Chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành nhịp nhàng, hiệu quả

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là động lực phát triển của nền kinh tế. Hai chính sách này thời gian qua đã được điều hành hiệu quả, đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào phát triển kinh tế.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ các vấn đề đại biểu nêu.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ các vấn đề đại biểu nêu.

Tại phiên chất vấn chiều 11/11 của Quốc hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tham gia giải trình các nội dung được đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến chính sách tiền tệ, tài khóa, quản lý vàng.

Động lực phát triển của nền kinh tế

Về ý kiến đại biểu đề cập đến công tác phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là động lực phát triển của nền kinh tế. Ngược lại, khi nền kinh tế tăng hay giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống tổ chức tín dụng, ngân hàng và ngân sách nhà nước.

Việc điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong thời gian qua rất tốt, hợp lý. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; chính sách tài khóa thực hiện mở rộng hợp lý, đạt kết quả tích cực.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết, trong 4 năm vừa qua, thu ngân sách nhà nước đã vượt khoảng 1 triệu tỷ đồng, năm sau vượt cao hơn ước thực hiện năm trước. Bên cạnh đó, đã thực hiện giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân gần 800 nghìn tỷ đồng. Như vậy, nếu trong điều kiện bình thường, thu ngân sách đã tăng lên gần 2 triệu tỷ đồng. Kết quả này cho thấy sự hợp lý, hiệu quả của chính sách tài khóa.

Về chính sách tiền tệ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho hay, tỷ giá đã được giữ ổn định, thời gian qua đã xử lý được 2 ngân hàng 0 đồng và chuẩn bị xử lý tiếp 2 ngân hàng 0 đồng nữa. Hệ thống ngân hàng được ổn định, phục vụ tốt cho nền kinh tế.

Trong năm nay, dự kiến GDP đạt gần 7%, CPI là 3,88%, nợ công chiếm 37%, thu ngân sách nhà nước đến thời điểm này đã đạt 99,4% so với dự toán được giao, tăng 17,78% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, đến nay thu ngân sách đã tăng lên so với thực hiện năm trước là 255.216 tỷ đồng. Dự kiến, năm nay vượt thu ngân sách so với năm 2023 tối thiểu 300 nghìn tỷ đồng, bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng.

Chặn buôn lậu vàng

Làm rõ ý kiến đại biểu về quản lý hóa đơn vàng và thị trường vàng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết, về hóa đơn, thực hiện theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 và Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế phát hành 5 văn bản hướng dẫn kê khai và nộp thuế. Vì vậy, việc quản lý hóa đơn của các doanh nghiệp bán vàng không có khó khăn.

Liên quan đến vấn đề chứng minh xuất xứ hàng hóa, nguồn nguyên liệu của doanh nghiệp kinh doanh vàng, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, có nhiều nguồn nguyên liệu như nguyên liệu do ông cha để lại hoặc dự trữ từ trước không kiểm đếm… Do đó, doanh nghiệp chỉ bị xử lý khi phát hiện đó là vàng lậu, trường hợp không chứng minh được đó là vàng lậu thì cơ quan chức năng không có quyền xử lý các cửa hàng vàng.

Về quy định kinh doanh vàng, vấn đề này đã được quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ. Trong tình hình quản lý thực tiễn có sự thay đổi, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sửa Nghị định này và hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện. Về xuất nhập khẩu đối với mặt hàng này, chính sách thuế thực hiện ưu đãi để vàng trong nước phát triển, tạo điều kiện nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để sản xuất, tạo điều kiện để hàng trang sức xuất khẩu được.

Đối với giá vàng, vàng miếng vừa qua có thời điểm tăng 18 triệu đồng/lượng, tức là tăng 25% so với giá vàng thế giới, hiện nay tăng khoảng 5% so với giá vàng thế giới. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có thể từ giá vàng thế giới cao, cung nhỏ hơn cầu, hay do tâm lý – đây cũng là một yếu tố quan trọng tác động đến giá vàng. Khi lãi suất ngân hàng thấp, người dân không muốn gửi tiền vào, bất động sản đóng băng hay giá cao, hoặc sản xuất khó khăn, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có rủi ro... người dân cũng không đầu tư. Do đó, vàng có thể là nơi trú ẩn của tiền nhàn rỗi.

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện mua bán vàng đúng pháp luật, minh bạch. Đồng thời, áp dụng công nghệ thông tin để quản lý các công ty, cửa hàng vàng. Cùng với đó là thực hiện chống buôn lậu mạnh mẽ. Vừa qua, rất nhiều vụ vận chuyển, buôn lậu vàng với giá trị lớn đã bị lực lượng chức năng phát hiện tại các cửa khẩu. Do đó, vấn đề quan trọng là phải chặn được dòng buôn lậu vàng vào nước ta.

Cùng với các giải pháp trên, tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thị trường vốn phát triển. Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, vàng không phải thước đo của tiền tệ nhưng là kim loại quý, là nơi trú ẩn tiền nhàn rỗi, do đó, Chính phủ sẽ tập trung sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP để quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng.

Cũng theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, thời gian tới nhu cầu đầu tư vào nền kinh tế rất lớn, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, các chương trình chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng… Các nhu cầu này đòi hỏi cung cấp lượng tín dụng lớn. Do đó, thị trường chứng khoán, trái phiếu sẽ chia sẻ với thị trường tiền tệ. Không chỉ huy đồng vốn trong nước mà có thể sử dụng nguồn vốn nước ngoài, vốn ODA, hợp tác công – tư (PPP)… để thúc đẩy phát triển kinh tế, giúp quy mô nền kinh tế tăng thêm 3-4 lần quy mô gần 500 tỷ USD như hiện nay trong thời gian không xa.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/chinh-sach-tien-te-tai-khoa-duoc-dieu-hanh-nhip-nhang-hieu-qua.html