Chính sách về vắc-xin của Anh gây tranh cãi quốc tế
Việc Anh từ chối công nhận vắc-xin được cung cấp ở nhiều khu vực lớn trên thế giới đã gây ra sự phẫn nộ và hoang mang trên khắp châu Mỹ Latinh, châu Phi và Nam Á. Nhiều người chỉ trích đó là một chính sách phi logic và phân biệt đối xử.
Hàng người xếp hàng chờ nhận liều vắc-xin Covid ở Siliguri, Tây Bengal, Ấn Độ
Vào thứ Sáu tuần trước (17/9), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Anh, ông Grant Shapps, đã gọi các quy tắc mới của Anh là “một hệ thống đơn giản hóa cho du lịch quốc tế”. “Mục đích của chúng là để giúp mọi người đi lại dễ dàng hơn”, ông Shapps nói.
Nhưng quyết định của chính phủ Anh về việc chỉ công nhận kết quả tiêm chủng ở một số quốc gia nhất định đã dấy lên nhiều sự tức giận và thất vọng ở nhiều nơi trên thế giới. Theo đó, những khách du lịch đã tiêm phòng đầy đủ các mũi Oxford / AstraZeneca, Pfizer / BioNTech, Moderna và Janssen ở Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc hoặc một quốc gia thuộc EU được coi là “đã được tiêm phòng đầy đủ” và được miễn cách ly khi họ tới Anh. Tuy nhiên, những người đã được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin tương tự ở châu Phi hoặc châu Mỹ Latinh, cũng như các quốc gia khác bao gồm Ấn Độ, sẽ bị coi là “chưa được tiêm phòng đầy đủ” và buộc phải cách ly trong 10 ngày.
Ở châu Âu, có sự thất vọng về việc Anh từ chối chấp nhận những người từng bị Covid và sau đó được tiêm một mũi “đã được tiêm phòng đầy đủ”. Những người như vậy hiện được coi là đã được tiêm phòng đầy đủ ở hầu hết các nước châu Âu, và có thể tự do đi lại nhờ chứng chỉ kỹ thuật số của EU. Tuy nhiên, để tới Anh, họ vẫn phải cách ly trong 10 ngày, sau khi chính phủ Anh yêu cầu những người được tiêm vắc-xin Moderna hoặc Pfizer phải tiêm đủ cả hai mũi, “kể cả khi bạn vừa mới hồi phục sau Covid-19 và có khả năng miễn dịch tự nhiên”.
Vào thứ Tư (22/9), Anh đã nới lỏng một số quy tắc để cho phép những người từ châu Âu đã tiêm hai liều vắc xin khác nhau được đi du lịch mà không cần cách ly. Sau khi việc sử dụng AstraZeneca bị hạn chế ở nhóm người cao tuổi do lo ngại về chứng máu đông hiếm gặp, hàng trăm nghìn người trên lục địa đã được tiêm các mũi kết hợp.
Trước những quy tắc gây tranh cãi, hôm thứ Hai (20/9), ông Shashi Tharoor, một chính trị gia Ấn Độ, đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui khỏi một loạt sự kiện ở Anh để phản đối quyết định yêu cầu cách ly những người Ấn Độ đã được tiêm phòng đầy đủ.
“Không có một người nào mà tôi gặp mà không tức giận về điều này. Mọi người đều đang bối rối”, một nhà ngoại giao Mỹ Latinh chia sẻ. “Tại sao vắc-xin Pfizer hoặc Moderna hoặc AstraZeneca được sử dụng ở Mỹ Latinh lại không đủ? Tôi không hiểu sao điều này có thể được chấp nhận. Tôi chỉ biết rằng nó rất, rất không công bằng”.
Một nhà ngoại giao Tây Phi đã lên án các hạn chế này là “phân biệt đối xử”. “Nhưng sự phân biệt đối xử ấy thậm chí không phải là điều khiến tôi quan tâm nhất, mà là thông điệp mà nó gửi đi”, ông nói thêm. “Trên khắp thế giới, chúng ta đang đấu tranh với sự do dự dành cho vắc-xin. Hiện có rất nhiều các loại tin tức giả. Khi bạn nói: “Chúng tôi không chấp nhận vắc-xin từ châu Phi”, bạn tiếp thêm tính tin cậy cho những giả thuyết ấy. Nó sẽ khiến đại dịch kéo dài lâu hơn”.
Ông Ifeanyi Nsofor, bác sĩ và giám đốc điều hành một công ty tư vấn sức khỏe cộng đồng ở Nigeria, cho biết: “Anh là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho Covax, và giờ chính họ lại nói rằng những loại vắc-xin mà họ đã bảo trợ sẽ không được xem xét. Đó là điều đáng buồn, sai lầm, và phân biệt đối xử”.
Các quy định du lịch mới đã giáng một đòn nặng nề vào những người đang xa cách với gia đình ở Anh vì đại dịch.
Ông André Siqueira, một chuyên gia về các bệnh nhiệt đới đến từ Rio de Janeiro, cho biết ông rất mong mỏi được gặp lại cậu con trai bốn tuổi ở London sau một năm ròng. Nhưng các quy định mới đã khiến ông gần như không thể đến Anh - mặc dù đã được tiêm phòng đầy đủ ở Brazil.
“Không có lý do chính đáng nào cho việc họ không chấp nhận vắc-xin được tiêm ở một số nước. Không có logic nào cho sự sàng lọc này”, ông nói, và lưu ý thêm rằng không có sự phân biệt như vậy đối với vắc-xin phòng bệnh sốt vàng.
Giáo sư Helen Rees, một nhà nghiên cứu y tế và là chủ tịch của Nhóm Cố vấn Kỹ thuật Tiêm chủng Khu vực Châu Phi của WHO, gọi việc thiếu giải thích cho các quy định du lịch mới là “đáng tiếc” và những hạn chế là “không thể giải thích được”.
“Thế giới có làm điều này cho bất kỳ loại vắc xin nào khác không? Liệu Anh có nói rằng họ sẽ không công nhận vắc-xin phòng bại liệt từ Pakistan? Không. Chúng tôi chấp nhận rằng vắc-xin của bạn đã được sử dụng một cách an toàn. Nếu chúng tôi lo rằng có những biến thể kháng lại vắc-xin, thì điều đó đang diễn ra trên khắp thế giới rồi. Chủng Delta đã có mặt ở 100 quốc gia trên thế giới, và các loại vắc-xin đều có tác dụng chống lại nó”.
Giáo sư Rees cho biết bà hy vọng quyết định này sẽ được xem xét lại. “Tôi không lo lắng rằng nó sẽ không thể thay đổi, nhưng tôi nghĩ nó thực sự cần được thảo luận. Điều đó sẽ có ảnh hưởng thế nào đến sự bình đẳng? Đến những người tị nạn? Chúng ta không thể làm vậy, chúng ta phải tin tưởng vào vắc-xin, và vào các chính phủ đang quản lý vắc-xin”.
Khi được yêu cầu giải thích lý do vì sao vắc-xin sử dụng ở một số nước không được chấp nhận, một phát ngôn viên của chính phủ Anh cho biết: “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi vẫn là bảo vệ sức khỏe cộng đồng và mở lại hoạt động du lịch một cách an toàn và bền vững, đó là lý do tại sao chứng nhận vắc-xin từ mọi quốc gia phải đáp ứng các tiêu chí tối thiểu để đảm bảo sức khỏe cộng đồng và một số khía cạnh khác”. Tuyên bố không nói rõ những khía cạnh đó là gì.
Phản hồi sự bất bình quốc tế về chính sách mới, Anh đã cam kết làm việc với một số nước để công nhận hộ chiếu vắc-xin của họ. Thứ Tư (22/9), ủy ban cấp cao của Anh tại Kenya đã đưa ra một tuyên bố chung với Bộ Y tế Kenya, cho biết họ đã công nhận các loại vắc-xin được quản lý tại quốc gia Đông Phi này.