Chính sách thuế quan của Tổng thống Trump 'đốt nóng' kinh tế toàn cầu, ASEAN liệu có bình yên vô sự?

Nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Donald Trump sẽ mang đến những thách thức mới trong một hệ thống quốc tế vốn đã căng thẳng. Dù chưa có những động thái rõ rệt nhưng nền kinh tế ASEAN được cho là sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ những chính sách của chính quyền Mỹ trong giai đoạn sắp tới.

Về mặt kinh tế, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn là nhà đầu tư và thị trường quan trọng đối với các quốc gia ASEAN. (Nguồn: Reuters)

Về mặt kinh tế, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn là nhà đầu tư và thị trường quan trọng đối với các quốc gia ASEAN. (Nguồn: Reuters)

Sự hoài nghi sâu sắc của người đứng đầu nước Mỹ đối với các liên minh và việc theo đuổi chủ nghĩa đơn phương được nhận định có thể làm xói mòn các mối quan hệ đối tác truyền thống, buộc các đồng minh của Mỹ phải xem xét lại vị thế chiến lược của mình.

Sự thay đổi này có thể dẫn đến việc đánh giá lại các cam kết an ninh và hợp tác đa phương, đặc biệt là ở những khu vực mà Mỹ có ảnh hưởng.

Trong khi các quốc gia ASEAN xem xét lại vị thế chiến lược của mình, Washington vẫn đang đóng vai trò quan trọng đối với an ninh khu vực, cung cấp hỗ trợ quân sự và hợp tác quốc phòng.

Về mặt kinh tế, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn là nhà đầu tư và thị trường quan trọng đối với các quốc gia ASEAN, góp phần cân bằng mối quan hệ thương mại gần gũi với Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc liên kết với Mỹ có thể trở nên ngày càng tốn kém và khó khăn, đồng thời những nghi ngờ có thể xuất hiện về cam kết lâu dài của Washington đối với sự ổn định trong khu vực.

Các quốc gia thành viên ASEAN có lợi ích kinh tế và chiến lược khác nhau, có thể khác nhau về mức độ liên kết chặt chẽ với Mỹ, đặt việc đoàn kết trong khối trước những thách thức.

Lo lắng và cảnh giác

Chuyên gia Thitinan Pongsudhirak đến từ Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) nhận định, việc ông Trump quá tập trung vào chính sách thuế quan sẽ khiến ASEAN “lo lắng và cảnh giác” về cách ông chủ Nhà Trắng sẽ vận hành chính sách đối ngoại trong 4 năm tới, đặc biệt là liệu Washington có tiếp tục đóng vai trò là người bảo đảm an ninh cho khu vực hay không?

“Về cơ bản, ông ấy (Tổng thống Trump) đang đảo lộn trật tự mà Mỹ đã xây dựng. Tình hình địa chính trị đang rơi tự do”, chuyên gia này cho hay.

Còn theo chuyên gia nghiên cứu Fitri Bintang Timur của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Indonesia, sự trở lại của Tổng thống Trump báo hiệu sự trỗi dậy của chủ nghĩa đơn phương và tách rời kinh tế khỏi Trung Quốc - một kết quả mà khối ASEAN khó có thể chấp nhận.

Đối với ASEAN, sự cạnh tranh giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới có thể đe dọa đến sự gắn kết và khiến khu vực bị chia rẽ.

“Sự khó đoán” của Tổng thống Trump cùng những lo ngại về chính sách thuế quan đang có chiều hướng mở rộng tiếp tục phủ bóng Hội nghị Trung Quốc - Đông Nam Á 2025 tại Kuala Lumpur (Malaysia) vừa diễn ra tuần này.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nhấn mạnh, ASEAN phải đa dạng hóa quan hệ đối tác, mở rộng sự tham gia toàn cầu ra ngoài các đối tác truyền thống và thiết lập khu vực là một trung tâm đáng tin cậy cho thương mại và đầu tư quốc tế.

Người đứng đầu chính phủ Malaysia khẳng định, điều này là cần thiết để giảm thiểu tác động của các cú sốc bên ngoài, dễ thấy nhất là cú sốc do thuế quan có thể xảy ra, khi Tổng thống Trump từng cam kết sẽ áp dụng đối với các đối tác thương mại có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.

Ông Ibrahim đồng thời cho biết, Malaysia có lập trường rõ ràng - không liên kết và sẽ không bị lôi kéo vào các cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc: “Chúng tôi phản đối sự ép buộc kinh tế và các hành động đơn phương làm suy yếu sự ổn định của khu vực. Chúng tôi ủng hộ một hệ thống đa phương dựa trên luật lệ đảm bảo sự công bằng, minh bạch và đại diện cho tất cả mọi người, đặc biệt là đối với khu vực Nam Bán cầu”.

Theo nhà lãnh đạo Malaysia, việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc, Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), BRICS và các nền kinh tế mới nổi khác không phải là việc chọn phe mà là đảm bảo sự liên quan chiến lược của ASEAN trong một thế giới đa cực.

Bằng cách đa dạng hóa quan hệ đối tác, ASEAN có thể tăng cường khả năng phục hồi kinh tế, khai thác các cơ hội đầu tư mới và đóng vai trò chủ động hơn trong việc định hình khuôn khổ quản trị toàn cầu.

Ba thách thức quan trọng

Thủ tướng Anwar Ibrahim cho biết, khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN cũng sẽ phụ thuộc vào cách khối này giải quyết hiệu quả 3 thách thức quan trọng.

Đầu tiên là sự gián đoạn và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Theo Thủ tướng Malaysia, ASEAN phải trở thành trung tâm đáng tin cậy cho thương mại và đầu tư toàn cầu bằng cách giảm thiểu các điểm yếu trước những cú sốc bên ngoài.

Việc tăng cường cơ sở công nghiệp của ASEAN thông qua các khoản đầu tư vào sản xuất tiên tiến, chất bán dẫn và công nghệ xanh sẽ là điều cần thiết.

Thứ hai là an ninh năng lượng và tính bền vững. Lưới điện ASEAN và các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo sẽ đóng vai trò trung tâm để đảm bảo tăng trưởng kinh tế có ý thức về khí hậu và hướng đến mục tiêu dài hạn.

Nhà lãnh đạo Malaysia cũng lưu ý rằng, mục tiêu 70% năng lượng tái tạo của Malaysia vào năm 2050 sẽ đóng vai trò là chuẩn mực cho các nỗ lực phát triển bền vững rộng lớn hơn của ASEAN.

Thứ ba là nền kinh tế kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo (AI). Hiệp định khung Kinh tế kỹ thuật số ASEAN phải đóng vai trò là chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi khu vực bằng cách ưu tiên quản trị AI, an ninh mạng và tính toàn diện kỹ thuật số.

Theo Thủ tướng Malaysia, khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN cũng sẽ phụ thuộc vào cách khối này giải quyết hiệu quả 3 thách thức quan trọng. (Nguồn: AFP)

Theo Thủ tướng Malaysia, khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN cũng sẽ phụ thuộc vào cách khối này giải quyết hiệu quả 3 thách thức quan trọng. (Nguồn: AFP)

Để đảm bảo tất cả các quốc gia thành viên ASEAN có thể khai thác đầy đủ các lợi ích của những tiến bộ công nghệ, Thủ tướng Anwar Ibrahim cho rằng, ASEAN phải thiết lập các tiêu chuẩn chung về bảo vệ dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới liền mạch và đầu tư vào các sáng kiến xây dựng năng lực thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số.

“Bằng cách thúc đẩy một hệ sinh thái kỹ thuật số an toàn, sáng tạo và toàn diện, ASEAN có thể tự định vị mình ở vị trí hàng đầu trong nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và thịnh vượng chung cho khu vực”, ông lưu ý.

Lạc quan về tương lai

Bất chấp những thách thức, các nhà phân tích vẫn lạc quan về tương lai của ASEAN với tư cách là một cường quốc kinh tế toàn cầu.

Ronnie Lim, Giám đốc điều hành của Công ty cơ sở hạ tầng viễn thông OMS Group nhận định, nền kinh tế kỹ thuật số đã mang đến nhiều cơ hội để ASEAN phát triển, đặc biệt là các quốc gia như Malaysia đã có bước khởi đầu thuận lợi trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các trung tâm dữ liệu, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong khu vực.

"Quỹ đạo kinh tế của ASEAN gắn bó chặt chẽ với cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và khu vực này đã chứng kiến sự mở rộng mạnh mẽ nhờ vào mức tiêu thụ, sự gia tăng của 5G, các nền kinh tế do AI thúc đẩy và sự phát triển của điện toán đám mây được hậu thuẫn bởi các gã khổng lồ công nghệ".

Hội nghị Trung Quốc - Đông Nam Á 2025 vừa qua cũng khẳng định, Bắc Kinh sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của ASEAN.

David Liao, đồng Giám đốc điều hành khu vực châu Á và Trung Đông tại HSBC Holdings cho biết, nguồn tiền tiết kiệm hộ gia đình khổng lồ và trong vai trò là một nước xuất khẩu sẽ tiếp tục thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Trung Quốc so với các nước đối tác khác, từ đó hỗ trợ ASEAN phát triển.

Các chuyên gia dự đoán, dù thời điểm này Đông Nam Á không bị ảnh hưởng từ loạt hành động thương mại ban đầu của Tổng thống Trump, nhưng với việc ông chủ Nhà Trắng tiếp tục đẩy mạnh chính sách thuế quan lên các đối thương mại của mình, khả năng ASEAN bị vướng vào "vòng xoáy" này đang rất gần.

(theo SCMP, ISPI)

Hồng Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chinh-sach-thue-quan-cua-tong-thong-trump-dot-nong-kinh-te-toan-cau-asean-lieu-co-binh-yen-vo-su-305161.html