Chính sách tiền tệ: Một năm nhìn lại
Nhìn lại năm 2024, có thể thấy, trong bối cảnh không mấy 'thuận buồm xuôi gió' với một loạt các yếu tố bất định, khó lường của kinh tế thế giới và Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động, linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) nhằm đạt được đa mục tiêu.
Thực hiện tốt các mục tiêu
Một trong những dấu ấn của hệ thống ngân hàng năm 2024 được Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025 là điều hành CSTT góp phần kiểm soát lạm phát. “Đây là sự đóng góp lớn của ngành ngân hàng trong việc giữ giá đồng tiền, đảm bảo cân đối vĩ mô” - PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) khẳng định với Báo Kiểm toán, đồng thời bình luận thêm: NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, đảm bảo chênh lệch giữa đồng Việt Nam so với đồng đô la Mỹ ở mức phù hợp, trong khi đó, đồng tiền của nhiều quốc gia khác trên thế giới chịu biến động lớn từ đồng đô la Mỹ.
Ở góc độ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN) vẫn còn khó khăn, dòng vốn ngân hàng tiếp tục là “cứu cánh” cho các DN. Bởi vậy, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản…
Đáng lưu ý, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các TCTD cung ứng nguồn vốn cho nền kinh tế, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 ngay từ cuối năm 2023, chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD vào ngày 28/8 và 28/11/2024 theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch trong điều kiện lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu. “Sự thay đổi trong điều hành tín dụng giúp các ngân hàng chủ động hơn trong việc huy động vốn và bố trí nguồn lực để cho vay” - PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Còn theo TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế, năm 2024 mở ra một giai đoạn lãi suất ổn định, thị trường không xuất hiện tình trạng thu hút dòng tiền bằng việc chạy đua lãi suất cao như năm trước, tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững. Đặc biệt, ông Hiển cho rằng, thành công nổi bật năm 2024 là hệ thống ngân hàng vẫn đứng vững, ổn định, phát triển sau sự việc SCB. Thêm nữa, vấn đề tái cấu trúc diễn ra thuận lợi, không gây lo lắng cho người dân trong quá trình gửi tiền.
Cũng liên quan đến tái cơ cấu ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã có bước tiến quan trọng trong xử lý các ngân hàng yếu kém khi 2/4 ngân hàng 0 đồng đã được chuyển giao bắt buộc. 2 ngân hàng còn lại đang được trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. “Đây là một trong những nhiệm vụ khó được NHNN chỉ đạo quyết liệt và thực hiện tương đối tốt” - PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Dấu ấn của ngành ngân hàng năm 2024 còn được thể hiện qua những con số: Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt bình quân hằng ngày đạt kỷ lục trên 26,2 triệu giao dịch với giá trị trên 166 triệu tỷ đồng, thanh toán QR tăng trưởng trên 200% về số lượng và giá trị so với cuối năm 2023. Vốn điều lệ toàn hệ thống tiếp tục tăng cao hơn so với cuối năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn đạt ngưỡng trên 12%…
Như vậy, tiếp nối thành công từ các năm trước, năm 2024, NHNN đã duy trì tốt CSTT với “sứ mệnh” thực hiện đa mục tiêu: Vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. “Đây là minh chứng cho sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng của Chính phủ và NHNN trong công tác điều hành CSTT, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô” - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Phan Đức Tú nhấn mạnh.
NHNN đã điều hành CSTT tương đối phù hợp với điều kiện của nền kinh tế, kiểm soát được lạm phát, giúp cho nền kinh tế tăng trưởng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Đôi điều trăn trở…
Tuy vậy, năm 2024, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường, công tác điều hành CSTT vẫn còn đôi điều trăn trở.
Trong điều hành tín dụng, trao đổi với Báo Kiểm toán, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, năm 2024, bất động sản và DN nhỏ và vừa là hai lĩnh vực mà đáng lẽ ra, chính sách tín dụng cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Tuy nhiên, không ít DN thuộc hai lĩnh vực này lại chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn để có thể vay vốn ngân hàng. Mặt khác, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - chia sẻ, việc triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn gặp vướng mắc bởi các quy định pháp luật chưa thực sự đồng bộ, nhất là nhà ở xã hội.
Các ngân hàng thương mại cần hoạch định chiến lược phát triển bền vững như đối với nền kinh tế, tức là không chỉ lấy mục tiêu về con số tăng trưởng GDP mà phải kèm theo chất lượng GDP để vừa tăng trưởng, vừa bền vững.
TS. Đinh Thế Hiển
Với ngành ngân hàng, thúc đẩy tín dụng không chỉ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà đây còn là chỉ tiêu quan trọng để tạo ra lợi nhuận cho các TCTD. Theo TS. Đinh Thế Hiển, giai đoạn vừa qua, nhiều ngân hàng đã vươn lên, lọt vào top đầu về tăng trưởng tín dụng. Tuy vậy, để không bị vướng nợ xấu, TS. Hiển cho rằng, bên cạnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, hàng loạt danh mục chỉ tiêu khác nhằm tạo ra giá trị tăng trưởng bền vững cần được các ngân hàng quan tâm như: Chất lượng tín dụng, nguồn thu dịch vụ, sự gắn bó khách hàng trong quá trình vay vốn và tiền gửi, tỷ lệ giữa tiền gửi, tiền cho vay… Một vấn đề được nhiều chuyên gia lưu ý chính là dư nợ tín dụng trên GDP ở mức cao. Bởi vậy, điều hành tín dụng làm sao để vừa hỗ trợ tăng trưởng nhưng vừa đảm bảo an toàn hệ thống vẫn là nỗi băn khoăn, canh cánh của ngành ngân hàng và cả nền kinh tế.
Bên cạnh đó, đối với thị trường vàng, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, năm 2024, điều mà NHNN làm được là đưa giá vàng đi xuống, giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, dẹp các “cơn sốt” vàng. Thế nhưng, với sự biến động khó lường của thị trường vàng, “làm gì để cung - cầu gặp nhau” vẫn là câu hỏi ngỏ đầy trăn trở. Liên quan đến vấn đề này, PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh kiến nghị, NHNN cần khẩn trương tổng kết, xem xét sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng cho phù hợp với tình hình. Ông Thịnh cũng mong muốn có thêm một số cơ chế chính sách giúp ngân hàng chuyển đổi số nhanh hơn, minh bạch hơn.
Bên cạnh đó, theo ông Thịnh, việc giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam với đô la Mỹ đòi hỏi một “nghệ thuật” điều hành khéo léo, linh hoạt. Mặt khác, nền kinh tế cơ bản phục hồi như thời kỳ trước Covid-19. Do vậy, đã đến lúc, NHNN tổng kết quy định về việc TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn để chấm dứt hoạt động này, đưa việc vay mượn của các DN vào nền nếp./.
Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/chinh-sach-tien-te-mot-nam-nhin-lai-37476.html