Chính thức có Học viện đào tạo doanh nhân kế nghiệp
20 học viên thuộc lứa đầu tiên của F2 Academy là những người được định hướng kế nghiệp tại các doanh nghiệp gia đình lớn ở Việt Nam.
Có thể thấy rất nhiều doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn chuyển giao quan trọng giữa hai thế hệ.
Ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam nhận định, khi kết thúc giai đoạn 25 năm, những người sáng lập doanh nghiệp sẽ bắt đầu nói về câu chuyện chuyển giao thế hệ, cho dù họ vẫn tiếp tục ở lại đến 30 – 40 năm. Trong đó, việc hướng tới lớp trẻ được các nhà sáng lập doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.
Đó cũng chính là bối cảnh học viện đào tạo doanh nhân kế nghiệp F2 Academy vừa chính thức được ra mắt. Khóa đào tạo dự kiến kéo dài hai năm, theo hình thức EduNext Platform. Giảng viên sẽ là các doanh nhân Sao Đỏ, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam và cũng chính là cha, chú của các học viên.
Khóa đầu tiên của học viện chỉ có 20 người trẻ được ghi danh với những cái tên như Mai Ngọc Hảo, con gái Chủ tịch Tập đoàn U&I Mai Hữu Tín; Vũ Thị Thu Quỳnh, con gái Chủ tịch Tập đoàn Geleximco Vũ Văn Tiền; Nguyễn Anh Sa, con gái Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng; Nguyễn Ngọc Mỹ, con gái Chủ tịch Tập đoàn Alphanam Nguyễn Tuấn Hải; Phạm Nhật Thành, con trai Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn; Bùi Quang Minh, con trai ông Bùi Minh Lực, Giám đốc Tổng công ty Hòa Bình Minh...
Theo ông Phạm Đình Đoàn, học viện sẽ là nơi để các thế hệ F2 vững tin và có sân chơi giao lưu, kết thân, để không chỉ bằng mà vượt cả thế hệ đi trước. Lứa đầu tiên của học viện sẽ là khóa thử nghiệm, là tiền đề để nhân rộng mô hình đào tạo này.
Ông Đoàn cho biết, trên hành trình phát triển doanh nghiệp đã gây dựng nên, các doanh nhân có lúc nhận ra rằng Việt Nam đang thiếu hụt lớp kế cận trong khi để đào tạo được một thế hệ kế cận thành công thường phải mất tới hàng chục năm trời.
Các doanh nghiệp lớn trên thế giới với tuổi đời hàng trăm năm với kinh nghiệm và kế hoạch đào tạo bài bản từ khi thế hệ sau còn rất nhỏ. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam với tuổi đời còn ít, chưa có nhiều kinh nghiệm. Thậm chí, có những doanh nghiệp dù quy mô lớn nhưng đã không thành công trong vấn đề chuyển giao.
“Chúng tôi sẽ cố gắng thiết kế các chương trình để các bạn trẻ được tiếp cận từ nhỏ, để ít nhất là các con có đam mê và năng lượng, tạo môi trường để hai thế hệ gặp gỡ và chia sẻ vì nếu thiếu gặp gỡ thì không thể cùng có chung ngôn ngữ trong phát triển doanh nghiệp”, ông Đoàn nói.
Là đồng sáng lập F2 Academy và cũng là người trực tiếp tham gia giảng dạy, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT nhìn nhận, để có thể phát triển doanh nghiệp thành công đến hôm nay, thế hệ F1 đã phải trải qua rất nhiều gian nan, đã được “rèn luyện qua lửa”.
“Các con không có cơ hội như vậy. Một doanh nghiệp liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, chỉ vài năm nữa thôi sẽ còn lớn hơn nữa. Để phát triển doanh nghiệp lúc đó còn khó hơn bây giờ nhiều, làm thế nào các con làm được”, ông Bình đặt vấn đề.
Chủ tịch FPT khẳng định, muốn thế hệ F2 thành công lớn thì phải có năm điểm bổ sung đi kèm kiến thức được học ở trường.
Thứ nhất là có đam mê thay vì sống một cách mờ nhạt. Đam mê sẽ dẫn đến khát vọng và rồi hình thành hoài bão. Đam mê xuất phát từ những việc rất nhỏ. Vì vậy, thế hệ đi trước cần chú ý đến các đam mê nhỏ nhất và tạo điều kiện hơn nữa cho đam mê của con.
“Chúng tôi sẽ không tách rời việc đào tạo các con với đào tạo bố mẹ để có thể hiểu và đồng hành cùng con. Cả hai thế hệ sẽ có các chia sẻ, có các mục tiêu chung”, ông Bình nói.
Thứ hai là tích lũy kinh nghiệm sống. Thế hệ trẻ có điều kiện được đi du học, được tiếp cận với các kiến thức mới nhất từ quốc tế. Tuy nhiên, điều quan trọng không kém cũng cần được chú trọng đào tạo là các kỹ năng con người thành công bởi doanh nghiệp, theo ông Bình, cũng chính là con người. Muốn thành công phải sống trong thế giới con người chứ không phải thế giới ảo.
Thứ ba là có sự khác biệt. Ông Bình cho biết ông không tập võ nhưng khi biết ông Mai Hữu Tín tập võ thì rất trân quý vì ông có thể học được điều gì đó. Mỗi người sẽ có một điểm mạnh, một điểm khác biệt và các phẩm chất này sẽ được phát huy trong thực tế điều hành doanh nghiệp.
Thứ tư là có kiến thức xã hội. Lãnh đạo các doanh nghiệp càng tầm cỡ thì kiến thức xã hội lại càng quan trọng. Những người có nhiều trải nghiệm và kiến thức thường có khả năng đưa ra quyết định nhanh và chính xác.
Thứ năm là các mối quan hệ. Quan hệ lớn là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp.