Chính thức hóa nội dung đã chín, được thực tế kiểm nghiệm và có đồng thuận cao

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) tại phiên họp chuyên đề pháp luật sáng qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu, Nghị quyết khi ban hành phải khả thi, giải quyết được những vấn đề từ thực tiễn, nâng cao chất lượng kỳ họp, rút ngắn tối đa thời gian kỳ họp, chuyển trọng tâm 'Quốc hội tham luận sang thảo luận', nâng cao vai trò, trách nhiệm đại biểu Quốc hội.

"Quốc hội làm hết việc, chứ không hết giờ!"

Theo Tờ trình, dự thảo Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) lần này gồm 24 vấn đề mới, trong đó có 5 vấn đề còn ý kiến khác nhau. Về vai trò của Chủ tọa, người điều hành phiên họp (các Điều 16, 17, 18 và 19 dự thảo Nội quy), Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc bổ sung quy định về quyền của Chủ tọa, người điều hành phiên họp trong việc điều hành linh hoạt phiên họp toàn thể tại hội trường như thể hiện trong dự thảo Nội quy Kỳ họp. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, Ban soạn thảo tổng kết thực tiễn điều hành các phiên họp của Quốc hội để nghiên cứu, quy định cụ thể hơn các trường hợp cần thiết, Chủ tọa hoặc người điều hành phiên họp đề nghị Quốc hội quyết định kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu hoặc giải trình.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)
Ảnh: Hồ Long

Phải mở rộng dân chủ, tăng tính pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, công khai, minh bạch, khoa học, hợp lý và hiệu quả - muốn bổ sung, sửa đổi gì vẫn phải đảm bảo việc này. Quốc hội là cơ quan dân cử. Dân chủ là một trong những đặc trưng hoạt động của Quốc hội, cơ quan nào cũng có, nhưng đặc biệt là Quốc hội. Quốc hội là cơ quan lập hiến và lập pháp, nên vấn đề pháp luật phải là hàng đầu, ngày càng phải chuyên nghiệp, hiện đại, bảo đảm tính công khai, minh bạch, khoa học và hợp lý, thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế. Sửa Nghị quyết lần này, chúng ta chính thức hóa một số nội dung đã làm, Quốc hội đã đồng ý cho làm và yêu cầu phải thích ứng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Cũng có ý kiến đề nghị không nên quy định việc điều chỉnh thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội, vì quyền phát biểu tại phiên họp là quyền quan trọng của đại biểu, là phương thức thể hiện tính chất dân chủ trong hoạt động của Quốc hội. Do đó, cần bảo đảm đủ thời gian cần thiết để đại biểu phát biểu tại hội trường, bảo đảm sự bình đẳng giữa các đại biểu thông qua việc áp dụng nguyên tắc phát biểu theo đúng thứ tự đăng ký. Trường hợp có nhiều đại biểu đăng ký phát biểu, thì có thể kéo dài thời gian phiên họp để bảo đảm tất cả đại biểu đăng ký đều được phát biểu.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với quy định của dự thảo là người điều hành phiên họp có quyền linh hoạt điều hành phiên họp, có thể mời đại biểu phát biểu không theo thứ tự đăng ký và quyết định kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu hoặc giải trình. Kinh nghiệm hoạt động của nhiều khóa Quốc hội trước đây cho thấy, vai trò điều hành của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội là rất quan trọng, vừa phải bảo đảm tính nguyên tắc, vừa phải bảo đảm sự linh hoạt nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của các phiên họp, thảo luận trên hội trường. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, cần quy định cụ thể hơncác trường hợp cần thiết, Chủ tọa hoặc người điều hành phiên họp đề nghị Quốc hội quyết định cho kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu hoặc giải trình; quyền dừng phần trả lời chất vấn của thành viên Chính phủ khi trả lời không đúng trọng tâm nội dung, hoặc quyền thay đổi thứ tự phát biểu của đại biểu theo hướng ưu tiên những đoàn đại biểu Quốc hội chưa được phát biểu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, quy định về vai trò của Chủ tọa, người điều hành không nên quá cứng nhắc, quá chặt chẽ vì điều hành phải làm sao tạo được không khí vừa thảo luận, vừa tranh luận trong Quốc hội, phiên thảo luận phải bảo đảm sự sôi động nhưng cũng tránh trùng lắp về nội dung, nhất là các phiên thảo luận kinh tế - xã hội.

Lấy ví dụ từ thực tiễn điều hành, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nên chăng phải tính cả trường hợp trong Nội quy có quy định để dành quyền linh hoạt cho Chủ tọa và quyền linh hoạt cho Quốc hội. "Chúng ta phải thực hiện phương châm Quốc hội làm hết việc chứ không phải hết giờ". Nhấn mạnh tinh thần này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thực tế Quốc hội Khóa XIII và XIV đã có một số phiên họp ở hội trường kéo dài thời gian thảo luận. Theo đó, nếu đại biểu Quốc hội đồng ý, với những phiên họp còn nhiều ý kiến đăng ký phát biểu, thấy cần thiết và đang còn ý kiến phải làm rõ thêm thì Quốc hội không phải chỉ họp đến 17h là kết thúc, mà có thể là 17h30, 18h, thậm chí là đến 19h. Đây được coi như một cải tiến, giải pháp rất mới trong hoạt động của Quốc hội. "Chúng ta mở rộng quyền của đại biểu là chỗ này".

Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, trong Nội quy Kỳ họp Quốc hội nên có quy định để linh hoạt cho đại biểu và người chủ trì, cụ thể là cho phép đại biểu phát biểu ngắn hơn quy định 7 phút, nhưng mức tối thiểu ít nhất là 5 phút. Thực tế cho thấy, các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội khác với các phiên họp khác, "ngắn quá không nói được". Do đó, việc "kéo dài thời gian ngày họp và phiên họp theo tinh thần Quốc hội làm hết việc chứ không phải làm hết giờ với điều kiện được Quốc hội biểu quyết đồng ý", Chủ tịch Quốc hội gợi mở.

Nhiều ý kiến tán thành việc giữ quy định hiện hành về thời gian phát biểu tối đa của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể không quá 7 phút
Ảnh: Hồ Long

Nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian - hai việc đều có thể phấn đấu được

Một trong những nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, đề xuất giải pháp khi thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) sáng qua liên quan đến yêu cầu làm thế nào để rút ngắn thời gian kỳ họp, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng của kỳ họp.

Chất lượng kỳ họp phải được nâng lên, thời gian kỳ họp thì phải rút ngắn tối đa - hai việc "tưởng là mâu thuẫn nhau nhưng cũng đều có thể phấn đấu được". Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Quốc hội các khóa đều phấn đấu theo mục tiêu này và Quốc hội Khóa XV tiếp tục phấn đấu để nâng cao chất lượng kỳ họp, đồng thời rút ngắn thời gian kỳ họp.Từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, có những kỳ họp, như Kỳ họp thứ Ba vừa qua, mặc dù phải giải quyết rất nhiều công việc, nhưng thời gian làm việc có 19 ngày; hay Kỳ họp thứ Hai diễn ra trong 9 ngày rưỡi, giải quyết rất nhiều công việc quan trọng khác nhau. Dẫn ví dụ từ thực tế, Chủ tịch Quốc hội đúc rút: "Ngoài việc cải tiến về Nội quy thì việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho các nội dung là một điều kiện rất quan trọng để chúng ta nâng cao chất lượng và tiết kiệm tối đa thời gian của kỳ họp".

Có thể thấy, để thích ứng với bối cảnh dịch Covid-19 và yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực các hoạt động của Quốc hội, thời gian qua, nhiều cải tiến, đổi mới đã được áp dụng và cho thấy hiệu quả trên thực tế. Do đó, "chúng ta cần phải chính thức hóa những nội dung đã chín, đã rõ và được thực tế kiểm nghiệm và có đồng thuận cao; nội dung nào chưa chín, chưa rõ, chưa được thực tế kiểm nghiệm, chưa đồng thuận thì chúng ta nên cân nhắc để lại". Lưu ý quan điểm chỉ đạo với việc sửa đổi Nội quy Kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, "dù là điều khoản nào đi nữa thì đều phải bám sát tinh thần này; do đó, kể cả trong tờ trình, đề án cũng như báo cáo thẩm tra phải nhấn mạnh những điều này làm nguyên tắc để chúng ta soi lại những điều, khoản chi tiết cụ thể".

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/chinh-thuc-hoa-noi-dung-da-chin-duoc-thuc-te-kiem-nghiem-va-co-dong-thuan-cao-i298166/