thêm. Theo thông tư mới ban hành, không được tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường, nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường, nhưng phải đăng ký kinh doanh.
Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm. Việc thu, quản lý, sử dụng tiền học thêm được thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, tài sản, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.
Quy định mới về chức năng của cơ quan thanh tra Công an nhân dân
Chính phủ ban hành Nghị định số 164/2024/NĐ-CP ngày 25-12-2024 quy định về tổ chức và hoạt động của cơ quan thanh tra Công an nhân dân. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10-2-2025. Nghị định nêu rõ: Trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, cơ quan thanh tra Công an nhân dân giúp Thủ trưởng Công an cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Vi phạm hành chính trong kinh doanh bảo hiểm bị phạt tới 200 triệu đồng
Chính phủ ban hành Nghị định số 174/2024/NĐ-CP ngày 30-12-2024 quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-2-2025.
Nghị định này quy định về hành vi VPHC, hành vi VPHC đã kết thúc và hành vi VPHC đang thực hiện; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi VPHC; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với VPHC trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Đối với mỗi hành vi VPHC trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, tổ chức, cá nhân bị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Mức xử phạt bằng tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân cho cùng hành vi vi phạm. Mức phạt tiền đối với cá nhân có hành vi VPHC trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tối đa là 100 triệu đồng, đối với tổ chức có hành vi VPHC tối đa là 200 triệu đồng.
Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại
Chính phủ ban hành Nghị định số 9/2025/NĐ-CP ngày 10-1-2025 quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật. Nghị định này quy định về chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, sản xuất muối hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu để khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật.
Theo quy định, mức hỗ trợ đối với thủy sản bị thiệt hại do thiên tai (bao gồm nuôi trồng thủy sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản) như sau: Nuôi trồng thủy sản bán thâm canh, thâm canh trong ao (đầm/hầm): hỗ trợ 60 triệu đồng/ha diện tích nuôi bị thiệt hại. Nuôi trồng thủy sản trong bể, lồng, bè: hỗ trợ 30 triệu đồng/100m3 thể tích nuôi bị thiệt hại. Nuôi trồng thủy sản theo hình thức khác: hỗ trợ 15 triệu đồng/ha diện tích nuôi bị thiệt hại. Nghị định số 9/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25-2-2025.
Hướng dẫn thực hiện quy định về trình tự, thủ tục tiến hành cuộc thanh tra
Ngày 18-12-2024, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 08/2024/TT-TTCP hướng dẫn thực hiện quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra. Thông tư gồm 4 chương, 27 điều, 51 mẫu văn bản, có hiệu lực từ ngày 3-2-2025; thay thế Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 1-10-2021 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra.
Một trong những điểm nhấn của Thông tư số 08/2024/TT-TTCP là việc quy định cụ thể các mẫu văn bản trong hoạt động thanh tra. Thông tư này cũng nêu rõ từng bước trong quy trình thanh tra, từ việc thu thập thông tin chuẩn bị thanh tra, ban hành quyết định thanh tra, xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra, đến công bố quyết định thanh tra và triển khai thực hiện...
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chinh-sach-phap-luat-moi-co-hieu-luc-tu-thang-2-2025-post780421.html