Chính sách phù hợp, truyền thông tích cực để ứng xử trên mạng không trở thành rác văn hóa
Những hành vi trên thế giới ảo nhưng lại ảnh hưởng đến đời sống thật. Bởi vậy, cần mạnh tay ngăn chặn những hành vi lệch chuẩn, thiếu văn hóa trong thế giới ảo, góp phần làm trong sạch môi trường văn hóa, xây dựng con người văn minh, tôn trọng pháp luật.
Sức mạnh đã sử dụng nhầm chỗ
Từ khi có mạng xã hội, có một cụm từ đó là "cộng đồng mạng". Cộng đồng này tồn tại vô hình, ảo, nhưng được điều khiển bởi những con người thật, đại diện cho những con người thật. Cộng đồng này có một "sức mạnh" to lớn mà không quy luật nào có thể lý giải. Có thể tung hô một người lên tận mây xanh, nhưng cũng có thể đẩy người khác xuống bùn, chỉ trong vài ngày, thậm chí là một ngày.
Sức mạnh của cộng đồng mạng đã có thể hỗ trợ cơ quan chức năng điều tra ra kẻ bắt cóc em nhỏ bị lạc ở công viên Bắc Ninh cách đây 2 năm. Cũng sức mạnh ấy, đã lan tỏa và hỗ trợ một em nhỏ bị bố đẻ bạo hành….Còn nhiều trường hợp khác tương tự như vậy. Nhưng cũng rất phổ biến và diễn ra hàng ngày sự lợi bất cập hại cùng những hệ lụy khôn lường khi sức mạnh ấy không thể hiện đúng chỗ.
"Cô gái được tìm kiếm nhiều nhất trên Facebook, Google, TikTok hôm nay đây rồi. Vào để nhận link nhé mọi người!". Sau lời thông báo trên nhóm mạng xã hội là hàng chục ngàn bình luận: "Xin link bạn ơi!"…Cứ thế, các video clip 18+ của một diễn viên quần chúng lan truyền. Rất nhiều lời chửi bới, thóa mạ, làm nhục cô gái, trong khi dù với bất cứ lý do gì thì cô vẫn là nạn nhân trong vụ việc xâm hại quyền riêng tư cá nhân.
Lợi dụng sự ảnh hưởng và tốc độ lan truyền nhanh của thông tin trong không gian mạng, những năm gần đây, mạng xã hội trở thành nơi để tấn công cá nhân, bằng việc lập các nhóm để nói xấu, chế ảnh để công kích một người nào đó, nhất là giới nghệ sĩ và những ai đang sở hữu nhiều lượt theo dõi trên mạng xã hội. Cùng với đó, nhiều người coi mạng xã hội là nơi để công kích, thậm chí là chửi mắng người khác, công khai chuyện riêng tư của người khác.
Mới đây, việc lợi dụng công nghệ để livestream "bóc phốt giới nghệ sĩ" đã ghi nhận đến hơn 225.000 người theo dõi và hơn 32.000 lượt chia sẻ. Ở khía cạnh nào đó, ngoài chủ đề "bóc phốt nghệ sĩ" được nhiều người quan tâm, thì rõ ràng, sự việc một lượng lớn người theo dõi những buổi livestream như trên gây nhiều hệ lụy cho xã hội.
Hay vụ việc YouTuber Thơ Nguyễn vừa qua thêm lần nữa cảnh báo chúng ta về rác văn hóa từ nền tảng chia sẻ video YouTube.
Mới nhất, đêm 15 rạng ngày 16/6, phản ứng của cổ động viên Việt Nam khi đội nhà bị dẫn trước thực sự thiếu văn minh. Sau 30 phút đầu tiên của hiệp 1, đội tuyển UAE đã dẫn trước Việt Nam với tỉ số 2-0, 2 bàn được ghi chóng vánh trong 8 phút và trong đó có 1 bàn penalty. Sau quả penalty này trọng tài chính Ali Sabah Adday Al-qaysi (Iraq) trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng mạng Việt. Rất nhanh chóng, sau khi kết thúc hiệp 1, cổ động viên đã đưa từ khóa Ali Sabah Adday lên top và ồ ạt "tấn công" Facebook của vị trọng tài. Chỉ sau vài tiếng, đường link dẫn đến Facebook trọng tài đã báo lỗi, có thể là do các cổ động viên quá khích đã report hoặc trọng tài đã khóa tài khoản MXH.
Chính sách phù hợp, truyền thông tích cực
Theo báo cáo chỉ số văn minh trên không gian mạng (DCI) do Microsoft công bố năm 2020, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có mức độ văn minh thấp nhất (Việt Nam đang đứng top 5/25 nước có mức độ văn minh thấp nhất thế giới). Microsoft cho biết khảo sát này nhằm tìm hiểu nhận thức của thanh thiếu niên và người trưởng thành trên 25 quốc gia về cuộc sống trên mạng và những trải nghiệm của các đối tượng này đối với 21 rủi ro do các hành xử không đúng mực gây ra.
Cũng theo khảo sát này, top 5 chủ đề người Việt Nam thường có những hành xử không đúng mực bao gồm các mối quan hệ tình cảm (48%), giới tính (48%), ngoại hình (35%), chủng tộc (23%)... Một điều đáng lưu ý là những hành vi này diễn ra khá thường xuyên và gần đây. Cụ thể, 70% người được khảo sát cho biết họ đã gặp phải 1 trong 21 hành xử không đúng mực trong 1 tháng gần đây; 97% thừa nhận họ đã bị tổn thương từ những hành xử đó trên không gian mạng và 83% lo lắng rằng họ sẽ gặp phải những hành vi tương tự một lần nữa.
Trước thực tế này, mới đây, Bộ TT&TT có văn bản về tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội, trong đó có nhận định việc thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng một số đối tượng đã lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như livestream, chia sẻ hình ảnh, video clip, trao đổi theo nhóm (group chat) để đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, trong đó chủ yếu là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Để chấn chỉnh hiện tượng này, tránh gây tác động xấu tới dư luận, đặc biệt là với giới trẻ, Bộ TT&TT đề nghị các địa phương phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội; chủ động xử lý nghiêm người vi phạm trên địa bàn…
Động thái này nhận được sự đồng tình của nhiều tầng lớp xã hội. PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia cho biết, ngoài việc xử phạt, cần nâng cao ý thức của những người sử dụng mạng xã hội.
"Cần tăng cường xử phạt những trường hợp vi phạm, nhưng nếu chúng ta chỉ xử phạt, kể cả mang tính làm gương, thì sẽ không bao giờ chấm dứt những hiệu ứng tâm lý đám đông trên mạng khi mà nguyên nhân sâu xa nhất chưa giải quyết rốt ráo. Mỗi người sử dụng mạng xã hội cần phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình trên không gian này. Những bộ quy tắc đạo đức, Bộ luật Dân sự dành riêng chế tài các hành vi không gian mạng (không chỉ là an ninh mạng) sẽ phải là những ưu tiên để chúng ta thực hiện trong thời gian tới"- PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn lý giải, để hình thành nên ứng xử văn minh trên môi trường mạng, chúng ta nên bắt đầu từ người sử dụng. Khi chúng ta trang bị cho người sử dụng một nhận thức đúng, một phông kiến thức căn bản tốt trong việc sử dụng mạng xã hội, chúng ta sẽ không quá lo lắng về tác động tiêu cực của mạng xã hội. Để làm được điều đó, chúng ta cần có những chính sách phù hợp, công tác truyền thông tích cực. Bên cạnh đó, những giải pháp kỹ thuật cũng là những biện pháp không thể tránh được trong quản lý mạng xã hội. Chúng ta cũng cần kiểm soát những gì là tốt, bổ ích đối với người Việt Nam, những gì cần phải hạn chế. Việc hình thành những tấm gương tốt trong sử dụng mạng xã hội, củng cố các phong trào xã hội để lôi cuốn người sử dụng mạng xã hội tham gia, đưa những sáng kiến tốt từ mạng xã hội vào đời sống thực cũng là những giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay./.