Chính quyền Armenia đang có nhiều hành động cho thấy họ muốn thực hiện chính sách xoay trục, đó là ngả sang phương Tây.
Thủ tướng Armenia - ông Nikol Pashinyan mới đây đã có cuộc trò chuyện với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhằm tăng cường hợp tác giữa hai bên.
Ngoài ra còn có thông tin về những cuộc hội đàm kéo dài sắp tới giữa ông Pashinyan với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Theo thông tin sơ bộ, nhiều khả năng Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ ký một thỏa thuận về việc cung cấp an ninh cho Armenia, tương tự như văn kiện mà các quốc gia phương Tây đã ký trước đó với Ukraine.
Trước đó, Pháp đã cho thấy là quốc gia tích cực nhất của NATO trong việc tiến hành hợp tác quân sự với Armenia khi quốc gia này ngỏ ý muốn tăng cường quan hệ với phương Tây.
Paris đã cung cấp cho Yerevan một số hệ thống vũ khí tối tân, tổ chức huấn luyện binh sĩ địa phương và quan trọng nhất là còn đưa ra một vài cam kết liên quan tới đảm bảo an ninh.
Việc Yerevan xích lại gần Brussels và Washington theo nhận xét sẽ thay đổi hoàn toàn cán cân quyền lực khu vực. Chính quyền Armenia đang hạn chế sự hiện diện của Quân đội Nga ở nước này bằng cách loại bỏ căn cứ quân sự của Moskva ở Gyumri.
Sau khi quá trình trên hoàn tất, những người Mỹ thuộc Phái đoàn Giám sát châu Âu (EUMA), vốn đã được triển khai ở các khu vực biên giới, đang được kêu gọi sớm thay thế quân nhân Nga.
Việc triển khai trên diện rộng các đơn vị Quân đội Mỹ tới Armenia theo dự báo sẽ là kịch bản không mong muốn đối với Moskva, bởi vì dự báo các bước đi tương tự sẽ xảy ra ở một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ nằm ở khu vực Trung Á.
Liên bang Nga hiện đang áp dụng cách tiếp cận thận trọng khi chờ xem tình hình diễn biến ra sao, nhưng có lẽ Moskva khó lòng can thiệp bởi nguồn lực đang tập trung toàn bộ cho chiến trường Ukraine.
Điều này thể hiện rõ khi Armenia yêu cầu Nga can thiệp vào cuộc xung đột với Azerbaijan về tranh chấp khu vực Nagorno-Karabakh thì Moskva vẫn giữ thái độ trung lập, khiến Yerevan không hài lòng và đã thông báo sẽ rút khỏi Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO).
Trong lúc này, yếu tố quan trọng khiến Yerevan thay đổi chính sách chính là Baku, bởi Armenia buộc phải nhượng bộ Azerbaijan trong vấn đề phân định lãnh thổ biên giới. Chính quyền nước này rất hy vọng nếu thắt chặt hợp tác với phương Tây, tình hình có thể sớm thay đổi.
Về phần mình, Moskva cho biết họ đang theo dõi tình hình một cách thận trọng nhất và sẽ sớm liên lạc với chính quyền Yerevan, với mong muốn được nghe giải thích cặn kẽ về những bước đi sắp tới của đối tác quan trọng.
Trong trường hợp xấu nhất đó là Armenia thực sự rút khỏi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, khối quân sự được xem như “NATO thu nhỏ” của Moskva sẽ đối diện nguy cơ tan rã và đây là điều mà chính quyền Nga phải tìm cách không để xảy ra bằng mọi giá.