Chính sách vượt trội vì dân nghèo Đà Nẵng: Để người dân có cuộc sống tốt hơn

Các chính sách mang tính đặc thù, vượt trội của thành phố Đà Nẵng thực hiện trong thời gian qua có mức hỗ trợ cao hơn so với quy định chung của Trung ương từ 1,2 đến 1,5 lần.

LTS: Từ năm 2015, thành phố Đà Nẵng đã cơ bản xóa hết hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương, về đích sớm hơn 2 năm so với kế hoạch. Từ đó đến nay, mỗi lần Trung ương nâng chuẩn hộ nghèo là thành phố này cũng nâng mức chuẩn hộ nghèo cao hơn với chuẩn cả nước.

Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra mục tiêu, không còn hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn đa chiều của thành phố; bảo đảm 100% người thuộc hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, được hỗ trợ khi gặp khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Kết thúc loạt bài “Những chính sách vượt trội vì dân nghèo ở Đà Nẵng”, Báo VOV.VN đăng bài cuối với nhan đề “Chính sách vượt trội vì mục tiêu người dân có cuộc sống tốt hơn”.

Nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của thành phố. Hơn 10 năm qua, gần 250.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác ở thành phố Đà Nẵng được vay vốn tín dụng chính sách xã hội với tổng vốn vay lên hơn 11.000 tỷ đồng.

Nhờ vốn tín dụng chính sách, bà Huỳnh Thị Thùy Anh ở tổ 29, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn đã thoát nghèo.

Nhờ vốn tín dụng chính sách, bà Huỳnh Thị Thùy Anh ở tổ 29, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn đã thoát nghèo.

Bà Huỳnh Thị Thùy Anh ở tổ 29, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách này. Trước đây, cả gia đình bà sống trong ngôi nhà cấp 4 xập xệ. Chồng bà bị ung thư qua đời cách đây 17 năm để lại 4 mẹ con côi cút. Cách đây 2 năm, bà Thùy Anh vay 100 triệu đồng từ vốn vay tín dụng chính sách xã hội, đầu tư xây dựng trang trại, nuôi hàng trăm con gà và lợn. Bây giờ, gia đình bà Thùy Anh đã có cuộc sống tốt hơn: “Chính quyền địa phương cũng quan tâm hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ sinh kế, con chị cũng được ưu ái hỗ trợ học bổng. Nhờ vậy mà cuộc sống của gia đình đỡ hơn trước”.

HĐND thành phố Đà Nẵng thông qua nhiều Nghị quyết về an sinh xã hội đặc thù, vượt trội so với các quy định của Trung ương

HĐND thành phố Đà Nẵng thông qua nhiều Nghị quyết về an sinh xã hội đặc thù, vượt trội so với các quy định của Trung ương

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần cho thành phố Đà Nẵng hoàn thành Đề án giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 trước 2 năm với gần 20.300 hộ thoát nghèo. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao việc thành phố Đà Nẵng đã ban hành chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo quốc gia và có chính sách cho hộ có thu nhập trung bình vay vốn tín dụng chính sách.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Đà Nẵng là 1 trong 3 địa phương có nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn tín dụng chính sách lớn nhất toàn quốc: “Chuẩn nghèo của thành phố cũng sẽ ngày càng khác đi và sẽ tiến đến một thời điểm không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia. Trình độ của người dân cũng tăng lên và như vậy điều đó có nghĩa là trọng tâm, trọng điểm của hoạt động tín dụng, chính sách xã hội trong thời gian tơísẽ khác đi".

Đà Nẵng ban hành chính sách trợ cấp thường xuyên cho người mắc bệnh ung thư, suy thận mạn.

Đà Nẵng ban hành chính sách trợ cấp thường xuyên cho người mắc bệnh ung thư, suy thận mạn.

- Từ năm 2015, Đà Nẵng đã cơ bản xóa hết hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương, về đích sớm hơn 2 năm so với kế hoạch. Giai đoạn 2012-2021, thành phố Đà Nẵng huy động hơn 3.551 tỷ đồng để thực hiện chương trình giảm nghèo và 3 lần nâng chuẩn nghèo cao hơn mức chung cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm từ 2% trở lên.

- Đà Nẵng là một trong số rất ít địa phương có chính sách trợ cấp hàng tháng đối với tất cả người đủ 90 tuổi trở lên, kể cả người có thu nhập, cán bộ về hưu đều được hỗ trợ một lần, với mức 500 ngàn đồng/tháng.

-Thành phố này còn ban hành nhiều chính sách riêng có như: hỗ trợ học nghề đối với các đối tượng lao động là thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật, học sinh bỏ học, lao động là người hoạt động mại dâm hoàn lương, lao động thuộc diện di dời, giải tỏa, thu hồi đất sản xuất. Đặc biệt, trong khi cả nước chưa áp dụng chính sách hỗ trợ cho vay đối với hộ gia đình có mức sống trung bình thì Đà Nẵng đã áp dụng.

- Đà Nẵng cũng nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội cao hơn 20% đến 30% so với mức chung, mở rộng các nhóm đối tượng và điều kiện được hưởng, như bộ đội xuất ngũ bị bệnh tâm thần chưa được hưởng chế độ đối với người có công, quân nhân ở các chiến trường B.C.K, người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo thuộc hộ nghèo…, chi trợ cấp hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, mai táng phí cho gần 33 nghìn người, với gần 250 tỷ đồng/năm.

- Hộ nghèo được hỗ trợ xây mới nhà ở với mức 80 triệu đồng/nhà; sửa chữa nhà là 30 triệu đồng/nhà; giảm 60% tiền thuê nhà chung cư cho hộ nghèo và miễn tiền thuê nhà hộ nghèo hoàn cảnh đặc biệt khi thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

- Trong 4 năm liên tiếp, thành phố Đà Nẵng miễn học phí cho học sinh ở các cấp học, trừ học sinh học ở trường có vốn đầu tư nước ngoài. Năm học 2023-2024, thành phố đã trích ngân sách hơn 408 tỷ đồng để hỗ trợ học phí cho học sinh.

Nhiều năm liền, thành phố Đà Nẵng miễn học phí cho học sinh.

Nhiều năm liền, thành phố Đà Nẵng miễn học phí cho học sinh.

Các chính sách mang tính đặc thù, vượt trội của thành phố Đà Nẵng thực hiện trong thời gian qua có mức hỗ trợ cao hơn so với quy định chung của Trung ương từ 1,2 đến 1,5 lần. Đối tượng thụ hưởng cũng ngày càng mở rộng, phủ rộng đến các nhóm đối tượng yếu thế không có thu nhập. Điều kiện được hưởng các chính sách cũng mở rộng tới các hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình.

Ông Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng cho biết: địa phương đang rà soát, nghiên cứu, tiếp tục nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội, mở rộng nhóm đối tượng khó khăn khác ngoài quy định của Trung ương để có chính sách hỗ trợ: “Đây cũng là một chính sách hết sức nhân văn, chính sách đặc thù của thành phố Đà Nẵng. Chúng tôi xác định đối tượng được thụ hưởng là hộ nghèo, hộ cận nghèo để cho người nghèo, hộ cận nghèo có được điều kiện tiếp cận”.

Ông Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng

Ông Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng

Kiên trì theo đuổi mục tiêu người dân có cuộc sống ngày càng tốt hơn, xã hội phát triển bền vững, đặt lợi ích của người dân và thành phố lên hàng đầu đã được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng từ nhiều nhiệm kỳ trước. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2025 xác định rõ, chính sách xã hội, chăm lo cho người dân là nhiệm vụ chiến lược, đặt con người vào trung tâm chính sách, phát triển kinh tế phải gắn liền với phát triển xã hội. Thành phố đặt ra mục tiêu không còn hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn đa chiều của thành phố; bảo đảm 100% người thuộc diện hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, được hỗ trợ khi gặp khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định, một trong những mục tiêu mà thành phố Đà Nẵng lưa chọn và kiên trì trong công tác chỉ đạo, điều hành trong nhiều năm qua chính là việc thực hiện có hiệu quả các chương trình an sinh xã hội, hướng đến xây dựng một thành phố đáng sống, người dân hạnh phúc: “Chúng tôi tiếp tục duy trì nâng cao chất lượng thực hiện các chương trình về an sinh xã hội, các chính sách nhân văn riêng có của thành phố. Tiếp tục phát huy hiệu quả các chính sách vượt trội của thành phố đối với người có công với cách mạng, các đối tượng cần được bảo trợ xã hội như trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ và các nhóm đối tượng khó khăn, yếu thế trong xã hội”.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Chủ trương nhất quán của Đà Nẵng là phát triển kinh tế đi liền với hiệu quả thực hiện các chính sách xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, không bỏ ai ở lại phía sau như tinh thần Kết luận số 79 ngày 13/5/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà Đà Nẵng tập trung thực hiện là đầu tư phát triển văn hóa, con người đồng bộ, ngang tầm với phát triển kinh tế, đưa hình ảnh thành phố Đà Nẵng văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc đến gần hơn với bạn bè quốc tế; xây dựng “nếp sống văn hóa - văn minh đô thị”, phát triển con người Đà Nẵng toàn diện, tuân thủ pháp luật, hội nhập quốc tế và có giá trị bản sắc riêng.

Thành phố này tiếp tục rà soát, bảo đảm thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với ngươì̀ có công, đối tượng bảo trợ xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo đa chiều ổn định, bền vững. Tại cuộc làm việc mới đây với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng và đánh giá cao về những cách làm hay, sáng tạo với nhiều chương trình, chính sách an sinh xã hội riêng có của thành phố bên bờ Sông Hàn: “Đà Nẵng có nhiều sáng tạo, chương trình “thành phố 5 không”, Chương trình “thành phố 3 có”. Đây là sáng kiến rất hay, rất đơn giản nhưng mà rất thiết thực. Thành phố đề ra chương trình thành phố “4 an” là an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và an sinh xã hội, từng bước có những sáng kiến vừa kế thừa, vừa đổi mới, vừa phục vụ cho phát triển. Đây cũng là di sản quý báu của Đà Nẵng, phải tiếp tục phát huy, đẩy mạnh lên nữa”.

Chính sách an sinh xã hội vượt trội của Đà Nẵng góp phần xây dựng thương hiệu thành phố đáng sống và trở thành một thành phố yên bình:

-“Là công dân thành phố, tôi từng chứng kiến và chia sẻ những thăng trầm của thành phố, những thương hiệu riêng có của Đà Nẵng. Các chính sách an sinh xã hội đặc thù riêng có cũng hết sức nhân văn”.

-“Chúng tôi rất ấn tượng đối với Đà Nẵng. Thành phố Đà Nẵng từ trước đến giờ vẫn duy trì một thương hiệu, đó là thành phố đáng sống”.

Đó là cảm nhận của người dân thành phố Đà Nẵng.

Các chính sách an sinh xã hội của thành phố Đà Nẵng góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống.

Các chính sách an sinh xã hội của thành phố Đà Nẵng góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống.

Nói đến Đà Nẵng là nói đến thành phố trẻ, năng động với nhiều cách làm sáng tạo, táo bạo. Chủ trương xóa những dãy nhà chồ bên sông Hàn, xây dựng chung cư để đưa dân lên bờ vào những năm đầu thành phố mới chia tách, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương được xem là cuộc di dân lịch sử, tạo ra diện mạo mới cho đô thị trẻ. Thành công của Đà Nẵng trong đền bù giải tỏa cũng là bài học kinh nghiệm đối với nhiều địa phương khác. Đà Nẵng đã và đang sở hữu nhiều danh xưng như: thành phố “5 không, 3 có, 4 an”, thành phố môi trường, thành phố của những cây cầu, thành phố pháo hoa… Tất cả đã tạo nên dấu ấn nổi bật của “thương hiệu Đà Nẵng” cùng nhiều hình ảnh tốt đẹp của một thành phố đáng sống.

Kết luận số 79 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 136 năm 2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đang mở ra những cơ hội mới, vận hội mới cho Đảng bộ và chính quyền thành phố này trong việc ban hành và thực hiện các chủ trương, chính sách mang tính đột phá, vượt trội không chỉ dành cho những người nghèo, yếu thế mà cho tất cả mọi người dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Đình Thiệu-Tuyết Lê/VOV miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/chinh-sach-vuot-troi-vi-dan-ngheo-da-nang-de-nguoi-dan-co-cuoc-song-tot-hon-post1121609.vov