Chính thức dừng khai báo y tế nội địa
Sau khi tạm ngừng yêu cầu khai báo y tế đối với người nhập cảnh từ ngày 27-4, Bộ Y tế vừa tiếp tục bãi bỏ quy định khai báo y tế nội địa trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc
Bộ Y tế vừa có thông báo tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế nội địa, gồm: khai báo di chuyển nội địa, nơi công cộng, nhà hàng, điểm vui chơi...; đồng thời tiếp tục duy trì các hoạt động giám sát, phát hiện sớm và điều tra, xử lý ổ dịch Covid-19 theo đúng hướng dẫn. Ngoài ra, nhấn mạnh mục tiêu đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động cập nhật các tài liệu truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch Covid-19 cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Thông báo trên được Bộ Y tế đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc với số ca nhiễm, tử vong giảm rõ rệt và tỉ lệ bao phủ vắc-xin ở mức cao. Đến chiều 5-5, Việt Nam đã tiêm được hơn 215,1 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19, cơ bản phủ đủ 2 mũi cho nhóm dân số từ 12 tuổi trở lên. Ngoài ra, cả nước tiêm được hơn 1,5 triệu mũi vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Hiện các địa phương đang tăng tốc tiêm vắc-xin mũi 3 và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trong khi đó, số ca nhiễm mới ghi nhận tiếp tục giảm nhanh với khoảng 3.000 ca mỗi ngày; số người tử vong chỉ còn 1-3 ca/ngày.
Thời gian qua, nhiều người đã coi Covid-19 như bệnh thông thường khi hầu hết biểu hiện bệnh chỉ nhẹ nhàng như mắc cảm cúm. Từ thực tế này, nhiều quy định phòng chống dịch đã được nới lỏng, như: bỏ cách ly người tiếp xúc gần (F1); ngừng yêu cầu khai báo y tế với người nhập cảnh; không bắt buộc thực hiện nguyên tắc 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung đông người và khai báo y tế) và mới nhất là bỏ khai báo y tế nội địa.
Sau khi bỏ khai báo y tế đối với người nhập cảnh và nội địa, nhiều ý kiến cho rằng quy định 5K cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Trả lời báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay với nguyên tắc 5K, ngay từ đầu, bộ không yêu cầu cứng nhắc mà áp dụng linh hoạt để bảo đảm hiệu quả. Trong đó, 2K gồm đeo khẩu trang và khử khuẩn vẫn phải làm thường xuyên; 3K còn lại gồm khoảng cách, không tập trung đông người và khai báo y tế có thể áp dụng linh hoạt. Như thế, tùy theo đặc thù từng đơn vị, bộ - ngành, địa phương, có thể áp dụng nguyên tắc 5K sao cho phù hợp.
Trước đó, hồi đầu tháng 3, Bộ Y tế đề xuất dừng thông báo số ca mắc Covid-19 hằng ngày để tránh gây hoang mang. Mặt khác, số ca mắc Covid-19 cũng chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh. Nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất tạm dừng công bố số ca mắc mới với lý do số liệu được công bố chưa chính xác, không đúng với thực tế.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, số ca mắc mới là 1 trong 8 chỉ số đánh giá cấp độ dịch, chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh. Vì vậy, khi công bố thông tin, chỉ cần thông báo số ca nặng, tử vong và khả năng đáp ứng của hệ thống y tế. Tuy nhiên, dù bỏ "đếm" ca bệnh thì các cơ quan y tế vẫn phải nắm số ca nhiễm để đánh giá được xu thế của dịch và có biện pháp xử trí.
Mới đây, khi đưa ra 2 phương án ứng phó với dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2023, Bộ Y tế nhấn mạnh vắc-xin là biện pháp hữu hiệu trong việc giảm nguy cơ chuyển nặng, tử vong do Covid-19. Bộ Y tế cũng dự báo thời gian tới, dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến khó lường, không loại trừ khả năng xuất hiện các biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn. Do đó, Bộ Y tế đã tổ chức họp các hội đồng chuyên môn và có hướng dẫn về tiêm vắc-xin mũi 4 với một số đối tượng nguy cơ cao, tiêm mũi 3 cho nhóm từ 12-17 tuổi.
Khẳng định vắc-xin Covid-19 vẫn là vũ khí chiến lược, là "lá chắn" quan trọng nhất trong phòng chống dịch và là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy mạnh, thần tốc hơn nữa trong việc tiêm vắc-xin cho các đối tượng theo chỉ định.
Đề xuất F0 cách ly tại nhà được thi tốt nghiệp THPT
Góp ý phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2022 cho các thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ Y tế đề xuất thí sinh thuộc diện tiếp xúc gần (F1) được tham dự kỳ thi cùng với những em không bị ảnh hưởng bởi dịch. Thí sinh thuộc diện ca bệnh giám sát (ca bệnh nghi ngờ) được thi tại phòng riêng, đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch.
Với thí sinh là ca bệnh xác định (F0) đang được theo dõi, điều trị nội trú tại cơ sở y tế trong thời gian diễn ra kỳ thi, Bộ Y tế đề xuất cho đặc cách công nhận tốt nghiệp THPT hoặc được tổ chức thi vào đợt khác nếu có nguyện vọng.
Nếu thí sinh là F0 đang được theo dõi, cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú trong thời gian diễn ra kỳ thi, Bộ Y tế đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp. Trường hợp có nguyện vọng dự thi, phải có đơn xin dự thi của thí sinh và ký xác nhận đồng ý của phụ huynh hoặc người giám hộ, trong đó có nội dung thí sinh cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Hội đồng thi tổ chức cho thí sinh thuộc diện này thi tại phòng riêng, đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/chinh-thuc-dung-khai-bao-y-te-noi-dia-20220505211236024.htm