Chính thức giao dịch chứng quyền có bảo đảm

Sáng nay 28-6, Sở Giao dịch CK TPHCM (HOSE) đã chính thức đưa vào vận hành sản phẩm Chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant - CW).

CW là CK cho phép người sở hữu có quyền (không phải là nghĩa vụ) bán hoặc mua tài sản tài chính cơ sở (thường là CP, chỉ số) tại một mức giá được xác định trước, vào hoặc trước một thời điểm được xác định.

CW là một sản phẩm phổ biến tại nhiều TTCK trên thế giới với các tên gọi khác nhau như: Covered Warrant (Anh, Đức, Úc, Canada), Chứng quyền phái sinh - Derivatives Warrant (Hồng Công, Thái Lan), Chứng quyền cơ cấu - Structured Warrant (Malaysia), Chứng quyền mua/bán - Call/put Warrant (Đài Loan), Chứng quyền gắn với CP - Equity-linked warrant (Hàn Quốc).

Theo định nghĩa tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ, chứng quyền có bảo đảm là CK có tài sản đảm bảo do CTCK phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) CP cơ sở (bao gồm CP, chỉ số hoặc chứng chỉ quỹ ETF) cho tổ chức phát hành chứng quyền đó, theo một mức giá đã được xác định trước, tại hoặc trước một thời điểm đã được ấn định, hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá CK cơ sở tại thời điểm thực hiện.

Đối với NĐT, Chứng quyền có bảo đảm sẽ cung cấp thêm một công cụ phòng ngừa rủi ro cũng như là gia tăng lựa chọn về sản phẩm đầu tư với khoản chi phí thấp hơn so với CP hay chứng chỉ quỹ. NĐT có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận từ sản phẩm có tính đòn bẩy cao này bằng việc áp dụng linh hoạt nhiều chiến lược đầu tư theo ý muốn như đầu tư, đầu cơ, phòng vệ vị thế và quản lý danh mục đầu tư.

Đối với CTCK, việc tham gia phát hành chứng quyền sẽ tạo điều kiện để CTCK mở rộng hoạt động kinh doanh và gia tăng doanh thu cho chính mình như: nghiệp vụ phát hành sản phẩm đầu tư, môi giới với nhiều nguồn khách hàng tiềm năng trong và ngoài nước.

Theo các chuyên gia CK, việc triển khai Chứng quyền có bảo đảm sẽ góp phần hoàn thiện cấu trúc TTCK nói chung vốn chỉ đang giao dịch với các sản phẩm cơ bản là CP, trái phiếu, chứng chỉ quỹ. Đặc biệt, sản phẩm chứng quyền bán (put warrant) được giao dịch trên thị trường sẽ xóa tan các định kiến về TTCK Việt Nam vốn được đánh giá là thị trường giao dịch 1 chiều. Khi giá CP tăng nhà đầu tư ồ ạt mua vào, khi giá CP giảm NĐT bán tháo như một cách nhấn chìm giá của thị trường.

Chứng quyền có bảo đảm cũng được kỳ vọng mang lại một luồng gió mới cho khối NĐTNN trong việc nâng cao khả năng tìm kiếm cơ hội đầu tư đối với các công ty niêm yết có kết quả kinh doanh tốt mà nếu chỉ bằng giao dịch bằng CP vật chất, các CP chưa nới room ngoại là những rào cản lớn.

Trong giai đoạn đầu, sản phẩm Chứng quyền có bảo đảm được triển khai là chứng quyền mua, thực hiện quyền theo kiểu châu Âu. Tại thời điểm phiên giao dịch đầu tiên, có 10 mã chứng quyền của 7 tổ chức phát hành được niêm yết và giao dịch trên HOSE, với tổng khối lượng niêm yết đạt 21,9 triệu chứng quyền.

Phát biểu tại buổi lễ khai trương, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đã đánh giá cao nỗ lực của HOSE và các đơn vị liên quan từ khâu nghiên cứu và thiết kế sản phẩm, xây dựng hành lang pháp lý và quy chế hoạt động, cho đến việc thực hiện công tác chuẩn bị cho các thành viên thị trường và NĐT. Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành, tăng cường giám sát công tác phát hành, hoạt động giao dịch trên thị trường, đảm bảo thị trường vận hành ổn định, bảo vệ lợi ích của NĐT.

Hải Hồ

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chung-khoan/chinh-thuc-giao-dich-chung-quyen-co-bao-dam-69613.html