Chính sách vượt qua tác động của dịch Covid-19, nhằm phục hồi và phát triển kinh tế
Sáng 15-10, tại Hà Nội, Trường đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ngân hàng Phát triển châu Á và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) tổ chức Hội thảo khoa học, với chủ đề 'Chính sách vượt qua tác động của Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế'.
Sáng 15-10, tại Hà Nội, Trường đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ngân hàng Phát triển châu Á và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) tổ chức Hội thảo khoa học, với chủ đề “Chính sách vượt qua tác động của Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế”.
Hơn 70 tham luận và ý kiến trình bày trực tiếp tại Hội thảo đã tập trung phân tích các tác động và chính sách vượt qua khủng hoảng Covid-19 ở Việt Nam.
Ngay khi có dịch bệnh bùng phát, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, cùng sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân, toàn quân, công tác phòng, chống dịch.
Theo tinh thần Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, cũng như các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và các cơ quan Trung ương gần đây, các cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều gói hỗ trợ và biện pháp thiết thực để doanh nghiệp tăng sức đề kháng, từng bước bình thường hóa hoặc điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp, tăng cường chuyển đổi số và xúc tiến thương mại …
Đến nay, Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh; kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội; nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của Chính phủ. Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao và coi Việt Nam là điểm sáng trong các nền kinh tế mới nổi và việc ứng phó thành công với Covid-19
Tuy nhiên, do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng nên chín tháng năm 2020, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và chịu nhiều tác động từ đại dịch: suy giảm cả tổng cung và cầu, tốc độ tăng trưởng GDP và nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô khác thấp nhất trong năm đến 10 năm qua…
Chính phủ xác định quyết tâm thực hiện mục tiêu kép (chủ động phòng thủ bệnh tật cao trong phát triển, với tinh thần không để dịch bệnh Covid-19 quay lại lần thứ 3) và đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2020 ở mức cao nhất có thể…
Việc giữ được tăng trưởng GDP thực dương trong chín tháng năm 2020, nhất là trong quý II và III đã tạo nền tảng quan trọng để nền kinh tế Việt Nam có thể hồi phục và tăng trưởng dương cả năm 2020 và bứt phá mạnh hơn trong năm 2021.
Những tháng cuối năm 2020 và triển vọng, Việt Nam cần tiếp tục khai thác các thuận lợi cơ bản, như có uy tín và vị thế quốc tế, khu vực thuận lợi; với thành công từ chống dịch Covid-19 và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) bắt đầu có hiệu lực từ 1-8, cùng CPTPP và RCEPT (sẽ được ký vào cuối năm 2020) được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển cho nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng xuất khẩu, đầu tư và ứng dụng khoa học - công nghệ, giúp cải thiện chuỗi cung ứng của Việt Nam; đồng thời, đa dạng hóa quan hệ hợp tác, bổ sung động lực tăng trưởng và giảm phụ thuộc quá nhiều vào các nền kinh tế lớn. Cơ hội sẽ nằm ở những ngành có lợi thế so sánh truyền thống (như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, nông sản và thủy sản); lĩnh vực phục vụ tiêu dùng (phân phối bán lẻ, du lịch, giải trí, giáo dục, y tế); các hỗ trợ mạng sản xuất, gia tăng chuỗi giá trị (dịch vụ hỗ trợ, logistics, công nghiệp hỗ trợ). Tiềm năng kinh tế mới cũng nằm ở những lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo, kinh tế số, phát triển đô thị thông minh và hạ tầng logistics…
Trong quý IV năm 2020 và năm 2021, các khó khăn sẽ được cải thiện; giá thịt lợn dần hạ nhiệt. Nhóm ngành dệt may, giày dép và gạo có khả năng cạnh tranh nhờ giảm hàng rào thuế quan và mua được nguyên liệu giá rẻ, giúp giảm chi phí sản xuất. Các doanh nghiệp cũng có thêm cơ hội tham gia đấu thầu mua sắm công. Quá trình tái cơ cấu các DNNN và các ngân hàng thương mại sẽ đẩy mạnh hơn. Các hoạt động M&A cũng được thúc đẩy cả bề rộng và sâu, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, sản xuất và kinh doanh hàng tiêu dùng, chế tạo cơ khí… Thị trường các hàng tiêu dùng sẽ có cải thiện với cơ cấu hàng hóa phong phú hơn, giá rẻ hơn và chất lượng từng bước được cải thiện. Thị trường bất động sản sẽ hình thành một chu kỳ đầu tư mới, với những điều chỉnh sâu về định hướng, quy mô, tốc độ, cân bằng và hiệu quả hơn…
Bài học từ thực tiễn chống dịch Covid-19 cho thấy: Cùng với khai thác các gói hỗ trợ từ Chính phủ, cần coi trọng công tác thông tin cộng đồng và tâm lý đám đông; kiểm soát tình trạng đầu cơ, trục lợi và tham nhũng trong chống dịch; đề cao tinh thần cộng đồng và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; hài hòa lợi ích trong nhập khẩu, phân phối hàng thiếu hụt (thịt lợn); coi trọng thị trường trong nước và phát triển các chuỗi cung ứng mới; phát triển thương mại điện tử, kinh tế nền tảng và phi tiếp xúc truyền thống; phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp và xuất khẩu dịch vụ; chủ động đa dạng hóa kịch bản tăng trưởng và kiểm soát rủi ro vĩ mô và vi mô…
Đồng thời, cần củng cố nhận thức mới về bối cảnh bình thường hóa mới (mục tiêu kép) và về đối tượng của các gói hỗ trợ (cả DN và người dân, cả DN to và nhỏ, DN tư nhân và Nhà nước, cũng như cần tác đọng vào cả cung và cầu…) và hàng rào kỹ thuật trong bối cảnh các nước khi mở cửa giao thương hậu Covid-19 đều đề cao yêu cầu mới là chỉ ưu tiên quốc gia không có dịch bệnh…
Về trung và dài hạn, Việt Nam cần nhiều hơn các đột phá nâng cao năng lực tự chủ của nền kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng, gia tăng các động lực tăng trưởng mới; đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế và cải thiện môi trường; phát triển của khu vực tư nhân; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến chế tạo theo chiều sâu và tận dụng tối đa các lợi ích, cơ hội từ hội nhập quốc tế và xu hướng CMCN 4.0.
Chính phủ cần tiếp tục áp dụng các biện pháp nhất quán và đồng bộ để vừa duy trì cả cung và cầu trên thị trường, ổn định thị trường tiêu dùng trong nước, thị trường tài chính, tiền tệ; thực hiện khoanh nợ, giãn nợ và giảm lãi suất, một số loại thuế cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn bởi dịch…
Đặc biệt, các gói hỗ trợ mới cho doanh nghiệp và người dân cần mở rộng hơn về đối tượng, đơn giản hơn về thủ tục và bao quát các lĩnh vực dân sinh; kiên quyết phòng tránh các rủi ro, thất thoát, lạm dụng, trục lợi cá nhân hoặc lợi ích nhóm… Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác các cơ hội mới từ việc triển khai các hiệp định FTA đã có hiệu lực, như CPTPP và EVFTA.
Hơn nữa, trong khi triển khai đồng thời mục tiêu kép theo chỉ đạo của Chính phủ, cần ưu tiên coi trọng công tác phòng, chống sự bùng phát làn sóng dịch thứ ba, nhằm tạo cơ hội chung để triển khai các hoạt động kinh tế trong nước và quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài và thế giới vẫn chưa có vaccine điều trị chính thức…