Chính sách tiếp nguồn lực bảo tồn văn hóa của đồng bào Khmer

Sau hơn 2 năm triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), đồng bào Khmer ở Hậu Giang đã bảo tồn được nhiều nét văn hóa đẹp.

Đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã được tiếp thêm nguồn lực quan trọng cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.

Hiện có hơn 20.000 người dân tộc Khmer sinh sống trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Với ý thức phải bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình, trong đó, người Khmer luôn chú trọng việc giữ gìn, bảo tồn các nhạc cụ dân tộc, trang phục dân tộc.

Biểu diễn hát Aday của người Khmer.

Biểu diễn hát Aday của người Khmer.

Ông Lê Công Khanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hậu Giang, cho biết: “Trước nguy cơ mai một nghệ thuật hát Aday của đồng bào Khmer Nam bộ, năm 2016, tỉnh đã triển khai Đề án: Truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào Khmer Nam bộ. Qua đó, hàng chục lớp tập huấn từ cơ bản đến nâng cao được tổ chức, thu hút sự tham gia của hàng trăm học viên là người dân tộc Khmer trên địa bàn. Từ sự nỗ lực, cố gắng đó, giữa năm 2022, loại hình nghệ thuật hát Aday được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Nhằm gìn giữ, phát huy nghệ thuật hát Aday và gắn loại hình nghệ thuật ấm nhạc với du lịch, thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã đầu tư nguồn kinh phí, tạo nhiêu sân chơi cho hát Aday phát triển.

Ông Ký Hiếu Thanh - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Chương trình MTQG 1719, Hậu Giang tiếp tục có thêm nguồn kinh phí để giữ gìn, phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Khmer đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời, thông qua loại hình nghệ thuật hát Aday tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào nhân dịp lễ, Tết cổ truyền. Chúng tôi sẽ cụ thể hóa thành nhiều gói hỗ trợ để triển khai thực hiện, qua đó, đồng bào sẽ được hưởng lợi một cách thiết thực và hiệu quả nhất”.

Các nhạc cụ của đồng bào Khmer.

Các nhạc cụ của đồng bào Khmer.

Nhạc cụ tạo nên các giai điệu Aday của người Khmer cũng cực kỳ cổ xưa. Dàn nhạc ngũ âm của người Khmer Nam bộ gồm có 7 nhạc cụ khi diễn tấu tạo ra năm âm thanh (Ngũ âm). Cụ thể là đồng, sắt, gỗ, da và hơi, thể hiện bằng 7 loại nhạc khí khác nhau. Nhạc cụ ngũ âm là dàn nhạc truyền thống tiêu biểu của người Khmer Nam bộ. Nó có âm lượng lớn và thường được dùng trong các nghi lễ quan trọng tại các chùa Khmer và trong các ngày lễ hội cổ truyền. Nhạc ngũ âm được thiết kế đẹp và tinh xảo, mỗi nhạc khí được định âm một cách chính xác, bảo đảm các yếu tố hòa âm cho cả dàn.

Ông Sơn Phol Danh, người Khmer, 72 tuổi cho biết: “Tôi chơi nhạc ngũ âm từ khi 10 tuổi, nhạc ngũ âm đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong các phum, sóc của đồng bào Khmer. Khi dàn nhạc ngũ âm vang lên, dù là người già hay người trẻ, trai hay gái đều tưng bừng, rộn ràng nhảy múa để hòa mình vào điệu múa tập thể, tạo bầu sinh khí mới mẻ, vui tươi”.

Bà Hồ Thu Ánh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhận định, đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh luôn ý thức trách nhiệm về việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Đây là một trong những điểm rất thuận lợi để địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trong thời gian tới.

Loại hình nghệ thuật Aday được nam, nữ ca sĩ và nhạc công thực hiện.

Loại hình nghệ thuật Aday được nam, nữ ca sĩ và nhạc công thực hiện.

Không chỉ triển khai thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, trong công tác bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống Hậu Giang còn gắn với tạo sinh kế cho đồng bào DTTS qua các dự án bảo tồn gắn với phát triển du lịch, dịch vụ phục vụ khách du lịch, cải thiện nguồn thu nhập cho đồng bào.

Việc quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện để bảo tồn và phát huy nét văn hóa độc đáo của dân tộc Khmer bằng những việc làm cụ thể, sát với nhu cầu thực tế, đã, đang và sẽ góp phần tạo nên sức lan tỏa, trong việc bảo tồn, phát huy nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng.

Phúc Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chinh-sach-tiep-nguon-luc-bao-ton-van-hoa-cua-dong-bao-khmer-5725933.html