Chính sách ưu đãi với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ

Hiện nay, vấn đề bình đẳng giới trong cơ hội việc làm, khởi nghiệp đang được nhà nước, xã hội thúc đẩy mạnh mẽ. Bên cạnh việc tạo các điều kiện, cơ hội công bằng, nhằm tạo động lực, ưu thế cơ hội cho lao động nữ, nhà nước đang ưu tiên quan tâm và xây dựng các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ.

 Ảnh minh họa: VGP

Ảnh minh họa: VGP

PNVN đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Thành Chung, Giám đốc Công ty Luật TNHH An Ninh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), về vấn đề này.

Luật sư Đặng Thành Chung, Giám đốc Công ty Luật TNHH An Ninh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội)

Luật sư Đặng Thành Chung, Giám đốc Công ty Luật TNHH An Ninh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội)

Thế nào được gọi là doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động nữ. Thưa Luật sư?

Theo Điều 74 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, Người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ thuộc một trong các trường hợp sau đây: Sử dụng từ 10 lao động nữ đến dưới 100 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm 50% trở lên so với tổng số lao động; Sử dụng từ 100 lao động nữ đến dưới 1.000 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm 30% trở lên so với tổng số lao động; Sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên.

Các chế độ đối với lao động nữ, được nhà nước khuyến khích doanh nghiệp áp dụng như thế nào?

Pháp luật về lao động hiện nay quy định rất nhiều chính sách đối với lao động nữ và bản thân doanh nghiệp cũng rất sáng tạo và thực hiện nhiều ưu đãi đối với lao động nữ làm việc cho mình. Một số chính sách lao động có thể kể đến như: Đảm bảo quyền bình đẳng, các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong quan hệ lao động; tăng cường phúc lợi và cải thiện điều kiện làm việc (như xây dựng nhà ở, xây dựng nhà trẻ; trang bị phòng vắt, trữ sữa mẹ; trang bị các cơ sở vật chất về văn hóa, thể thao, y tế; chăm sóc sức khỏe lao động nữ khi mang thai, khi nuôi con…).

Đặc biệt là xây dựng các phương án phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc vì các lao động nữ thường là đối tượng yếu thế và có thể bị lợi dụng, quấy rối.

Và chính sách ưu đãi với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ thì được tính như thế nào?

Theo Điều 83 Nghị định này, với các doanh nghiệp quan tâm, có chính sách hỗ trợ cho người lao động đặc biệt là lao động nữ yên tâm làm việc như đầu tư xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo, cơ sở y tế, công trình văn hóa và các công trình phúc lợi khác… thì được hưởng các ưu đãi theo quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường.

Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động thì được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của Luật Nhà ở. Trường hợp đầu tư, tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo thì được miễn hoặc giảm tiền thuê cơ sở vật chất.

Ngoài ra, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế; Các khoản chi tăng thêm cho lao động nữ, bảo đảm bình đẳng giới và phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc quy định tại Nghị định này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo quy định của Bộ Tài chính.

Cụ thể, Điều 21 Thông tư 78/ 2014/TT-BTC ngày 18 06/2014 "Hướng dẫn thi hành nghị định số 218/2013/nđ-cp ngày 26/12/2013 của chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp" quy định những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ đủ các điều kiện sau thì được giảm thuế TNDN:

- Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng, vận tải;

- Sử dụng từ 10 đến 100 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm trên 50% tổng số lao động có mặt thường xuyên; Hoặc sử dụng thường xuyên trên 100 lao động nữ mà số lao động nữ chiếm trên 30% tổng số lao động có mặt thường xuyên của doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tương ứng với số tiền thực chi thêm cho lao động nữ nếu hạch toán riêng được.

Linh An

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chinh-sach-uu-dai-voi-doanh-nghiep-su-dung-nhieu-lao-dong-nu-20230504165342138.htm