Chính sách phát triển công nghiệp vùng nông thôn: Những thành quả ban đầu
Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) được xem là 'đòn bẩy' để phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều chính sách 'mở' trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, đưa kinh tế nông thôn ngày càng phát triển.
Khởi sắc cụm công nghiệp
Vào những ngày cuối năm này, hầu hết doanh nghiệp (DN) tại các cụm công nghiệp (CCN) đều khẩn trương đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tất cả đang dồn sức để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu đề ra. Bà Nguyễn Thị Phương Lan – Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết: "Hiện nay, huyện đã thu hút 15 DN, trong đó có 13 công ty, nhà máy đang sản xuất hiệu quả. Các DN đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương. Nhất là từ khi CCN La Hà ra đời đã giúp Tư Nghĩa cấu trúc lại ngành nông nghiệp, mở hướng sản xuất nhiều ngành nghề và tạo ra nhiều việc làm mới. Điển hình như Công ty TNHH may Vinatex Tư Nghĩa đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà máy, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 1.000 lao động".
Công ty TNHH may Vinatex Tư Nghĩa giải quyết hơn 1.000 lao động tại địa phương.
Còn tại CCN Thạch Trụ và Quán Lát (Mộ Đức), công nhân ở một số đơn vị đang tập trung sản xuất mặt hàng gỗ xuất khẩu và vật liệu xây dựng. Ông Lê Tấn Kỳ - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Trường Thịnh cho hay: “Tuy sản xuất ngành gỗ xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn do quá trình chuyển đổi thị trường, nhưng Công ty đã vạch hướng đi rõ ràng, hợp lý cho từng loại sản phẩm và thực hiện đúng hợp đồng với khách hàng. Hiện công ty đã đầu tư vốn sản xuất ván ghép thanh và bàn ghế ngoài trời xuất khẩu theo đơn đặt hàng chủ yếu của các nước như Đức, Úc, Tây Ban Nha, New Zealand với doanh thu trong năm 2015 đạt 2,2 triệu USD. Trong năm 2016, công ty sẽ xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Nhờ sự hoạt động ổn định, công ty đã giải quyết việc làm cho hơn 120 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng”.
Bên cạnh sự khởi sắc của nhiều CCN ở đồng bằng, thì việc thành lập và đi vào hoạt động của 4 CCN ở các huyện miền núi đã mở ra nhiều triển vọng về sự phát triển công nghiệp ở những vùng cao này trong những năm tới. Đơn cử như việc thu hút đầu tư vào CCN Trà Xuân (Trà Bồng). Tại CCN này tuy mới chỉ có Nhà máy sản xuất tinh dầu quế Trà Bồng đầu tư và đi vào hoạt động, nhưng đã đem lại nhiều lợi ích cho người trồng quế ở Trà Bồng và các huyện lân cận. Bởi lâu nay, những nguyên liệu như cành, lá quế chỉ để làm chất đốt hoặc bỏ đi thì nay đã có thể bán cho Nhà máy sản xuất tinh dầu quế, giúp thu nhập của người trồng quế tăng cao; đồng thời góp phần nâng cao giá trị của cây quế Trà Bồng, Tây Trà vì sản phẩm tinh dầu quế được xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ...
Trong năm 2015, toàn tỉnh có 5 CCN với tổng diện tích trên 47ha đã thành lập mới và từng bước đi vào hoạt động. Đó là các CCN: Phổ Hòa (Đức Phổ), Ba Động (Ba Tơ), Trà Xuân (Trà Bồng), Bình Long (Bình Sơn), Sơn Hạ (Sơn Hà). Bên cạnh đó, huyện Sơn Tịnh và TP.Quảng Ngãi đang lập thủ tục trình thành lập mới CCN Tịnh Bắc và CCN Dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ.
Tạo lực mới cho công nghiệp nông thôn
Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 20 CCN với tổng diện tích gần 220ha và 104 dự án đăng ký đầu tư, vốn đăng ký trên 1.615 tỷ đồng, lao động đăng ký 9.686 người. Trong đó, có 15 CCN đã đi vào hoạt động với diện tích trên 194ha và 76 DN đang sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho 3.252 lao động, thu nhập bình quân từ 3,5 – 5 triệu đồng/người/tháng. Giá trị sản xuất tại các CCN năm 2015 ước đạt 1.770 tỷ đồng, tăng 26%; nộp ngân sách ước đạt 38 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2014. Trong đó, có một số CCN hoạt động hiệu quả, đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp và ngân sách nhà nước như CCN Bình Nguyên, CCN Tịnh Ấn Tây, CCN La Hà…
Nhìn chung, tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN trong các CCN vẫn duy trì ổn định và tăng so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm may mặc, gạch tuynel, dăm gỗ… tiếp tục có bước tăng trưởng, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.
Để phát triển công nghiệp vùng nông thôn, thời gian qua, UBND tỉnh đã quan tâm hỗ trợ các huyện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu; đồng thời có nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi thu hút các DN đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tổng vốn thực hiện đầu tư hạ tầng CCN đến cuối năm 2015 trên 137 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh trên 49 tỷ đồng, ngân sách huyện trên 70 tỷ đồng, còn lại là vốn vay tín dụng ưu đãi và vốn DN ứng trước.
Bên cạnh đó, công tác khuyến công cũng đã thực hiện một số phần việc như hỗ trợ dây chuyền máy móc cho một số DN vừa và nhỏ; triển khai hỗ trợ đào tạo nghề; trình diễn nhiều mô hình sản xuất mới... giúp các DN, cơ sở sản xuất học hỏi kinh nghiệm, góp phần thúc đẩy CN-TTCN ở nông thôn ngày một phát triển.
Việc đầu tư xây dựng các CCN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương theo hướng tích cực, tạo công ăn việc làm tại chỗ, phân bố được lực lượng sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để các CCN trong tỉnh hoạt động ổn định, bền vững, trong thời gian tới, cần có sự đầu tư đúng mức về hạ tầng kỹ thuật. Đây là một trong những khâu quan trọng nhằm thu hút đầu tư và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở các CCN.