Chỉnh sửa biên lai chuyển khoản để 'phông bạt' có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo luật sư Nguyễn Văn Năm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội việc chỉnh sửa thông tin chuyển tiền gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến các hoạt động của cơ quan, tổ chức tiếp nhận từ thiện, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mới đây, Ban Phong trào - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) đã công khai bản sao kê gồm hơn 12.000 trang tài liệu các khoản tiền ủng hộ đồng bào gặp thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra. Ngay sau khi công bố, bản danh sách sao kê đã thu hút được sự quan tâm của dư luận.

Theo đó, không ít người trên mạng xã hội đã lộ dấu hiệu chỉnh sửa biên lai chuyển khoản để "làm màu". Sự việc nhanh chóng được cư dân mạng bóc mẽ, gây xôn xao dư luận và nhận được rất nhiều ý kiến của người dùng mạng xã hội. Đa số thể hiện sự phẫn nộ, chỉ trích, lên án hành động này.

Một biên lai chuyển khoản ủng hộ đồng bào gặp thiệt hại do cơn bão số 3 đã bị chỉnh sửa. Ảnh: MXH

Một biên lai chuyển khoản ủng hộ đồng bào gặp thiệt hại do cơn bão số 3 đã bị chỉnh sửa. Ảnh: MXH

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, gần đây, "phông bạt" là từ ngữ được cư dân mạng sử dụng để chỉ một lối sống hào nhoáng bên ngoài nhưng thiếu sự chân thật bên trong, thích thổi phồng, đánh bóng bản thân. Những người có lối sống này thường cố gắng tạo dựng một hình ảnh hoàn hảo, hào nhoáng trên mạng xã hội, nhưng thực tế lại khác xa so với những gì họ thể hiện.

Luật sư Nam nhận định, việc chỉnh sửa thông tin chuyển khoản ủng hộ đồng bào bị bão lũ có thể gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm, hình ảnh của cá nhân, cơ quan, tổ chức, gây hiểu nhầm cho cơ quan, tổ chức tiếp nhận tiền từ thiện, làm khó khăn trong công tác phân bổ, thống kê nguồn tiền thực được nhận.

Việc làm này không phù hợp với đạo đức, lối sống của người Việt Nam đặc biệt trong hoàn cảnh cả nước đang hướng về các tỉnh bị lũ lụt, đi ngược lại tinh thần "nhường cơm sẻ áo, lá lành đùm lá rách" cho những địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại về tính mạng, tài sản do bão, lũ.

Đây là hành vi vi phạm quy tắc sử dụng mạng xã hội được quy định tại Điều 4 Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội ban hành kèm theo Quyết định 874/QĐ-BTTTT năm 2021 của Bộ Thông tin truyền thông. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, nhân thân…người chỉnh sửa biên lai chuyển tiền có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh có liên quan.

Cụ thể, căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 37 điều 1 Nghị định số 14/2022/NĐ-CP người có hành vi chỉnh sửa, đăng tải thông tin, biên lai chuyển tiền có thể bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Căn cứ quy định tại khoản 3 điều 4 Nghị định số 15/2020, mức phạt đối với cá nhân thực hiện hành vi được xác định từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Ngoài ra, căn cứ quy định tại khoản 3 điều này người thực hiện hành vi còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Luật sư Nguyễn Văn Nam.

Luật sư Nguyễn Văn Nam.

Trường hợp nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy việc chỉnh sửa thông tin chuyển tiền gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến dư luận và các hoạt động của cơ quan, tổ chức tiếp nhận từ thiện thì người thực hiện hành vi có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định tại điều 331 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, tội phạm có khung hình phạt cao nhất tới 7 năm tù.

Bên cạnh đó, người có hành vi kêu gọi quyên góp từ thiện, người có trách nhiệm quản lý nguồn tiền này nhưng có hành vi làm giả thông tin chuyển tiền để chiếm đoạt số tiền đang quản lý có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 175 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, nếu giá trị tiền, tài sản bị chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên người thực hiện hành vi có thể đối mặt với khung hình phạt cao nhất tới 20 năm.

Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ luật hình sự.

Phúc Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chinh-sua-bien-lai-chuyen-khoan-de-phong-bat-co-the-bi-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-169240914113247598.htm