Chính sách tiền lương tối thiểu phải đảm bảo tính chất thị trường

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức, diễn ra sáng 27/12 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Dự và chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhất trí những việc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã làm, đánh giá cao các kết quả, thành tích của ngành trong thời gian dài vừa qua, đặc biệt trong năm 2024.

Chia sẻ về những hạn chế, khó khăn vướng mắc của ngành, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đồng tình với giải pháp ngành đề ra cho năm 2025 và những năm tới, đồng thời nhận định, kết quả công tác lao động, người có công và xã hội năm 2024 và giai đoạn 2016 - 2024 đã tiếp nối cả quá trình phát triển của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

“Lấy mốc năm 1945 quay ngược lại quá khứ thì hầu hết việc mà các ngành đã và đang làm đều gắn với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đấy là tình tương ái tương thân, là nhân văn nghĩa tình. Từ năm 1945 trở đi, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội gắn bó chặt chẽ với lịch sử phát triển của đất nước trong thời đại mới”, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nói.

Theo Phó Thủ tướng, làm công tác chăm sóc người có công là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, là tâm thế tri ân, nghĩa tình của dân tộc Việt Nam. Làm về thị trường lao động, đào tạo nghề là thực hiện phần việc quan trọng như đúc kết của cha ông “nghệ phải tinh”. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã hết sức cố gắng trong việc xây dựng thị trường và quan hệ lao động hài hòa, vừa phù hợp với điều kiện của Việt Nam vừa tiệm cận với thông lệ quốc tế. Việc xây dựng được chính sách tiền lương tối thiểu là phần việc mang ý nghĩa rất quan trọng, ghi nhận bước phát triển vượt bậc của thị trường lao động Việt Nam.

“Chúng ta phải làm sao để chính sách tiền lương tối thiểu đảm bảo tính chất thị trường, không phân biệt đối xử để hàng hóa sản xuất có thể thuận tiện ra thị trường nước ngoài”- Phó Thủ tướng nêu yêu cầu.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Về phương hướng năm 2025, Phó Thủ tướng nhấn mạnh có 3 sự kiện phải làm cùng lúc: Sắp xếp, tổ chức bộ máy; Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; duy trì, tăng trưởng kinh tế trên 7% tạo đà cho những năm sau. Ngoài ra, tất cả chính sách thuộc các lĩnh vực Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang trực tiếp tham mưu cho Đảng và Nhà nước về người có công, an sinh xã hội, lao động việc làm, hoàn toàn không thay đổi, mà phải làm tốt hơn, làm nhiều hơn phục vụ nhu cầu của đất nước.

Phó Thủ tướng mong muốn cán bộ, nhân viên trong ngành vững tâm, thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước, phát huy truyền thống đã đạt được trong những năm vừa qua, để các việc chúng ta đã và đang làm tiếp tục được nhân rộng và phát huy, đạt thành tựu cao hơn nữa trong những năm tới.

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, trong bất cứ hoàn cảnh nào, có những giai đoạn thăng trầm khác nhau nhưng ngành Lao động – Thương binh và Xã hội luôn nỗ lực làm tròn trách nhiệm của mình. Những chính sách mà ngành tham mưu đã đặt nền móng cho đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đặc biệt là Nghị quyết 42-NQ/TW về tầm nhìn của chính sách xã hội, chuyển từ “ổn định và đảm bảo” sang “ổn định và phát triển”.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2025, các nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội tiếp tục phải được triển khai đồng bộ, hiệu quả, để thực hiện và hoàn thành thắng lợi mục tiêu Kế hoạch năm 2025 đã đề ra; đặc biệt là Nghị quyết số 158/20254/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm cụ thể năm tới là tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật về lao động, người có công và xã hội đảm bảo hiệu quả, hiệu lực. Tập trung cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng của Đảng theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới; khẩn trương đưa Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vào cuộc sống và hoàn thiện, trình Chính phủ để trình Quốc hội Luật Việc làm (sửa đổi).

Cũng theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, theo định hướng phát triển giai đoạn 2026 - 2030, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đề ra đến năm 2030 là: Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm bình quân trên 1%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn mới.

Hạnh Quỳnh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chinh-sach-tien-luong-toi-thieu-phai-dam-bao-tinh-chat-thi-truong/358218.html