Chính sách y tế tiến bộ
Quy định về Đánh giá công nghệ y tế (HTA) vừa chính thức có hiệu lực trên toàn Liên minh châu Âu (EU), đánh dấu một bước ngoặt lớn trong việc cải thiện khả năng tiếp cận các công nghệ y tế hiện đại, bao gồm thuốc và thiết bị y tế cho người dân châu Âu. Với quy định này, EU tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy những chính sách y tế tiến bộ, đồng thời đặt nền móng cho một hệ thống y tế ngày càng công bằng và hiệu quả hơn trên toàn châu lục.
Theo khung pháp lý mới, EU xây dựng một hệ thống chung nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong quá trình đánh giá công nghệ y tế. Nhờ đó, các cơ quan y tế tại từng quốc gia có thể đưa ra quyết định về giá thành và chính sách hoàn trả chi phí nhanh chóng, chính xác hơn. Quy trình dành cho các doanh nghiệp phát triển công nghệ y tế cũng được tinh giản, tạo điều kiện để các sản phẩm mới nhanh chóng tiếp cận thị trường.
Việc áp dụng khung pháp lý chung giúp đẩy nhanh tiến độ đánh giá, giảm thiểu tình trạng trùng lặp nhờ cơ chế sử dụng hồ sơ nộp chung ở cấp độ EU. Khác với cơ chế hợp tác dựa trên các dự án riêng lẻ trước đây, khung pháp lý mới mang tính liên tục và toàn diện hơn, đồng thời vẫn bảo đảm quyền tự quyết của các quốc gia thành viên trong quản lý hệ thống y tế theo bối cảnh riêng của từng nước.
Quy định mới sẽ được triển khai theo lộ trình cụ thể nhằm đảm bảo tính hiệu quả và khả thi trong thực tế. Bắt đầu từ tháng 1-2025, quy định sẽ áp dụng cho các đơn xin cấp phép lưu hành đối với thuốc điều trị ung thư và các sản phẩm thuộc liệu pháp tiên tiến (ATMP). Đến tháng 1-2028, phạm vi áp dụng sẽ được mở rộng sang các loại thuốc điều trị bệnh hiếm và quy định sẽ chính thức áp dụng cho tất cả các loại thuốc mới từ năm 2030…
Ngoài ra, việc tham khảo ý kiến từ bệnh nhân và bác sĩ sẽ được thực hiện thường xuyên, bảo đảm rằng đánh giá không chỉ mang tính khoa học mà còn phản ánh đúng nhu cầu thực tế từ cộng đồng.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chinh-sach-y-te-tien-bo-post777847.html