Chính sách thuế và trọng trách hỗ trợ doanh nghiệp
Trong tháng 9, cơ quan thuế, hải quan tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 9 khoảng 152,5 nghìn tỷ đồng.
Chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp
Ngay từ đầu năm 2023, trước triển vọng không mấy lạc quan của nền kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam có khả năng sẽ chịu nhiều tác động, để chuẩn bị đối mặt với các khó khăn trước mắt, cần những giải pháp đồng bộ, linh hoạt, chủ động từ cả phía cơ quan quản lý, đến từng người dân và doanh nghiệp. Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là mấu chốt để quốc gia đương đầu được với khó khăn, tiếp tục chinh phục những cột mốc tăng trưởng mới.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, ngay từ những tháng cuối năm 2022, Bộ Tài chính cũng đã chuẩn bị và nghiên cứu, đề xuất một loạt các giải pháp liên quan đến chính sách tài khóa cũng như chính sách thuế để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Bộ Tài chính cũng đã có kiến nghị và báo cáo với Chính phủ theo thẩm quyền, Chính phủ quyết định, tiếp tục hoãn thời gian nộp một số khoản thuế cho doanh nghiệp và người dân, trên cơ sở đó lại tiếp tục hỗ trợ dòng tiền và thanh khoản cho đối tượng nộp thuế.
“Về cơ bản, Bộ Tài chính đã đề xuất các chính sách về thuế, phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân trong năm 2023 tương tự như các chính sách được áp dụng trong năm 2022, tất nhiên là có những chính sách có sự điều chỉnh, nhưng tinh thần thì Chính phủ vẫn tiếp tục các chính sách để hỗ trợ cho người dân doanh nghiệp, thông qua các chính sách thuế, các chính sách tài chính và cũng sẵn sàng các kịch bản khác nữa nếu như tình huống năm 2023 có những diễn biến cần thiết phải có các tác động của các chính sách hỗ trợ người dân doanh nghiệp”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi thông tin.
Theo Bộ Tài chính, tình hình kinh tế những tháng gần đây đã có những dấu hiệu khởi sắc, nhưng hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số ngành công nghiệp chủ lực vẫn còn khó khăn; thị trường bất động sản chậm phục hồi; kết hợp với thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất mới ban hành làm giảm thu ngân sách.
Trong tháng 9, cơ quan thuế, hải quan tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 9 khoảng 152,5 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 49,6 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 102,9 nghìn tỷ đồng).
Điều này góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, trong đó có chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 đã góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế, (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%). Đặc biệt, quá trình triển khai chính sách này đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng DN và người dân.
Bên cạnh đó, trên cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT như nội dung đã quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 101/2023/QH15 cho 6 tháng đầu năm 2024. Cụ thể, giảm 2% thuế suất thuế GTGT áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ (viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế TTĐB). Thời gian áp dụng từ 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024. Sau thời điểm 30/6/2024, nếu tình hình kinh tế và DN, người dân vẫn còn khó khăn, thì giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc tiếp tục giảm thuế GTGT và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trong bối cảnh năm nay, Nhà nước liên tục có các chính sách về giảm thuế VAT 2%, giảm tiền thuê đất, giãn nộp thuế cho doanh nghiệp và người dân thì kết quả thu ngân sách như vậy rất đáng ghi nhận.
Đặc biệt, số thu đến từ sản xuất kinh doanh ngày càng tăng, ước đạt 63,4% dự toán. Điều này cho thấy những chính sách hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp và người dân của Quốc hội và Chính phủ trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả. Đây là một mũi tên trúng hai đích, vừa hỗ trợ được doanh nghiệp, để doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, sau đó quay trở lại đóng góp tích cực vào ngân sách.
Bên cạnh đó, hàng loạt chính sách như giãn hoãn nợ, miễn giảm tiền thuê đất, hoàn thuế VAT… được đẩy nhanh, giúp doanh nghiệp có thêm được nguồn lực để đầu tư, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc - Trưởng phòng tài chính kế toán Công ty CP Xây dựng và Tư vấn thiết kế P&T cho biết: " Các chính sách về giãn nợ, miễn giảm tiền thuê đất, hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp đang thực hiện và hỗ trợ được cho doanh nghiệp khá nhiều để giúp doanh nghiệp có thể cân đối được nguồn tài chính trong bối cảnh năm nay gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh."
Tuy nhiên, một số chính sách thuế vừa qua có nhiều sự thay đổi nên có thể còn cái chưa sát với thực tế hoạt động, nên cần thời gian cập nhật bổ sung nhanh chóng để phù hợp hơn.
Bà Nguyễn Phương Chi - CEO Thương hiệu nội thất Bắc Âu Nordic chia sẻ: "Chính sách hoàn thuế giúp hỗ trợ cho doan nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn hiện nay, để giảm tải 1 phần gánh nợ chi phí, rồi lãi suất..., góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, duy trì hoạt động trong bối cảnh kinh tế không thuận lợi. Qua đó doanh nghiệp thấy rằng nhà nước quan tâm đến việc điều chỉnh hải hòa mối quan hệ giữa lợi ích nhà nước và doanh nghiệp".
Theo CEO Phương Chi, việc nên làm bây giờ là cần cải cách thủ tục hành chính thuế hơn nữa, sử dụng nhiều loại thiết bị công nghệ thông tin có kết nối internet với những thao tác đơn giản nhất để người nộp thuế kê khai, nộp thuế và hoàn thuế, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức.
Đối với doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu, nhờ các chính sách hỗ trợ kịp thời, đã có thêm nguồn lực để thực hiện vai trò bình ổn thị trường, giữ giá cả và thêm nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu.
Tích cực đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế cho doanh nghiệp
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc đẩy nhanh công tác giải quyết các hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã có công điện yêu cầu cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương thực hiện một số công việc liên quan đến công tác phân loại hồ sơ đề nghị hoàn thuế; sắp xếp, bố trí bổ sung cán bộ công chức tham gia giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT để đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế, nhất là hồ sơ của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu.
Tổng cục Thuế đã thành lập đoàn công tác làm việc cùng Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về hoàn thuế GTGT tại các cục thuế gồm: Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh để lắng nghe vướng mắc, kiến nghị, phản ánh của các hiệp hội, DN trên địa bàn có hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT đã quá thời hạn, nhưng chưa được giải quyết hoặc các hồ sơ có vướng mắc về mặt chính sách, đồng thời đề nghị các cục thuế báo cáo, làm rõ các nội dung vướng mắc, kiến nghị.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế đã có Thông báo số 588/TB-TCT ngày 28/8/2023 giao Vụ Chính sách chủ trì, phối hợp với các vụ, đơn vị và các cục thuế địa phương rà soát, tổng hợp toàn bộ các vướng mắc, bất cập về chính sách pháp luật liên quan tới công tác hoàn thuế GTGT tại luật, nghị định, thông tư và đề xuất phương án để báo cáo Tổng cục báo cáo Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo thông thoáng, dễ thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn kịp thời cho người nộp thuế. Đồng thời phân định rõ trách nhiệm của người nộp thuế và trách nhiệm của cán bộ, công chức thuế trong quá trình triển khai thực hiện.
Về nhiệm vụ hoàn thuế GTGT cho DN trong những tháng cuối năm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã có Công điện số 07/CĐ-TCT ngày 9/8/2023 yêu cầu các cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục khẩn trương thực hiện công việc liên quan đến công tác hoàn thuế, trong đó, đặc biệt lưu ý đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT mà cơ quan thuế đã kết thúc kiểm tra, xác định đủ điều kiện hoàn thì thực hiện giải quyết hoàn thuế ngay.
Đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế của DN xuất khẩu đang được kiểm tra, xác minh mà đã quá thời hạn giải quyết theo quy định, trường hợp kết quả kiểm tra, xác minh đến thời điểm hiện tại chưa phát hiện các hành vi gian lận về thuế thì cơ quan thuế căn cứ hồ sơ và các tài liệu kèm theo của DN cung cấp để xác định số thuế đủ điều kiện hoàn thuế và thực hiện giải quyết hoàn thuế theo quy định.
Trường hợp sau khi giải quyết hoàn thuế, cơ quan thuế phát hiện DN có hành vi kê khai sai về số thuế đề nghị hoàn thuế thì DN phải nộp lại số tiền thuế đã được hoàn thừa và tiền chậm nộp theo quy định, đồng thời DN chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi vi phạm của mình.