Chính sách với người có công sau sáp nhập: mở rộng và tăng mức quà tặng
Tại buổi họp báo ngày 24/7, ông Phạm Thành Nhân – Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM khẳng định, sau khi thực hiện sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, phường các chế độ chính sách dành cho người có công với cách mạng vẫn duy trì ổn định, đồng thời được mở rộng và tăng cường hơn về mức hưởng và phạm vi chăm lo.
Theo ông Nhân, từ ngày 1/5/2025, TP.HCM chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại các khu vực sáp nhập. Trong bối cảnh này, các chế độ chính sách dành cho người có công vẫn tiếp tục thực hiện đầy đủ theo quy định của Trung ương. Thành phố đặc biệt nhấn mạnh quan điểm “người có công phải được chăm lo tốt hơn hoặc ít nhất bằng với mức sống trung bình tại khu dân cư nơi sinh sống”.
Đề cập đến công tác tri ân nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), ông Nhân cho biết thành phố đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực cả về vật chất lẫn tinh thần. Trên cơ sở Nghị quyết số 23 của HĐND TP, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND TP ban hành mức chi quà tặng cho các đối tượng chính sách, đảm bảo không ai bị bỏ sót sau khi địa giới hành chính được điều chỉnh.
Tổng số đối tượng người có công dự kiến được tặng quà trong dịp này lên đến hơn 147.000 người. Có 6 mức quà tặng khác nhau, cao nhất là 3 triệu đồng dành cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Nhóm được nhận mức quà thấp nhất là 800.000 đồng, gồm con đẻ của liệt sĩ, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Huân, Huy chương kháng chiến.
Ngoài chính sách quà tặng, thành phố còn tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm sâu sắc. Trong đó có lễ viếng nghĩa trang liệt sĩ tại các khu vực phía Bắc và Côn Đảo, tổ chức đoàn cán bộ thăm các trung tâm điều dưỡng thương binh, trung tâm dưỡng lão Thủ Đức, cũng như các gia đình chính sách tiêu biểu. Cụ thể, TP.HCM cử 47 đoàn lãnh đạo đi thăm, tặng quà và động viên 225 gia đình chính sách cùng 5 trung tâm điều dưỡng tại các tỉnh phía Bắc.

Báo Tiền Phong tặng quà Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất thuộc xã Long Hải, TPHCM
Đặc biệt, thành phố đã tổ chức trao danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho 6 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng và tổ chức đoàn đại biểu gồm các cựu tù chính trị Côn Đảo và thân nhân liệt sĩ trở về Côn Đảo tham dự các hoạt động tưởng niệm.
Ông Nhân nhấn mạnh, TP.HCM yêu cầu các địa phương đồng loạt tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” tại cơ sở, không chỉ đơn thuần dừng lại ở quà tặng mà còn là dịp để tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân – nhất là giới trẻ – về truyền thống yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn, chính sách ưu đãi người có công của Đảng và Nhà nước.
“Chúng tôi mong muốn tiếp tục huy động nguồn lực xã hội để góp phần chăm lo tốt hơn cho các đối tượng chính sách, qua đó lan tỏa tinh thần tri ân sâu sắc đến các thế hệ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc” - ông Phạm Thành Nhân chia sẻ.