Chính sách phát triển hydrogen tại Sarawak (Malaysia) - Bài học cho Việt Nam

Sarawak - một bang của Malaysia sở hữu tiềm năng để phát triển thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu hydrogen. Chính quyền Sarawak cam kết sẽ biến tham vọng này trở thành hiện thực, bằng hệ thống khung pháp lý và chính sách toàn diện.

Qua định hướng chính sách và triển khai đầu tư các dự án hydrogen ở Malaysia, chúng ta nên tham khảo những gì? Tạp chí Năng lượng Việt Nam giới thiệu bài viết của tư vấn VNGE [*] dưới đây để bạn đọc tham khảo.

Thế giới đang đối mặt với thách thức lớn về biến đổi khí hậu do phát thải khí nhà kính gia tăng. Trong bối cảnh đó, hydrogen được xem như nguồn năng lượng tiềm năng cho tương lai, góp phần giải quyết vấn đề này. Hydrogen là nguyên tố phổ biến nhất trong vũ trụ, có thể được sản xuất từ nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau (bao gồm nước, năng lượng tái tạo và nhiên liệu hóa thạch).

Nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận thức được tiềm năng của hydrogen và đang đẩy mạnh phát triển, ứng dụng nó trong các lĩnh vực như giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp và điện lực.

Lĩnh vực giao thông vận tải: Hydrogen có thể được sử dụng làm nhiên liệu cho xe vận tải hành khách và hàng hóa. So với các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong truyền thống, xe hydrogen không thải ra khí độc hại, góp phần cải thiện chất lượng không khí.

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp: Hydrogen có thể được sử dụng trong các ngành công nghiệp như luyện kim, hóa chất, sản xuất phân bón. Hydrogen giúp giảm thiểu lượng khí thải nhà kính trong các ngành công nghiệp này.

Lĩnh vực điện lực: Hydrogen giúp giải quyết thách thức lớn trong việc tận dụng năng lượng tái tạo dư thừa từ các nguồn năng lượng gió, mặt trời và thủy điện. Năng lượng tái tạo dư thừa có thể được sử dụng để điện phân nước (H₂O) thành hydrogen (H₂) và oxygen (O₂). Hydrogen sau đó có thể được lưu trữ dưới dạng khí, vận chuyển và được sử dụng khi cần thiết.

 Hình 1: Trạm bơm hydrogen tích hợp tại cây xăng truyền thống tại Sarawak (Malaysia).

Hình 1: Trạm bơm hydrogen tích hợp tại cây xăng truyền thống tại Sarawak (Malaysia).

Nhu cầu hydrogen tăng cao - Xu hướng tất yếu trong tương lai:

Nhu cầu về hydrogen dự kiến sẽ tăng mạnh trong những năm tới, được thúc đẩy bởi hai yếu tố chính:

1. Nhu cầu giảm thiểu khí thải nhà kính: Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt. Để giảm thiểu khí thải nhà kính, nhiều quốc gia đã cam kết cắt giảm lượng khí thải CO2. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Lượng khí thải CO2 toàn cầu liên quan đến năng lượng cần đạt mức 0 ròng vào năm 2050 để hạn chế mức nóng lên toàn cầu 1,5°C.

Hydrogen đóng vai trò quan trọng trong lộ trình này, với tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực khó giảm thải như vận tải nặng, hàng không và sản xuất công nghiệp.

2. Sự phát triển của năng lượng tái tạo: Năng lượng gió, mặt trời đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này có tính chất gián đoạn, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Hydrogen có thể được sử dụng để lưu trữ năng lượng tái tạo, giúp giải quyết vấn đề này và đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định.

Với hai yếu tố trên, nhu cầu về hydrogen dự kiến sẽ tăng cao trong các lĩnh vực như giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, điện lực và sưởi ấm.

Lộ trình củaSarawak (Malaysia) hướng tới trung tâm hydrogen xanh:

Nhờ nguồn tài nguyên dồi dào, đặc biệt là nước, năng lượng tái tạo (thủy điện), khí đốt, Sarawak có điều kiện thuận lợi để sản xuất hydrogen xanh một cách hiệu quả và bền vững.

Chính quyền Sarawak đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc biến tham vọng này thành hiện thực thông qua việc xây dựng khung pháp lý và chính sách toàn diện.

Mục tiêu của Sarawak là trở thành một phần quan trọng trong chuỗi giá trị hydrogen xanh khu vực, bao gồm:

- Nghiên cứu: Hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu để phát triển công nghệ hydrogen xanh tiên tiến.

- Sản xuất: Xây dựng các nhà máy sản xuất hydrogen xanh quy mô lớn, tận dụng nguồn tài nguyên dồi dào của Sarawak.

- Xuất khẩu: Phát triển cơ sở hạ tầng xuất khẩu hydrogen xanh sang các thị trường châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

- Ứng dụng: Khuyến khích sử dụng hydrogen xanh trong các lĩnh vực giao thông vận tải, công nghiệp nặng và sản xuất điện.

Để đạt được mục tiêu này, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương, hướng đến tương lai năng lượng xanh, Sarawak đang hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan trong và ngoài nước.

Chính sách hỗ trợ của chính quyền với các dự án hydrogen xanh:

Chính quyền liên bang Malaysia đã thành lập Hành lang Năng lượng Tái tạo Sarawak (SCORE) với mục tiêu tận dụng nguồn năng lượng tái tạo sạch dồi dào (thủy điện) và tài nguyên thiên nhiên để thúc đẩy các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, cũng như thu hút các khoản đầu tư khác vào khu vực. Khu vực được quản lý bởi ba cơ quan chia ra làm các vùng khác nhau. Doanh nghiệp khi đầu tư vào SCORE nhận được ưu đãi của cả chính quyền liên bang và chính quyền tiểu bang Sarawak.

1. Ưu đãi của chính quyền Liên bang Malaysia:

Với các dự án đầu tư vào SCORE, chính quyền liên bang miễn giảm các loại thuế phí (thuế thu nhập, trợ cấp thuế đầu tư, thuế tái đầu tư và miễn thuế xuất khẩu).

 Hình 2: Hành lang Năng lượng Tái tạo Sarawak (SCORE).

Hình 2: Hành lang Năng lượng Tái tạo Sarawak (SCORE).

2. Ưu đãi của chính quyền bang Sarawak:

Khi đầu tư vào khu vực SCORE, doanh nghiệp được chính quyền Sarawak hỗ trợ về giá đất, giá điện, nước, giúp các dự án có sức cạnh tranh về giá hơn so với việc thực hiện tại các nước khác.

Về giá đất, chính quyền điều chỉnh giá đất công nghiệp ở mức ưu đãi tùy thuộc vào địa điểm, dao động từ 2,5-10 RM/feet2 (tương đương từ 161-581 nghìn VNĐ/m2) với chiết khấu và thời gian thanh toán linh hoạt (nếu dự án hoàn thành trong thời gian quy định). Riêng giá đất tại khu công nghiệp Samalaju tại miền Đông Malaysia, giá thuê đất 60 năm là 54 RM/m2 (290.000 VNĐ/m2), 90 năm là 70 RM/m2 (378.000 VNĐ/m2).

Với giá điện công nghiệp, các doanh nghiệp khi đầu tư vào khu vực SCORE được chính quyền cho phép mua điện với giá ưu đãi (biểu giá điện công nghiệp như dưới đây). Các doanh nghiệp có thể lựa chọn thời gian vận hành nhằm tối ưu chi phí cho hoạt động tiêu thụ điện.

Bảng 1: Giá điện ưu đãi cho các khách hàng công nghiệp tại Sarawak. (Nguồn: Sarawak Energy Bhd).

Với mức tiêu thụ điện cơ bản, giá điện tăng theo mức tiêu thụ và phí tháng tối thiểu là 10 MYR (tương đương 56.000 VNĐ). Với nhu cầu điện tối đa mà khách hàng sử dụng trong một tháng, giá điện bao gồm một khoản phí cố định cho mỗi kW nhu cầu công suất điện tối đa và một khoản phí biến đổi cho mỗi kWh tiêu thụ.

Với nhu cầu điện thời gian cao điểm/thấp điểm, giá điện bao gồm một khoản phí cố định cho mỗi kW nhu cầu công suất điện tối đa trong giờ cao điểm, một khoản phí biến đổi cho mỗi kWh tiêu thụ trong giờ cao điểm và một khoản phí biến đổi cho mỗi kWh tiêu thụ trong giờ thấp điểm.

Chính quyền tiểu bang Sarawak cũng đưa ra mức giá nước cạnh tranh đối với các công ty sử dụng nước phục vụ mục đích sản xuất. Theo đó, mức tối thiểu mỗi tháng doanh nghiệp phải chi trả là 123-135 nghìn VNĐ và tùy theo mức sử dụng, doanh nghiệp chi trả với giá từ 6.700-7.500 VNĐ/m3.

Bảng 2: Giá nước tại Sarawak phục vụ cho công nghiệp. (Nguồn: LAKU Management Sdn Bhd, JBALB).

Dự án H2ornbill:

H2ornbill là dự án liên doanh sản xuất hydrogen giữa ENEOS, SEDC Energy của Malaysia và Sumitomo của Nhật Bản. Hydrogen xanh được sản xuất tận dụng nguồn thủy điện dồi dào tại Sarawak, với tổng khối lượng đạt khoảng 90.000 tấn, trong đó 2.000 tấn được sử dụng phục vụ nhu cầu nội địa, phần còn lại xuất khẩu sang Nhật Bản.

Dự kiến dự án sẽ đi vào vận hành thương mại vào cuối năm 2029 và bắt đầu xuất khẩu từ năm 2030.

Dự án được đặt tại Bintulu - nơi có sẵn khu phức hợp công nghiệp hóa dầu, có thể sử dụng các cơ sở hạ tầng hiện có để sản xuất methylcyclohexane (MCH) - một hợp chất tích hợp giữa hydrogen và toluene, có độ an toàn cao khi vận tải trên biển.

 Hình 3: Triển lãm giới thiệu dự án H2ornbill tại Sarawak (Malaysia).

Hình 3: Triển lãm giới thiệu dự án H2ornbill tại Sarawak (Malaysia).

Dự án H2biscus:

H2Biscus là một dự án liên doanh giữa SEDC Energy, Lotte Chemical, Samsung E&A và KNOC nhằm mục đích chuyển đổi thủy điện thành hydrogen xanh, ammonia xanh. Dự kiến sản lượng hydrogen xanh sản xuất sẽ được Sarawak tiêu thụ và mức sản lượng đạt khoảng 150.000 tấn/năm. Phần hydrogen còn lại được phối trộn thành ammonia xanh và chuyển về Hàn Quốc, với công suất đạt khoảng 700.000 tấn/năm.

Tại Hàn Quốc, nhu cầu vận tải sử dụng hydrogen vẫn còn ít, người dân có xu hướng sử dụng xe điện thay vì xe chạy bằng nhiên liệu hydrogen. Về ngành năng lượng, hiện nguồn phát điện chủ yếu của Hàn Quốc là hạt nhân và than đá. Trong khi đó, với cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ Hàn Quốc cần giảm thiểu khí thải CO2 từ hoạt động đốt than, đồng thời định hướng giảm phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân. Do vậy, Hàn Quốc cần tìm nguồn nguyên liệu sạch thay thế cho than đá - ammonia xanh. Khách hàng của nguồn ammonia từ dự án dự kiến sẽ là các nhà máy nhiệt điện, sử dụng ammonia xanh để phục vụ hoạt động đồng đốt, thay thế dần điện than.

Chính quyền bang Sarawak đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực hydrogen xanh, trong đó bao gồm việc đảm bảo nguồn thủy điện, nước ổn định và giá rẻ cho sản xuất. Nhờ đó, Sarawak đã thu hút được 2 siêu dự án với tổng sản lượng hydrogen sản xuất hàng năm dự kiến đạt 240.000 tấn.

Bài học cho Việt Nam:

Thứ nhất: Về tiềm năng phát triển: Việt Nam có tiềm năng phát triển hydrogen dồi dào với nguồn năng lượng gió, mặt trời phong phú, nhưng lại hết tiềm năng nguồn thủy điện để có giá rẻ và ổn định. Theo các nghiên cứu của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương): Nam Trung bộ và Tây Nam bộ có tiềm năng điện gió, mặt trời vô cùng lớn, đặc biệt là các tỉnh ven biển. Đây là nguồn nguyên liệu lý tưởng cho sản xuất hydrogen xanh - loại lydrogen được sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo.

Để khai thác tiềm năng to lớn của hydrogen tại Việt Nam, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách hỗ trợ phù hợp và việc thu hút đầu tư từ doanh nghiệp.

Thứ hai: Về chính sách:

- Chính phủ cần ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, giá điện... nhằm giảm chi phí sản xuất hydrogen, tạo lợi thế cạnh tranh cho ngành công nghiệp này.

- Cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng, minh bạch để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho hoạt động sản xuất, lưu trữ và vận chuyển hydrogen.

- Khuyến khích nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất hydrogen tiên tiến, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Thứ ba: Về thu hút đầu tư:

- Cần tạo môi trường đầu tư cởi mở, minh bạch để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào chuỗi giá trị hydrogen.

- Phát triển cơ sở hạ tầng (đường ống vận chuyển, kho lưu trữ hydrogen...) để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn thông qua các quỹ đầu tư, chương trình tín dụng ưu đãi.

Nhìn chung, Việt Nam có tiềm năng tương đối lớn để phát triển ngành hydrogen nhờ vào nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo dồi dào. Học hỏi bài học từ bang Sarawak, Việt Nam có thể bắt đầu phát triển các dự án hydrogen tại một số tỉnh, thành có các điều kiện địa lý - tự nhiên phù hợp. Đặc biệt, các chính sách của quốc gia, cùng với sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương sẽ đóng vai trò then chốt trong việc định hướng, thúc đẩy sự phát triển của hydrogen xanh, mở ra các cơ hội mới cho đầu tư, cũng như hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng sạch, bền vững và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia./.

[*] DIỆU NGUYỄN, THƯ NGUYỄN, PHƯỢNG NGUYỄN (VNGE)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/chinh-sach-phat-trien-hydrogen-tai-sarawak-malaysia-bai-hoc-cho-viet-nam-92383.html