Chính thức áp dụng quy định mới về bố trí công chức sau luân chuyển

Nghị định 116/2024/NĐ-CP bổ sung quy định mới về bố trí công chức sau luân chuyển và nêu rõ công chức lãnh đạo, quản lý có thể được bổ nhiệm lại với số lần không hạn chế...

Về bố trí công chức sau luân chuyển khoản 40 Điều 1 Nghị định 116/2024 đã sửa đổi Điều 63 Nghị định 138/2020. Cụ thể, việc xem xét bố trí, phân công công chức sau luân chuyển phải căn cứ yêu cầu công tác cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tế, kết quả công tác, năng lực, sở trường của công chức luân chuyển gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị và kết quả nhận xét, đánh giá của cấp có thẩm quyền.

Trường hợp công chức luân chuyển được cấp có thẩm quyền quyết định tiếp tục bố trí ổn định công tác ở địa phương, cơ quan nơi đến thì không còn xem là công chức luân chuyển theo quy định.

Bên cạnh đó, Nghị định 116/2024 còn sửa đổi khoản 2 Điều 41 Nghị định 138/2020 về thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của công chức. Theo đó, công chức lãnh đạo, quản lý có thể được bổ nhiệm lại với số lần không hạn chế, trừ trường hợp có quy định khác của Đảng hoặc của pháp luật chuyên ngành.

Trước đó, khoản 2 Điều 41 Nghị định 138/2020/NĐ-CP chỉ quy định thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được quá hai nhiệm kỳ liên tiếp được thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật chuyên ngành.

Ngoài ra, Nghị định 116/2024 còn sửa đổi quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý, đó là:

Bảo đảm tiêu chuẩn chung theo quy định của Đảng, của pháp luật và tiêu chuẩn cụ thể của chức vụ, chức danh bổ nhiệm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Đối với nhân sự từ nguồn tại chỗ phải được quy hoạch vào chức vụ, chức danh bổ nhiệm hoặc được quy hoạch chức vụ, chức danh tương đương trở lên. Đối với nhân sự nguồn từ nơi khác phải được quy hoạch chức vụ, chức danh tương đương trở lên. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị mới thành lập chưa thực hiện việc phê duyệt quy hoạch thì do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;

Có thời gian giữ chức vụ, chức danh đảm nhiệm hoặc chức vụ, chức danh tương đương tối thiểu là 2 năm, nếu không liên tục thì được cộng dồn (chỉ cộng dồn đối với thời gian giữ chức vụ, chức danh tương đương) hoặc bảo đảm thời gian công tác liên tục trong ngành, lĩnh vực theo tiêu chuẩn cụ thể của chức vụ, chức danh bổ nhiệm. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;

Có hồ sơ, lý lịch cá nhân được xác minh, có bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao; Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ; không đang trong thời hạn xử lý kỷ luật; không đang trong thời gian bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử...

Đặc biệt, Nghị định cũng nêu rõ điều kiện về tuổi bổ nhiệm. Theo đó, công chức được đề nghị bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc đề nghị bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý cao hơn thì phải đủ tuổi để công tác trọn thời hạn bổ nhiệm.

Thời điểm tính tuổi bổ nhiệm thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;

Công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ, chức danh đang giữ thì không tính tuổi bổ nhiệm theo quy định .

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chinh-thuc-ap-dung-quy-dinh-moi-ve-bo-tri-cong-chuc-sau-luan-chuyen-post590704.antd