Chính sách thu hút đầu tư ngày càng hoàn thiện, thông thoáng
Ngày 25/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2023. Báo cáo ghi nhận nhiều điểm tích cực trong việc hoàn thiện thể chế, tạo động lực phát triển cho nền kinh tế, đặc biệt chính sách tài khóa là điểm sáng trong cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư.
Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp
Tại sự kiện, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết, năm 2023, VCCI tập hợp và gửi gần 100 vướng mắc, bất cập từ quy định và thực thi do doanh nghiệp phản ánh tới các cơ quan hữu quan và phần lớn những kiến nghị này đã được phản hồi, trong đó có nhiều ghi nhận và sẽ có kế hoạch sửa trong thời gian tới.
Theo sát quá trình xây dựng chính sách, pháp luật trong năm vừa qua, ông Phạm Tấn Công cho biết, nổi bật là các hoạt động cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí cho doanh nghiệp tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Cụ thể, theo lãnh đạo VCCI, cộng đồng doanh nghiệp nhận thấy sự nỗ lực, tích cực của các cơ quan nhà nước trong việc rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, gây vướng trong quá trình triển khai. Mặc dù, vẫn còn một số băn khoăn về tính thực chất và kỳ vọng hơn nữa về tính cải cách, nhưng theo VCCI cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực này, đặc biệt là nhận thấy rõ về sự thuận lợi hơn khi thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Tiếp đến là các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, gây khó cho doanh nghiệp. Trong năm 2023, VCCI nhận được khá nhiều phản ánh vướng mắc liên quan đến các quy định tác động đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp như: Quy chuẩn xây dựng về phòng cháy, chữa cháy; kiểm tra hàng vận chuyển quá cảnh; trần chi phí lãi vay trong giao dịch liên kết với ngân hàng; hợp quy thuốc thú y… Cơ quan nhà nước đã tìm hiểu, lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, như tiến hành rà soát và sửa đổi các quy định gây vướng (như sửa quy chuẩn xây dựng về phòng cháy chữa cháy, đề xuất sửa đổi các Nghị định hướng dẫn Luật Phòng cháy, chữa cháy; dự thảo nghị định sửa Nghị định 132/2020/NĐ-CP về giao dịch liên kết; …), tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để giải đáp các vướng mắc và tìm hướng giải quyết.
“Mặc dù một số vướng mắc chưa được giải quyết triệt để, một số vấn đề chưa thống nhất trong quan điểm giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, nhưng việc các cơ quan nhà nước tiếp nhận và tìm cách xử lý các vướng mắc của doanh nghiệp, cho thấy tinh thần cầu thị của các cơ quan soạn chính sách. Cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh các nỗ lực này” - Chủ tịch VCCI khẳng định.
Tại hội thảo, đại diện VCCI, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp đều thống nhất và đánh giá cao chính sách tài khóa được thực thi và ban hành trong năm 2023.
Làm rõ đánh giá nêu trên, ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế, VCCI cho hay, cùng với các chính sách miễn, giảm một số loại thuế phí để kích thích nền kinh tế, năm 2023, một trong những chính sách đáng chú ý là Nghị quyết của Quốc hội về thuế tối thiểu toàn cầu mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, hấp dẫn khối doanh nghiệp FDI đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần khơi thông
Bên cạnh những điểm tích cực nêu trên, Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2023 cũng chỉ ra nhiều vướng mắc, bất cập, gây khó cho doanh nghiệp.
Điển hình như, VCCI nhận được khá nhiều phản ánh vướng mắc liên quan đến các quy định gây tác động đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp như: quy chuẩn xây dựng về phòng cháy, chữa cháy; kiểm tra hàng vận chuyển quá cảnh; trần chi phí lãi vay trong giao dịch liên kết với ngân hàng; hợp quy thuốc thú y…
Đồng thời, VCCI cũng chỉ ra nhiều chính sách chưa phù hợp, cần phải tiếp tục thay đổi mạnh mẽ về tư duy quản lý. Với sự vận động không ngừng của các hoạt động kinh tế, một số chính sách đã không còn phù hợp và cần phải có những thay đổi đột phá, chuyển đổi theo hướng thị trường mạnh mẽ hơn, điển hình như chính sách quản lý xăng dầu. Vì vậy, trong năm 2024 này Chính phủ đang có kế hoạch để sửa đổi, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì sửa đổi căn bản nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Ở góc độ chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, cải cách các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh nhằm thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích phát triển doanh nghiệp là trọng tâm của Chính phủ trong những năm gần đây.
CIEM đã rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc 15 lĩnh vực quản lý nhà nước và nhận diện 9 vấn đề còn tồn tại.
Đáng chú ý là số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện trên thực tế lớn hơn số lượng (229 ngành) theo danh mục thuộc Phụ lục IV Luật Đầu tư. Nhiều ngành nghề “cắt giảm” chủ yếu dưới hình thức gộp tên ngành nghề hoặc sử dụng tên ngành nghề có phạm vi điều chỉnh rộng để rút gọn về hình thức số lượng ngành nghề.
Để cải thiện môi trường kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, TS. Nguyễn Minh Thảo kiến nghị các bộ, ngành cần quyết liệt cải cách ngành nghề và điều kiện kinh doanh nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Theo đó, tên của ngành nghề kinh doanh có điều kiện đề xuất đưa vào Danh mục thuộc Phụ lục IV của Luật Đầu tư phải chi tiết, cụ thể, minh bạch, dễ hiểu, dễ xác định; và tên của ngành nghề quy định tại pháp luật chuyên ngành phải thống nhất với tên ngành nghề quy định tại Luật Đầu tư. Tránh tình trạng đặt tên ngành nghề tại Danh mục của Luật Đầu tư theo hướng gộp tên các ngành nghề khác nhau; hoặc đặt tên chung để bao trùm và có thể mở rộng nhiều ngành nghề như hiện nay. Đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện không được quy định tại Danh mục thuộc Phụ lục IV của Luật Đầu tư nhưng pháp luật chuyên ngành có quy định, cần tiến hành rà soát, đánh giá tác động và kiến nghị sửa đổi Phụ lục IV của Luật Đầu tư.
Ý kiến doanh nghiệp được ghi nhận
Trong năm qua, dấu ấn của doanh nghiệp trong hoạt động góp ý xây dựng chính sách là rất rõ ràng và hiệu quả. Những ý kiến mạnh mẽ của doanh nghiệp đã tác động đến các cơ quan soạn chính sách. Những chính sách lớn trong năm qua như Luật Đất đai, Luật Nhà ở… có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI