Chính sách tài chính phát triển kinh tế tư nhân
Ngày 16-10, tại Hưng Yên, trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia, với chủ đề 'Chính sách tài chính đối với phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam'.
Ngày 16-10, tại Hưng Yên, trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia, với chủ đề “Chính sách tài chính đối với phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam”.
Hơn 80 tham luận và ý kiến trình bày trực tiếp tại Hội thảo của hàng trăm đại biểu là các lãnh đạo ngành và doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học và giảng viên đại học của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã tập trung phân tích làm rõ các vấn đề lý luận, các chủ trương, quan điểm của Đảng và thực tiễn vai trò, vị thế, thách thức về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN).
Đặc biệt, tập trung đánh giá và đề xuất các giải pháp kinh tế-tài chính nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng 4.0 theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, trong đó nhấn mạnh đến việc “Bảo đảm các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân”.
Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhận thức và quy mô khu vực kinh tế tư nhân đã có nhiều phát triển quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Hiện khu vực kinh tế tư nhân đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các khu vực kinh tế vào tổng đầu tư và tạo việc làm xã hội, nộp ngân sách nhà nước và đa dạng hóa các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Sức khỏe của khu vực kinh tế tư nhân là biểu hiện sức khỏe, khả năng tự chủ, sức chống chịu của nền kinh tế và là thước đo sự thành công trong hành trình đổi mới và hiện đại hóa đất nước.
Động lực cần cho phát triển DN được hội tụ và cộng hưởng từ gia tăng các chuỗi liên kết DN kiểu mới, khép kín, hài hòa lợi ích; xây dựng văn hóa DN gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường, xã hội và cộng đồng, môi trường lao động an toàn, thân thiện, và năng lực đổi mới, sáng tạo đủ sức vượt qua mọi rào cản kỹ thuật quốc gia và quốc tế, đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững.
Nhà nước cần tìm tòi và nhân rộng các cách làm mới, đột phá hơn trong quản lý nhà nước đối với DN và kinh doanh; nâng cao vai trò, tính chuyên nghiệp, năng lực và trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các hiệp hội DN trong hỗ trợ DN đầu tư cả trong và ngoài nước; Nới lỏng các quy định hạn điền và linh hoạt các cách thức thuê đất vừa tuân thủ đúng Luật Đất đai, bảo đảm lợi ích và quyền sở hữu ổn định của người dân, vừa thuận lợi cho DN an tâm đầu tư với thời hạn dài, cải thiện hiệu quả kinh doanh theo quy mô lớn, phát triển thị trường thứ cấp về đất kinh doanh; chú trọng hình thức Hợp tác công tư (PPP), khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm, bảo đảm phát triển bao trùm và bền vững; Coi trọng giáo dục lòng yêu nước tự hào dân tộc và bản lĩnh kinh doanh cho các doanh nhân và người lao động trong KTTN; Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và các hiệp hội, nghề nghiệp đối với khu vực KTTN, cũng như đối với từng DN, xây dựng văn hóa DN, văn hóa kinh doanh và văn hóa quản lý, thúc đẩy tinh thần tự trọng, tự tôn và tự hào dân tộc, gắn kết và hợp tác công đồng, phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân, các “Công ty mẹ-con” và các hiệp hội DN ngành nghề phù hợp, hỗ trợ cho KTTN phát triển; đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, kiểm soát độc quyền và hạn chế các hiện tượng tiêu cực trốn lậu thuế, làm hàng giả trong sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, cần coi trọng phát triển các dịch vụ tư vấn, thông tin và dự báo thị trường, hỗ trợ kinh doanh; giảm thiểu cho khu vực DN các gánh nặng thể chế, tài chính và tín dụng trong đầu tư mở rộng thị trường trong nước và hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân đầu tư ra nước ngoài;
Xóa bỏ những định kiến về thành phần kinh tế nói chung, về KTTN nói riêng phải trở thành khâu đột phá trong nhận thức và cơ sở pháp lý cho sự phát triển KTTN tương lai.
Theo đó, cần tuân thủ các nguyên tắc và thông lệ quốc tế, đặc biệt là các cam kết hội nhập KTQT; đảm bảo sự tự do hóa ngày càng cao, đầy đủ và rộng rãi các lĩnh vực hoạt động kinh doanh cho phép khu vực KTTN tham gia.
Đặt khu vực kinh tế Nhà nước ngày càng bình đẳng với các khu vực kinh tế ngoài Nhà nước về pháp luật và điều kiện tiếp cận, sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra của DN trong sự cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật và nguyên tắc thị trường; xây dựng, triển khai các công cụ quản lý và hỗ trợ mới đối với khu vực KTTN, chuyển từ mục đích "quản chặt" sang "hỗ trợ” DN bằng định hướng chính sách, thông tin thị trường và những khuyến khích tài chính, cũng như tinh thần theo ngành, sản phẩm, địa bàn..., chứ không theo từng DN, dự án cụ thể hoặc tính chất sở hữu.
Thúc đẩy CCHC nhằm thống nhất, đơn giản hóa và hiện đại hóa các quy trình, thủ tục, công nghệ và tiêu chuẩn quản lý kinh tế - xã hội, trong đó có quản lý Nhà nước đối với khu vực KTTN tiếp cận với yêu cầu và trình độ quốc tế.
Cải cách, tăng cường năng lực và hiệu lực của các định chế và chế tài, kinh tế, hành chính, cũng như bộ máy tư pháp quốc gia và địa phương nhằm bảo vệ có hiệu quả lợi ích Nhà nước, lợi ích DN, doanh nhân và người lao động, phát triển hệ thống an sinh xã hội, hệ thống phòng ngừa rủi ro, cảnh báo sớm các nguy cơ và giải quyết kịp thời các chấn động kinh tế - xã hội do quá trình thúc đẩy phát triển KTTN và hội nhập KTQT gây ra; Khen thưởng kịp thời và tôn vinh thích đáng các đơn vị và cá nhân có thành tích tiêu biểu trong quản lý và phát triển KTTN.
Cuộc cải cách đang đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy một lần nữa, khơi nguồn cho những đổi mới trong phát triển trên tinh thần kiến tạo, giải phóng sức sáng tạo và phát huy toàn diện vai trò của DN, khu vực tư nhân trong mọi công đoạn của chuỗi giá trị sản xuất; tạo cơ hội cho DN, nhà đầu tư có sự lựa chọn và phản ứng nhanh nhậy, đáp ứng hiệu quả hơn với các tín hiệu thị trường, chủ động đổi mới, thích ứng và tập trung vào sản xuất cái mà xã hội, kể cả trong nước và nước ngoài đang cần; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, chế biến sâu, trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên sẵn có gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tạo ra những sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, có thương hiệu quốc gia đại diện tiêu biểu, góp phần hình thành nên một diện mạo mới cả về kinh tế và vị thế trên thị trường quốc tế của Việt Nam trong những thập niên tới…
Quá trình xóa bỏ những thể chế kìm hãm DN, điều chỉnh những thể chế làm lệch lạc, lãng phí các nguồn lực DN, lấp đầy những “khoảng trống thể chế” cần thiết để hỗ trợ DN phát triển lành mạnh, hiệu quả đã, đang và sẽ cho phép từng bước định hình một tầm nhìn mới, một thực tiễn mới và mở ra triển vọng phát triển mới với nhiều thay đổi về chất đối với vai trò, vị thế và cách thức tổ chức mới của khu vực KTTN trong toàn bộ đời sống kinh tế-xã hội Việt Nam thời kỳ chuyển mình hội nhập cùng thế giới...