Chính sách tài chính đối với sinh viên đại học tại Việt Nam

Thực tế những năm qua cho thấy, giáo dục đại học ở Việt Nam đã, đang đối diện với những khó khăn, thách thức về tài chính, nhất là vấn đề tài chính tại các trường đại học ở Việt Nam. Trước hạn chế về nguồn tài chính công, Việt Nam đã và đang thực hiện theo cơ chế tự chủ giáo dục đại học và từng bước tăng học phí để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bài viết phân tích thực trạng chính sách tài chính đối với sinh viên tại các trường đại học, từ đó đưa ra một số khuyến nghị chính sách nhằm đảm bảo tính công bằng cho việc tiếp cận giáo dục đại học ở nước ta.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đặt vấn đề

Giáo dục đại học được coi là nền móng, tạo điều kiện phát triển và giải quyết các vấn đề đói nghèo và bất bình đẳng, cũng như tăng trưởng kinh tế của các quốc gia (Oluwatobi và Ogunrinola, 2011). Theo lý thuyết nguồn vốn con người, giáo dục đóng vai trò chuẩn bị cho nguồn lao động tương lai với năng suất cao, ổn định và an toàn xã hội.

Ở góc độ hộ gia đình, giáo dục giúp tăng thu nhập cho người học với mức tiền lương cao hơn, giảm thiểu thời gian thất nghiệp và xây dựng kỹ năng thích ứng tốt với sự thay đổi xã hội (Mincer, 1958; Schultz, 1961). Giáo dục vì lẽ đó mang lại lợi ích cho cả Nhà nước ở cấp độ vĩ mô và cá nhân ở góc độ vi mô. Việc san sẻ gánh nặng tài chính trong phát triển và đầu tư hệ thống giáo dục đại học phù hợp với bối cảnh phát triển của các quốc gia.

Tại Việt Nam, chính sách tài chính hỗ trợ học sinh, sinh viên tại các trường đại học được chia thành 3 giai đoạn. Sau khi thống nhất đất nước 1945 đến năm 1987, sinh viên đại học được trợ cấp toàn bộ chi phí học tập và sinh hoạt. Đến năm 1998, các trường đại học công lập được phép tuyển thêm sinh viên ngoài chỉ tiêu và được phép thu học phí đối với đối tượng này.

Theo Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 54/1998/TTLT-BGDĐT-BTC của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính, các cơ sở giáo dục thu học phí từ 50.000 đến 180.000 đồng/tháng/sinh viên. Trong giai đoạn này, chính sách học phí tăng thấp, với trần học phí thay đổi theo từng giai đoạn.

Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, mức học phí đại học bước vào giai đoạn tăng tốt hơn. Theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ triển khai thí điểm cơ chế tự chủ một số trường đại học tại Việt Nam và tăng quy định mức phí lên 1.750.000 đến 5.050.000 đồng/tháng/sinh viên đối với các trường đại học. Hiện tại, thực hiện Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ, mức thu học phí của các cơ sở giáo dục tăng từ 2.050.000 đồng/tháng đến 5.050.000 đồng/tháng. Chi phí giáo dục tăng là thách thức đối với việc đảm bảo tính bình đẳng trong giáo dục đại học. Bài viết phân tích chính sách hỗ trợ tài chính đối với sinh viên đại học tại Việt Nam; từ đó đề xuất hoàn thiện chính sách theo hướng bao trùm và hiệu quả hơn.

Tổng quan chính sách hỗ trợ tài chính đối với sinh viên đại học tại Việt Nam

Chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên tại Việt Nam gồm chính sách miễn giảm học phí và chính sách tín dụng.

Chính sách miễn giảm học phí, học bổng

Đối với các chính sách miễn giảm học phí, học sinh dân tộc thiểu số được Đảng, Nhà nước quan tâm thông qua chính sách miễn, giảm và hỗ trợ học phí. Thực hiện Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, đối tượng học sinh, sinh viên chuyên ngành (Sư phạm Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, bác sỹ chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Giám định pháp y...) thuộc nhóm dân tộc thiểu số ít người có hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa, hoặc theo các chương trình học được Nhà nước ưu tiên được miễn học phí. Mặt khác, theo Thông tư liên tịch số 35/2014/TTLT-BGDĐT-BTC ngày 15/10/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính, sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học còn được hỗ trợ 60% mức lương cơ sở mỗi tháng.

Đối với các chính sách học bổng, chương trình học bổng thường cấp với nhà trường, tổ chức tư nhân và có thể được phân ra làm hai loại. Thứ nhất là học bổng của các doanh nghiệp (DN) xã hội hay các tổ chức phi lợi nhuận hướng tới hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi. Một số chương trình học bổng có thể kể đến như: Học bổng Lương Văn Can hay VietSeed. Học bổng Lương Văn Can được chia làm 2 suất học bổng, gồm học bổng toàn phần và học bổng bán phần. Đối tượng được xét học bổng là công dân Việt Nam, có thành tích học tập tốt (điểm trung bình tích lũy và điểm ngoại ngữ phải từ 8.0 trở lên) (Lương Văn Can Fund, 2022).

Thứ hai là học bổng của các DN được cấp thông qua các trường đại học, điển hình như: Học bổng Ngân hàng Quân đội, học bổng TOTO, học bổng Coca Cola. Các mức học bổng này thường được xét theo từng năm học và có tính cạnh tranh cao. Tiêu chí xét học bổng chủ yếu phụ thuộc vào học lực của sinh viên. Điểm mạnh của loại học bổng này là giá trị học bổng lớn, tạo điều kiện khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên. Ví dụ: Năm học 2022-2023, sinh viên có thể nhận học bổng NITORI trị giá 13 triệu đồng/sinh viên/năm học hay học bổng Ngân hàng Quân đội trị giá 10 triệu đồng/sinh viên/năm học (Đại học Ngoại thương, 2022d, 2022c).

Ở trường đại học, học bổng nhà trường được xem xét hướng tới sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đạt kết quả học tập tốt với mức hỗ trợ lên tới 11.200.000 triệu đồng/học kỳ (Đại học Ngoại thương, 2022). Trong thời gian dịch bệnh COVID-19, trường Đại học Ngoại thương giảm 5% học phí cả năm học 2020 - 2021 và 7% học phí học kỳ 1 năm học 2021 - 2022 cho các sinh viên theo học tại trường này. Đối với những hộ gia đình gặp khó khăn, do ảnh hưởng của đại dịch, các mức hỗ trợ cho sinh viên tương đương mức 100%, 70%, 50%, 30% học phí căn cứ theo hồ sơ và các minh chứng (Đại học Ngoại thương, 2021).

Chính sách cho vay

Chính sách cho vay của Chính phủ đang thực hiện theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 và Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đối tượng được tiếp cận nguồn vốn vay là những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, gia đình thuộc hộ nghèo, hoặc khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao. Tại các trường học, chính sách cho vay không phổ biến. Một số trường có kết nối với một số tổ chức tài chính, nhằm hỗ trợ khó khăn cho sinh viên. Ví dụ: Chương trình học bổng FTU - MABUCHI do trường Đại học Ngoại thương kết hợp với Tập đoàn Mabuchi (Nhật Bản). Học bổng này dành cho sinh viên hệ chính quy có hoàn cảnh khó khăn và thành tích học tập tốt với mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/sinh viên/tháng (Đại học Ngoại thương, 2021).

Đánh giá, nhận xét về chính sách tài chính đối với sinh viên đại học

Chính sách miễn, giảm học phí, học bổng

Chính sách hỗ trợ tài chính của Việt Nam đã thể hiện chia sẻ của Chính phủ, các trường và các tổ chức cá nhân đối với sinh viên đại học. Chính sách tài chính góp phần hỗ trợ cho các đối tượng sinh viên thuộc các ngành học cần được quan tâm như: Sư phạm, Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, một số các ngành nghệ thuật... Chính sách hỗ trợ tài chính phản ánh các yếu tố tác động tới chi tiêu giáo dục đại học như dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn và địa phương nơi sinh viên sinh sống. Tuy nhiên, chính sách tài chính cần xem xét, rà soát theo hướng sau:

- Về đối tượng: Các chính sách hỗ trợ đã tiệm cận tới các đối tượng sinh viên gặp khó khăn về tài chính nhưng chưa đồng bộ. Đối với các cơ chế cấp học bổng, hiện nay đa phần các chương trình đều dựa theo cơ chế xét kết quả học tập của sinh viên. Học sinh có hoàn cảnh khó khăn thường không có điều kiện tập trung và đạt kết quả tốt so với học sinh khác. Như vậy, các học sinh từ hộ gia đình nghèo và cận nghèo người Kinh sẽ gặp bất lợi khi tìm nguồn hỗ trợ miễn, giảm học phí.

- Về quy mô hỗ trợ: Chính sách hỗ trợ tài chính từ phía Nhà nước đã hỗ trợ một phần học phí cho sinh viên, nhưng chưa giải quyết triệt để các chi phí giáo dục khác (như chi phí về nhà ở, dụng cụ học tập, học thêm, giáo trình...). Theo báo cáo của Timo (2021), trung bình sinh viên theo học các trường đại học ở các thành phố lớn sẽ có mức chi phí khoảng 3.000.000 đồng/tháng. Mức chi thấp nhất vào khoảng 2.350.000 nếu được hỗ trợ ở ký túc xá (Đại học Ngoại thương, 2022). Bảng 1 cho thấy, trừ đối tượng sinh viên khối ngành Sư phạm, hỗ trợ ngoài học phí hiện nay không bù đắp được 100% mức chi tiêu thấp nhất của một sinh viên đại học.

Chính sách cho vay

Chính sách tín dụng dành cho học sinh, sinh viên các trường đại học đã được ưu tiên mở rộng và cho phép các hộ gia đình có khó khăn tài chính được tiếp cận. Hiệu quả từ chính sách tín dụng dành cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là tích cực, nhưng cần nhìn nhận lại một số hạn chế như sau:

- Về hiệu quả tiếp cận: Theo một cuộc khảo sát sinh viên vay vốn, 19% sinh viên được khảo sát không biết về chương trình tín dụng học sinh, sinh viên (Nguyễn Mai Hương, 2020). Điều này thể hiện hạn chế trong tuyên truyền, phổ biến thông tin đối với các chương trình cho vay.

- Về thời hạn trả nợ: Quy định phải trả nợ gốc trong vòng 12 tháng kể từ khi sinh viên ra trường là chưa hợp lý. Sinh viên mới ra trường chưa đủ tiềm lực tài chính để chi trả nợ. Cũng theo khảo sát tại Đại học Bách Khoa, 64,7% sinh viên không đồng ý với thời hạn này. Trước khoản vốn vay lớn cần phải nhanh chóng trả, sinh viên sẽ rơi vào tình trạng áp lực tìm việc không phù hợp hoặc không có khả năng chi trả khoản nợ gốc và nợ quá hạn (Bình et al., 2017).

- Về thủ tục vay vốn: Thủ tục cho vay được nhận định là phức tạp. Có đến 40,7% sinh viên cho rằng, thủ tục vay vốn từ Nhà nước còn phức tạp và 21,3% sinh viên cho rằng việc này là rất phức tạp. Đa số sinh viên gặp khó khăn trong khâu xin giấy tờ, thủ tục từ chính quyền địa phương và điều này làm chậm quá trình làm hồ sơ gửi tới ngân hàng, khiến sinh viên không nhận được khoản tiền này ngay từ đầu năm (Bình et al., 2017).

- Về quy mô cho vay: Mức vay vốn tối đa cho chương trình tín dụng sinh viên cần được nới rộng. Trung bình, học phí của các chương trình tiêu chuẩn trong số 23 trường đại học công lập tự chủ theo Nghị định số 86/2015/NĐ/CP vào khoảng 19,5 triệu đồng/năm (Đại học Hà Nội, 2022; Đỗ Hợp, 2022b, 2022a). Thấp nhất là mức học phí nhóm ngành Nông, lâm, thủy sản của Học viện Nông nghiệp Việt Nam ở 11.600.000 đồng/năm (Duy Phương, 2022). Chương trình vay tín dụng học sinh, sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ có thể đảm bảo 100% chi phí cho sinh viên của chương trình đào tạo với học phí thấp nhất. Sinh viên có khó khăn về tài chính sẽ hạn chế theo học các ngành Dược, Y học thường có mức học phí cao hơn.

Cụ thể, tại Đại học Tôn Đức Thắng, học phí ngành Dược học cao gần hai lần so với lần lượt khối ngành còn lại. Tại Đại học Y dược Cần Thơ, mức học phí dao động trong khoảng từ 29.400.000 đồng/năm đến 44.100.000 đồng/năm (Giáo dục Thủ đô, 2022; Lê Huyền, 2022). Với xu hướng học phí tăng đều mỗi năm hiện nay, cần có cơ chế linh hoạt trong mức xác định mức hỗ trợ tối đa cho sinh viên từ các ngân hàng chính sách, ngân hàng thương mại và các trường.

Kinh nghiệm quốc tế

Chính sách miễn giảm học phí, học bổng

Chính sách hỗ trợ học phí, học bổng của các nước được xây dựng dựa trên hai chỉ tiêu gồm: Tỷ lệ người trả học phí và tỷ lệ người hưởng trợ cấp. Trên cơ sở hai tiêu chí này, các nước đưa ra 4 phương án cho chính sách hỗ trợ tài chính và chính sách học phí (Diển et al., 2019).

- Học phí thấp, trợ cấp thấp: Thực tế này diễn ra ở các nền giáo dục không được coi trọng, kết quả học tập thường không tốt như: Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ...

- Học phí thấp, trợ cấp cao: Các nước áp dụng chính sách này thường theo định hướng xã hội với mức thuế thu nhập cao. Các nước áp dụng chính sách này gồm: Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển...

- Học phí cao, trợ cấp thấp: Hầu hết các sinh viên chi trả học phí và chỉ một số ít sinh viên được nhận trợ cấp hoặc học bổng theo thành tích học tập hoặc hoàn cảnh gia đình. Điển hình thực hiện chính này có thể kể tới như Croatia, Serbia.

- Học phí cao, trợ cấp cao: Tất cả các sinh viên nộp học phí và hầu hết nhận được một khoản trợ cấp cơ bản. Tùy theo tình hình tài chính, các sinh viên được nhận một khoản trợ cấp bổ sung hoặc cho vay tín dụng. Đây là chính sách được áp dụng nhiều nhất, chủ yếu ở các nước tư bản phương Tây như: Vương quốc Anh, Mỹ, Úc hay Trung Quốc.

Chính sách miễn giảm và hỗ trợ học phí gắn liền với các chính sách công của đất nước. Tùy vào tình hình tài khóa, cũng như định hướng phát triển, các quốc gia sẽ lựa chọn phương án hỗ trợ khác nhau. Trong những năm gần đây, Việt Nam triển khai áp dụng chính sách tài chính theo phương án 4 với mức học phí tăng dần và tỷ lệ người trả học phí cao. Nhằm đảm bảo nguồn thu cho cơ chế hỗ trợ tài chính, các chương trình quốc tế hóa giáo dục đại học cần củng cố và tăng sức hút với sinh viên nước ngoài hoặc hộ gia đình có mức thu nhập cao. Tại Anh, sau khi áp dụng chính sách “Học phí cao, trợ cấp cao” chênh lệch tỷ lệ sinh viên vào đại học giữa các nhóm thu nhập có xu hướng giảm dần (Murphy et al., 2019).

Chính sách cho vay

Chính sách cho vay đối với học sinh, sinh viên của các nước trên thế giới có sự khác biệt về đối tượng, thời hạn, cách thức trả nợ và lãi suất. Việc xác định đối tượng vay phụ thuộc vào hoàn cảnh tài chính của cha mẹ hoặc người giám hộ (tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức). Ngoài ra, Hàn Quốc đưa ra thêm điều kiện về kết quả học tập tối thiểu sinh viên phải đạt để có thể nhận khoản vay vốn này (Hankyong National University, n.d.). Các khoản vay cũng được phân chia thành nhiều danh mục như học phí và ngoài học phí tại Hungary, Australia (Carol Ey, 2017; Díakhitel, n.d.).

Cách thức trả nợ khoản vốn vay và lãi suất, đa phần các nước cho phép sinh viên sau khi ra trường có thể trả nợ tùy thuộc vào mức lương của họ. Điển hình như: Tại Vương quốc Anh, khoản nợ sẽ được trích trực tiếp tùy vào mức lương, do công ty nơi sinh viên làm việc. Trong trường hợp sinh viên tự kinh doanh có thể trả trực tiếp thông qua thuế. Đặc biệt, từ ngày 01/9/2012, sinh viên có thể hoãn trả nợ khi thu nhập dưới 2.274 Bảng Anh/tháng (tương đương 234% mức lương tối thiểu của người lao động trên 21 tuổi tính từ ngày 01/10/2011) và khoảng 220% mức lương tối thiểu tính từ ngày 01/10/2012 (Student Loans Company, 2022).

Trong giai đoạn 2017 - 2018, 34% sinh viên ra trường có thu nhập dưới ngưỡng thu nhập, nên không có đủ khả năng trả nợ. Trong tổng số 5,7 triệu sinh viên vay vốn, có khoảng 5.000 sinh viên không cần trả nợ khoản vốn vay do: Sinh viên qua đời trước chi trả hết nợ; sinh viên bị khuyết tật và vĩnh viễn không đủ khả năng làm việc; 30 năm kể từ khi sinh viên ra trường mà chưa trả đủ nợ (Bolton, 2019). Hoa Kỳ và Australia cũng áp dụng phương pháp tính khoản tiền trả mỗi tháng theo thu nhập người vay, thay vì lãi suất cố định như một số quốc gia châu Á (Finaid, n.d.; Parliament of Australia, 2017).

Tại Hoa Kỳ, sinh viên được vay không lãi suất trong suốt thời gian học tập nếu gặp khó khăn về tài chính. Ngoài ra, mọi sinh viên đều có thể tiếp cận các khoản vay có lãi suất. Khoản nợ có thể được xóa 100% nếu sinh viên theo nghề sư phạm hoặc các dịch vụ công khác (Federal Student Aid, n.d.a). Tuy nhiên, chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên của Hoa Kỳ còn nhiều hạn chế. Sinh viên nghèo thường chịu mức lãi suất cao hơn (Robert Farrington, 2022). Tỷ lệ sinh viên nghèo vào trường "đại học có lợi nhuận" với học phí cao ngày càng tăng. Sau khi vay vốn, những sinh viên này thường chịu gánh nặng nợ lớn (Todd Sedmak, 2020).

Khuyến nghị chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên đại học tại Việt Nam

Từ những nội dung nghiên cứu trên, bài viết đưa ra những khuyến nghị chính sách hỗ trợ tài chính đối với sinh viên tại Việt Nam như sau:
Thứ nhất, nâng cao hiệu quả tuyên truyền về các nguồn học bổng và các chương trình tín dụng học sinh, sinh viên. Có thể cân nhắc xây dựng Cổng Thông tin điện tử quảng bá và tổng hợp học phí, nguồn hỗ trợ và chương trình cho vay để tạo thuận lợi cho sinh viên trong tra cứu và cân nhắc trong quá trình lựa chọn trường đại học phù hợp với năng lực và khả năng tài chính.

Thứ hai, cân nhắc linh hoạt và nới rộng hạn mức cho vay và hỗ trợ ngoài học phí. Mức hỗ trợ hiện nay chưa tạo điều kiện cho sinh viên gặp hoàn cảnh khó khăn trang trải 100% chi phí học tập tại các trường đại học tự chủ theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Thứ ba, đối với chương trình tín dụng, cân nhắc mở rộng quy định về đối tượng cho vay để tạo điều kiện cho các sinh viên nghèo có nhu cầu được tiếp cận nguồn vốn. Ví dụ: Các chương trình vay sinh viên tại cấp trường có thể xem xét cho các sinh viên với kết quả học tập từ khá trở lên tiếp cận thay vì quy định kết quả học tập tốt như hiện nay.

Kết luận

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, giáo dục đại học đã và đang trở thành mục tiêu chiến lược của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Để đáp ứng và nhận diện những thách thức nhân lực kỷ nguyên mới, bài viết đưa ra “bức tranh” tổng thể về chính sách tài chính áp dụng đối với sinh viên Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số khuyến nghị chính sách được đưa ra nhằm gợi mở những nghiên cứu tiếp theo đối với chủ đề này.

Nhìn chung, chính sách hỗ trợ tài chính đối với sinh viên đã và đang đi theo xu hướng và nhu cầu tất yếu của thời đại mới. Để đảm bảo tiếp cận công bằng tại cấp bậc này, cần đánh giá tính hiệu quả và phù hợp của các chính sách tài chính hướng tới các đối tượng yếu thế trong xã hội.

*Nhóm tác giả cảm ơn sự tài trợ của Trường Đại học Ngoại thương qua Đề tài “Các nhân tố ảnh hưởng tới chi tiêu của hộ gia đình cho giáo dục tại Việt Nam”, mã số: NTCS2021-41.

Tài liệu tham khảo:

Đại học Hà Nội. (2022), Học phí chương trình cử nhân hình thức đào tạo chính quy khóa 2022- 2026 áp dụng cho năm học 2022 - 2023;Đại học Ngoại thương. (2021a), Chương trình học bổng cho vay không lãi suất của quỹ học bổng Ftu-Mabuchi;Đại học Ngoại thương. (2021b), Thông báo về chính sách hỗ trợ sinh viên mùa dịch COVID-19 năm học 2021-2022;Đại học Ngoại thương. (2022a), Thông báo về việc xét ở ký túc xá năm học 2022 – 2023 (dành cho tân sinh viên k61);Đại học Ngoại thương. (2022b), Thông báo xét chọn học bổng KKHT dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đạt kết quả học tập tốt (Học bổng C) tại Trụ sở chính Hà Nội Học kỳ 2, Năm học 2021-2022;Đại học Ngoại thương. (2022c), Thông báo : Xét chọn Học bổng MB Bank Năm 2022, https://qldt.ftu.edu vn/t%C3%A0i-ch%C3%ADnh/h%E1%BB%8Dc-b%E1%BB%95ng/
h%E1%BB%8Dc-b%E1%BB%95ng-c%E1%BB%A7a-c%C3%A1c-t%E1%BB%95-ch%E1%BB%A9c-c%C3%A1-nh%C3%A2n/2217-h%E1%BB%8Dc-b%E1%BB%95ng.html;Đại học Ngoại thương. (2022d), Thông báo: Xét chọn Học bổng NITORI, Năm học 2021-2022, https://qldt.ftu.edu.vn/t%C3%A0i-ch%C3%ADnh/h%E1%BB%8Dc-b%E1%BB%95ng/h%E1%BB%8Dc-b%E1%BB%95ng-c%E1%BB%A7a-c%C3%A1c-t%E1%BB%95-ch%E1%BB%A9c-c%C3%A1-nh%C3%A2n/2225-th%C3%B4ng-b%C3%A1o-x%C3%A9t-ch%E1%BB%8Dn-h%E1%BB%8Dc-b%E1%BB%95ng-nitori,-n%C4%83m-h%E1%BB%8Dc-2021-2022.html;Đại học Ngoại thương. (2022e, September). Thông báo về việc xét ở ký túc xá năm học 2022 – 2023 (dành cho tân sinh viên k61);Giáo dục Thủ đô. (2022), Học phí Đại học Tôn Đức Thắng 2022 - 2023, https://giaoducthudo.giaoducthoidai.vn/hoc-phi-dai-hoc-ton-duc-thang-2022-2023-14949.html;Diển, B. T., Chi, N. T., Hanh, D. T., & Ha, N. V. (2019), Các chính sách miễn , giảm học phí , hỗ trợ chi phí học tập từ góc nhìn quốc tế : Một bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam;Bình, Đ. T., Thủy, T. T., Thanh, P. V., Hương, P. T. T., & Yến, N. T. (2017), Chất lượng tín dụng đối với học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam nhìn từ phía sinh viên: Nghiên cứu thực nghiệm tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tạp chí Công Thương;Bolton, P. (2019), Student Loan Statistics. www.parliament.uk/commons-libraryintranet.parliament.uk/commons-librarypapers@parliament.uk@commonslibrary;Carol Ey. (2017), Higher Education Loan Program (HELP) and other student loans: a quick guide – Parliament of Australia. Parliament of Australia;Díakhitel. (n.d.). Student Loan in Hungary. Retrieved November 22nd, 2022, from https://diakhitel.hu/english-page/;Executive European Education and Culture Agency, & Eurydice. (2019), National student fee and support systems in European higher education : 2018/19. Publications Office. https://doi.org/doi/10.2797/233986;Federal Student Aid. (n.d.-a). Loans. Federal Student Aid. Retrieved November 22nd, 2022, from https://studentaid.gov/understand-aid/types/loans;Federal Student Aid. (n.d.-b). Loans. Federal Student Aid. Retrieved November 22nd, 2022, from https://studentaid.gov/understand-aid/types/loans;Finaid. (n.d.). Income Contingent Repayment - Finaid. Retrieved November 17th, 2022, from https://finaid.org/loans/icr/;Hankyong National University. (n.d.). Student Loan. Retrieved November 17th, 2022, from https://www.hknu.ac.kr/eng/5634/subview.do#this.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 12/2022

Phạm Phương Thảo, Trần Xuân Huy, Hoàng Thị Ngọc Thảo - Trường Đại học Ngoại Thương

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/chinh-sach-tai-chinh-doi-voi-sinh-vien-dai-hoc-tai-viet-nam.html