Chính sách quốc phòng của Nhật Bản không còn 'lặng lẽ'?
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio được kỳ vọng sẽ thúc đẩy táo bạo hơn chính sách quốc phòng của nước này khi những mối đe dọa từ bên ngoài đối với Tokyo đã lớn hơn trước.
Cam kết "tăng đáng kể"
Sau khi giành chiến thắng trong cuộc đua trở thành Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP), tân Thủ tướng Kishida Fumio đã dẫn dắt LDP giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử Hạ viện.
Liệu "luồng gió" bầu cử này có cho phép Thủ tướng Kishida thúc đẩy các cải cách táo bạo hơn, bao gồm cả những lo ngại về quốc phòng, vốn là những chủ đề nổi bật trong cuộc tranh cử gần đây của LDP?
Các ứng cử viên trong cuộc bầu cử lãnh đạo LDP đã tranh luận về mặt pháp lý và quân sự của việc cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đáp trả các cuộc tấn công quân sự từ bên ngoài vào lãnh thổ.
Những thay đổi về luật pháp vào năm 1999 và 2015 đã "lặng lẽ" cho phép Nhật Bản đồng hành cùng Mỹ trong nhiều hoạt động quốc phòng, nhưng chỉ mới gần đây, cuộc thảo luận chính thức về khả năng này mới được đưa ra công khai.
Ông Sanae Takaichi, thân cận của cựu Thủ tướng Shinzo Abe và hiện là Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách LDP cho rằng, Nhật Bản nên đáp ứng các cam kết như của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là chi 2% GDP cho quốc phòng.
Thủ tướng Kishida ít tham vọng hơn, nhưng cam kết sẽ sớm xem xét và cung cấp nguồn lực tốt hơn cho Kế hoạch phòng thủ trung hạn của Nhật Bản, đồng thời nhắc đi nhắc lại rằng, ông sẽ không bị ràng buộc bởi mốc chi tiêu quốc phòng không chính thức 1% GDP.
Với tư cách là thủ tướng, ông Kishida tuyên bố sẽ bắt đầu công việc sửa đổi Chiến lược An ninh Quốc gia và các tài liệu chính sách liên quan đến quốc phòng khác để phản ánh các quan điểm mới của đảng.
Cương lĩnh tranh cử của LDP trong cuộc bầu cử Hạ viện hứa hẹn sẽ "tăng cường đáng kể" năng lực quốc phòng từ năm 2022 trở đi. Đảng này cũng cam kết sẽ tăng cường sức mạnh cho Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản và khả năng hợp tác của lực lượng này với SDF do lo ngại về Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc và các quy định của luật này về việc sử dụng vũ khí.
Bản cương lĩnh cũng gián tiếp lưu ý đến sự cần thiết phải xem xét lại khả năng tấn công các mục tiêu bên ngoài lãnh thổ, vấn đề mà ông Kishida đã tái khẳng định với tư cách là thủ tướng.
Tiếp nối chính sách của cựu Thủ tướng Abe Shinzo
Việc tân Thủ tướng Kishida ủng hộ cam kết tăng chi tiêu quốc phòng của các lãnh đạo phe bảo thủ đã khiến giới quan sát ngạc nhiên. Nhưng nhiều người cho rằng, ông đang thực hiện chính sách mà cựu Thủ tướng Abe từng theo đuổi.
Bằng cách thực hiện những bước đi nhỏ, chẳng hạn như ban hành luật an ninh cho phép binh sỹ Nhật Bản chiến đấu ở nước ngoài, chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu trang thiết bị quân sự và sửa đổi Hiến pháp để cho phép quân đội có thể tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa vào lãnh thổ của đối phương, ông Abe đã tạo ra sự thay đổi đáng kể trong chính sách quốc phòng vào thời điểm ông nắm quyền.
Hiện tại, cam kết chi tiêu quốc phòng của LDP không cho biết khoản kinh phí bổ sung sẽ được phân bổ như thế nào và cũng không nêu rõ khi nào đạt được mục tiêu 2% GDP.
Chiến lược quốc phòng của Nhật Bản từ lâu đã tập trung vào việc bảo vệ lãnh thổ dọc theo rìa biển Hoa Đông, nơi Tokyo và Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Với kế hoạch chi thêm 50 tỷ USD mỗi năm, Nhật Bản có thể mua thêm nhiều khí tài quân sự của Mỹ, chẳng hạn như chiến đấu cơ tàng hình F-35, máy bay cánh quạt lật V-22 Osprey, máy bay không người lái giám sát và bổ sung nhiều khí tài nội địa, như tàu đổ bộ, tàu chiến, tàu sân bay, tàu ngầm, vệ tinh và các thiết bị liên lạc để phòng bị trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột kéo dài.
Yoji Koda, cựu Tư lệnh Lực lượng tự vệ biển Nhật Bản (JMSDF) cho biết: “Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được đào tạo và trang bị rất tốt, nhưng vẫn cần phải nâng cao sự bền bỉ và khả năng tự phục hồi”.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản muốn có thêm kinh phí để mua những loại tên lửa có thể tấn công tàu hay căn cứ trên đất liền của đối phương ở khoảng cách hơn 1.000 km. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đang tăng cường năng lực tác chiến điện tử và khả năng đối phó với chiến tranh mạng hoặc chiến tranh không gian trong tương lai.
Mỹ khuyến khích chính quyền của Thủ tướng Kishida tăng chi tiêu quốc phòng để duy trì chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, ngày 9/11 trong cuộc họp báo tại Washington rằng, “Nhật Bản đóng một vai trò không thể thiếu trong việc duy trì và bảo vệ một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
Tháng trước, trong chuyến công du Nhật Bản, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Daniel Kritenbrink cũng đã khẳng định: "Chúng tôi hoan nghênh cơ hội tiếp tục phối hợp với các đồng minh Nhật Bản về cách chúng ta cùng nhau có thể đóng góp vào hòa bình và ổn định trên toàn khu vực".
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chinh-sach-quoc-phong-cua-nhat-ban-khong-con-lang-le-164688.html