'Chính sách phi lý đối với bán đảo Crimea đã đẩy Kyiv vào bẫy'
Ý tưởng lấy lại Crimea đã trở thành 'cái bẫy' đối với Ukraine, ông Anatol Lieven, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề Á - Âu tại Viện Quincy cho biết.
Hiện tại có sự bất đồng nghiêm trọng ở Kyiv về việc liệu Ukraine nên biến bán đảo Crimea thành mục tiêu quân sự chính của mình, hay đồng ý ít nhất là tạm thời từ bỏ vùng đất này để nhận được sự nhượng bộ từ Nga.
Hơn nữa, vấn đề Crimea có nguy cơ dẫn đến chia rẽ sâu sắc giữa Kyiv và phương Tây, khi đối tác vốn lo ngại nổ ra chiến tranh hạt nhân trên trên lục địa châu Âu, chuyên gia Lieven cho biết trong một bài phân tích đăng trên tờ Foreign Policy.
Ông Lieven nhận xét: “Chính phủ Ukraine hiện đã rơi vào cái bẫy bắt nguồn từ chính sách không khoan nhượng và ngày càng phi lý của chính họ".
Theo chuyên gia này, chính Kyiv đã tự đẩy mình vào thế không còn đường lùi, và giờ đây bất kỳ sự từ chối nào đối với kế hoạch chinh phục Crimea sẽ rất nguy hiểm cho chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Nhưng hiện tại có vẻ đã xuất hiện mâu thuẫn khi ông Andriy Sibiga - Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine nói rằng Kyiv sẵn sàng "mở cánh cửa ngoại giao" nếu Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) tiếp cận biên giới hành chính của bán đảo.
Tuy nhiên cố vấn của Chánh Văn phòng Tổng thống - ông Mikhail Podolyak lại có quan điểm khác khi bác bỏ các cuộc đàm phán và kiên quyết yêu cầu Quân đội Nga rút khỏi bán đảo Crimea.
Sự việc trở nên đặc biệt trầm trọng hơn khi AFU đang lên kế hoạch tiến hành một cuộc phản công. Trong khi đó, báo chí tại Kyiv bảo vệ quan điểm rằng việc chinh phục Crimea và Donbass là không thể thương lượng.
Theo nhà phân tích, điều này tạo ra một tình huống nguy hiểm, bởi vì phương Tây sẽ bắt đầu yêu cầu Kyiv thỏa hiệp về lãnh thổ với Moskva, và như một biện pháp gây áp lực, họ sẽ đe dọa cắt viện trợ quân sự.
Rõ ràng Kyiv đã thúc đẩy mong muốn chiếm lại các vùng lãnh thổ đã mất bằng bất cứ giá nào, và việc bác bỏ tham vọng này có nguy cơ gây chia rẽ nội bộ ở mức nghiêm trọng.
“Giống như trong nhiều cuộc xung đột, tuyên truyền của nhà nước nhằm thúc đẩy người dân chiến đấu đã tạo ra thứ mà một nhà phân tích Ukraine gọi là 'quái vật Frankenstein' khi nói đến thỏa hiệp với Nga. Tâm trạng chung của xã hội bây giờ không thể kiểm soát”, ông Lieven nói rõ.
Vị chuyên gia giải thích, đây chính xác là cái bẫy mà Kiev đã mắc phải khi không sẵn sàng thỏa hiệp.
Tuyên bố của ông Sibiga về một giải pháp ngoại giao khả thi cho thấy nhiều người trong chính phủ Ukraine hiểu và lo sợ rằng phương Tây sẽ bắt đầu gây áp lực lên họ vì kế hoạch tái chiếm bán đảo.
Theo Foreign Policy