Chính sách thuế của Mỹ: Thủ tướng Malaysia kêu gọi thiết lập thỏa thuận chung cho ASEAN
Theo phóng viên TTXVN tại Malaysia, phát biểu tại một cuộc họp ngày 7/4, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho rằng các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần cùng nhau thiết lập một thỏa thuận chung để đối phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ. Điều này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho các cuộc đàm phán và thảo luận sắp tới.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. Ảnh: THX/TTXVN
Thủ tướng Anwar khuyến cáo các nước ASEAN không nên coi nhẹ vấn đề này, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu bất ổn như hiện nay. Theo ông, việc Mỹ trước đây từng ủng hộ thương mại tự do nhưng nay lại có cách tiếp cận khác là điều bất thường và phương pháp tính thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện nay là có sai sót. Đơn cử, trong danh sách áp thuế mới của chính quyền Tổng thống Trump có cả những đảo nhỏ không có người sinh sống hay việc áp thuế được tính toán dựa trên những căn cứ rất yếu.
Mặc dù không đồng tình với cách thức áp thuế của Mỹ nhưng Thủ tướng Anwar khẳng định Chính phủ Malaysia sẽ chọn cách tiếp cận ôn hòa vì nhận thấy vẫn còn khả năng thảo luận và đàm phán, và có những trường hợp ngoại lệ cần được xác định chi tiết.
Trong thời gian tới, các bộ trưởng của Malaysia sẽ liên hệ với những người đồng cấp trong ASEAN để nêu rõ lập trường và bàn cách cùng nhau hành động. Malaysia tin tưởng nếu ASEAN đưa ra phản ứng theo lập trường thống nhất, khu vực với quy mô dân số 640 triệu người này sẽ có được nền tảng vững chắc cho các cuộc đàm phán tới đây với Mỹ.
Trong vài ngày qua, Thủ tướng Anwar cũng đã có các cuộc trao đổi với một số nhà lãnh đạo trong khu vực ASEAN về vấn đề trên.
Theo thông báo hôm 2/4 của Tổng thống Trump, Mỹ áp thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ ngày 5/4 và áp thuế đối ứng với các mức khác nhau tùy theo từng nước từ ngày 9/4. Với các nước ASEAN, Mỹ đánh thuế đối ứng Campuchia 49%, Lào 48%, Việt Nam 46%, Myanmar 44%, Thái Lan 36%, Indonesia 32%, Brunei và Malaysia cùng 24%, Philippines 17% và Singapore 10%.