Chính sách thương mại thời tổng thống Donald Trump: Cơ hội và nỗ lực với Việt Nam

Những chính sách an ninh, kinh tế, đối ngoại của Mỹ trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump sẽ tác động đến chính trị, kinh tế thế giới, khu vực trong đó có Việt Nam.

Những ưu tiên của nước Mỹ

Thời khắc 12h01 (đúng 0h01 theo giờ Việt Nam), ông Donald Trump đã bước lên lễ đài tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.

Từ Washington, ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ dự báo, những chính sách an ninh, kinh tế, đối ngoại của Mỹ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump và nội các sẽ có những tác động to lớn (thậm chí có thể làm thay đổi, đảo chiều) đến tình hình chính trị, kinh tế - tài chính trên thế giới, khu vực.

Ông Hưng cho biết, những chính sách điều hành của của tân Tổng thống Donald Trump sẽ tập trung ứng phó với tình trạng lạm phát, thâm hụt thương mại, xử lý vấn đề người nhập cư, bảo vệ người lao động trước hành vi thương mại cạnh tranh không công bằng, xử lý các vấn đề về xã hội, giáo dục, y tế.

Những chính sách an ninh, kinh tế, đối ngoại của Mỹ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump sẽ có những tác động to lớn đến tình hình chính trị, kinh tế - tài chính trên thế giới, khu vực, trong đó có Việt Nam.

Những chính sách an ninh, kinh tế, đối ngoại của Mỹ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump sẽ có những tác động to lớn đến tình hình chính trị, kinh tế - tài chính trên thế giới, khu vực, trong đó có Việt Nam.

Phân tích cụ thể với Việt Nam, ông Đỗ Ngọc Hưng thông tin, về thương mại, theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ (công bố ngày 5/12/2024), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Mỹ trong 10 tháng năm 2024 đạt 4,432 tỷ USD (tăng 2,7% so với cùng kỳ 2023), trong đó nhập khẩu là khoảng 2.708 tỷ USD, xuất khẩu 1.724 tỷ USD, nhập siêu đạt 1.000 tỷ USD.

Thống kê của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC) cũng cho biết, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ trong 10 tháng năm 2024 đạt 112 tỷ USD, thặng dư thương mại của Việt Nam đạt 102 tỷ USD tăng khoảng hơn 26% so với cùng kỳ (chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và 10% tổng thâm hụt thương mại của Mỹ).

Dù vậy, theo ông Đỗ Ngọc Hưng, xuất khẩu từ Mỹ sang Việt Nam tăng gần 30% đạt 10 tỷ USD nhưng số liệu cho thấy nhập siêu từ Việt Nam đứng thứ 3 chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của khối ASEAN.

Điểm sáng trong quan hệ thương mại Việt Nam - Mỹ, tính đến hết tháng 10 năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Mỹ đạt khoảng 12,3 tỉ USD, chiếm 21,7% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam ra toàn thế giới và 10% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, tăng 24,6% về giá trị so với cùng kỳ 2023.

Tuy nhiên, Tham tán thương mại Đỗ Ngọc Hưng lo ngại, việc tăng trưởng nóng tại Mỹ đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải chú trọng hơn việc tuân thủ các quy định trong thương mại, tránh nguy cơ bị khởi kiện điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, lẩn tránh thuế cũng như các hạn chế khác mà Mỹ có thể đặt ra để hỗ trợ sản xuất trong nước.

Mỹ sẽ ưu tiên hợp tác song phương với từng đối tác

Cũng theo thông tin từ thương vụ, năm 2024 là năm bầu cử Tổng thống tại Mỹ, các Đảng phái đều ra sức vận động để tranh thủ thêm lá phiếu cử tri nên chính sách của Mỹ có phần bảo hộ nhiều hơn.

Bên cạnh các biện pháp phòng vệ thương mại gia tăng đáng kể (10 vụ việc với Việt Nam), Mỹ cũng triển khai mạnh mẽ Đạo luật chống lao động cưỡng bức người, do vậy hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ phần nào đó bị ảnh hưởng, có thể bị trả lại hoặc chậm thông quan khiến giá thành tăng cao, giảm bớt lợi thế cạnh tranh.

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ phần nào đó bị ảnh hưởng từ những chính sách thương mại mới của Mỹ. Ảnh. Hưng Nguyên

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ phần nào đó bị ảnh hưởng từ những chính sách thương mại mới của Mỹ. Ảnh. Hưng Nguyên

Theo ông Peter Navarro, người được chỉ định làm cố vấn cấp cao về kinh tế và sản xuất của Mỹ có quan điểm kêu gọi Quốc hội thông qua Đạo luật thương mại có đi có lại (USRTA) cho phép Mỹ tăng thuế để áp dụng đối ứng với các quốc gia áp thuế cao hơn. Đạo luật nhằm mục đích buộc các đối tác thương mại giảm thuế bằng Mỹ và xóa bỏ rào cản phi thuế quan hoặc Mỹ tăng mức thuế tương ứng để phản ánh mức thuế của đối tác thương mại.

Nếu Đạo luật USRTA có hiệu lực, theo quan điểm của Navarro, các quốc gia được ưu tiên trong danh sách đàm phán gồm: Ấn Độ, Trung Quốc (nhóm 1), sau đó là EU (nhóm 2) cùng Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam (nhóm 3).

Trong những biện pháp về thương mại và công nghiệp, nổi bật trong số đó là tái cân bằng cán cân thương mại, giảm thâm hụt; xem xét rút Trung Quốc khỏi danh sách được hưởng quy chế tối huệ quốc (MFN); giảm việc nhập khẩu hàng hóa thiết yếu, nhiều khả năng sẽ sớm sử dụng các biện pháp truyền thống như tăng thuế, điều tra theo Mục 301 Đạo luật thương mại 1974 mở rộng vì lý do an ninh quốc gia, tăng thuế mở rộng đối với các quốc gia liên quan nhằm hạn chế khả năng chuyển tải hàng hóa của Trung Quốc.

Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ dự báo, trong 4 năm tới, chính quyền mới của Mỹ dự kiến sẽ giảm bớt sự tham gia vào các mô hình hợp tác kinh tế đa phương, coi đây là yếu tố tiêu cực đối với sự phát triển của nền kinh tế Mỹ. Thay vào đó, Mỹ sẽ ưu tiên hợp tác song phương với từng đối tác, dễ dàng trong đàm phán, quản lý và thực hiện các hiệp định bảo đảm lợi ích kinh tế cho Mỹ.

Theo nhiều chuyên gia đánh giá, năm 2025 có thể tiếp tục sẽ là năm khó khăn với kinh tế Mỹ, tốc độ tăng trưởng có thể thấp, lạm phát vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, lạm phát vẫn chưa quay về mức kỳ vọng cũng như những biến động về năng lượng khi các xung đột trên thế giới vẫn tiếp tục xảy ra.

Cùng đó, theo nhiều phân tích cho thấy, xu hướng tiêu dùng như trong thời gian qua bất chấp lạm phát sẽ khó có thể giữ được lâu và người Mỹ sẽ sớm thắt chặt chi tiêu nếu tình hình không được cải thiện.

Giới chức Mỹ đánh giá cao Việt Nam

Nhận định về những tác động tới Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, theo khảo sát, giới chức Mỹ đánh giá cao Việt Nam thông qua việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu. Cả Mỹ và Việt Nam đều coi nhau là đối tác có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu, với vị trí và vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực và quốc tế.

Nhận định chung, về ngắn hạn, việc thực hiện cán cân thương mại hài hòa, bền vững và cùng có lợi ngày càng trở nên cấp bách, Việt Nam cần xem xét cam kết tiếp tục mở cửa thị trường, đẩy nhanh giải quyết các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ thể hiện cam kết của Việt Nam trong duy trì quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước, trong đó với quan điểm về năng lượng truyền thống, hợp tác khai thác đất hiếm sẽ mở ra nhiều dư địa cho sự hợp tác giữa hai nước, đặc biệt khi hướng đến kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 2025.

Nhân dịp ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống thứ 47 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, ngày 21/1 (giờ Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam coi Hoa Kỳ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược.

Trên cơ sở những tiến triển trong quan hệ hợp tác giữa hai nước thời gian qua, Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng với sự lãnh đạo và ủng hộ của ông Donald Trump, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển vững chắc trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và thể chế chính trị của nhau, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới, nhất là dịp hai nước kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1995-2025) và 2 năm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cũng đã gửi thư chúc mừng tới Phó Tổng thống James David Vance.

Hoàng Giang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chinh-sach-thuong-mai-thoi-tong-thong-donald-trump-co-hoi-va-no-luc-voi-viet-nam-370645.html