Chính sách tiền tệ ưu tiên cho tăng trưởng

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng, tiếp tục giảm lãi suất cho vay

Ngày 1-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2024, thảo luận nhiều nội dung quan trọng.

Lưu ý đặc biệt vấn đề lạm phát

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết kinh tế vĩ mô 5 tháng cơ bản ổn định, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao. Trong đó, xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng khi tổng kim ngạch 5 tháng qua đạt 305,53 tỉ USD, xuất siêu hơn 8 tỉ USD. Lĩnh vực du lịch phục hồi mạnh, vượt cùng kỳ trước đại dịch COVID-19.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thống nhất đánh giá đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đạt 22,3% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ. Vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân được thúc đẩy. Bên cạnh đó, thu hút vốn FDI đạt 11 tỉ USD, tăng 2%, trong đó vốn đăng ký mới đạt 7,9 tỉ USD, tăng 27,5%, cao nhất trong 3 năm qua. Vốn FDI thực hiện đạt 8,3 tỉ USD, tăng 7,8%, cao nhất từ năm 2020 tới nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ảnh: NHẬT BẮC

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng nền kinh tế đang đối mặt với thách thức ngày càng lớn cả về tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát có thể tăng do biến động nguồn cung, giá cả thế giới và do nhu cầu sử dụng điện, vận tải hành khách… trong nước tăng khi vào mùa cao điểm nắng nóng và du lịch hè. "Lạm phát là vấn đề cần đặc biệt lưu ý, theo dõi sát để có giải pháp điều hành giá chặt chẽ, thận trọng, kịp thời, hiệu quả. Quan điểm nhất quán là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát" - ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thẳng thắn chỉ rõ tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn, nợ xấu có xu hướng tăng, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường còn cao. Thị trường bất động sản bước đầu ổn định nhưng khó khăn, giải quyết vướng mắc còn chậm. Thủ tướng cũng lưu ý việc phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực còn khó khăn; vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...

Huy động 100.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ

Kết luận phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh để đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Thủ tướng yêu cầu chính sách tiền tệ, tài khóa ưu tiên cho tăng trưởng càng cao càng tốt; đồng thời kiểm soát lạm phát theo mục tiêu dưới 4%. Phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng; tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Về việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội chưa được cải thiện, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng thực hiện ngay các giải pháp để đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng này. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước được giao tiếp tục quyết liệt triển khai ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng theo quy định. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành có liên quan sớm xây dựng phương án huy động thêm 100.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ cho các công trình hạ tầng chiến lược.

Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, về đầu tư cần đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công, thúc đẩy đầu tư tư nhân và thu hút vốn FDI có chọn lọc. Về xuất khẩu, cần đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện, đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh. Người đứng đầu Chính phủ cũng giao các bộ, ngành tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; khẩn trương ban hành đầy đủ, kịp thời các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn, bảo đảm đồng thời với hiệu lực của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Đối với Bộ Công Thương, cơ quan này được yêu cầu khẩn trương trình ban hành các nghị định: về cơ chế mua bán điện trực tiếp; về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; về cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG. Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ bảo đảm đủ điện, xăng dầu trong mọi tình huống.

Một nhiệm vụ quan trọng khác được Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý là chuẩn bị cải cách tiền lương theo các nghị quyết của trung ương, Quốc hội, bảo đảm nguyên tắc công bằng, bình đẳng, hài hòa, ổn định. Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp các bộ, ngành đề xuất phương án phù hợp nhất thực hiện từ ngày 1-7-2024 về các vấn đề liên quan thang bảng lương, lương cơ sở và chính sách đặc thù.

Tạm thu giữ trên 1.000 sổ đỏ trong vụ Hậu "pháo"

Chiều cùng ngày, tại cuộc họp báo Chính phủ, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn do Nguyễn Văn Hậu (Hậu "pháo") làm Chủ tịch HĐQT, trong quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT đã tạm thu giữ lượng lớn tài sản, tang vật. Cụ thể, cơ quan điều tra tạm thu giữ trên 300 tỉ đồng, gần 2 triệu USD, trên 500 lượng vàng và trên 1.000 sổ đỏ các loại. Cơ quan CSĐT đang làm rõ các hành vi vi phạm của các bị can và mở rộng điều tra.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chinh-sach-tien-te-uu-tien-cho-tang-truong-196240601210548414.htm