Chính thức sửa đổi mã đối tượng trên BHYT
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều việc ban hành mã số ghi trên thẻ BHYT. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/12/2023.
Sửa đổi mã đối tượng trên BHYT
Cụ thể, theo quyết định 1697 sửa đổi các mã đối tượng trên thẻ BHYT của nhóm do ngân sách Nhà nước đóng tại quyết định 1351 gồm:
KC: Người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trừ các đối tượng được cấp mã CC, CK và CB (áp dụng từ ngày 19/10/2023).
BT: Người thuộc diện hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật và trợ giúp xã hội.
HN: Người thuộc hộ gia đình nghèo theo chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2022-2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chuẩn nghèo áp dụng cho từng giai đoạn.
TS: Thân nhân của liệt sĩ bao gồm: cha đẻ; mẹ đẻ; vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi liệt sĩ.
TC: Thân nhân của người có công.
PV: Người phục vụ người có công đang sống ở gia đình.
Bổ sung mã đối tượng trên BHYT
Ngoài ra, quyết định còn bổ sung mã đối tượng trên thẻ BHYT của nhóm do ngân sách Nhà nước đóng như:
CT: Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.
ND: Người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ (áp dụng từ ngày 19/10/2023).
TG: Vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại tiết a khoản 10 Điều 16 của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
AK: Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú (mà không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 Luật BHYT).
Quyết định 1697/QĐ-BHXH có hiệu lực thi hành từ ngày 3/12/2023.
Đến năm 2030, 60% số người sau tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu BHXH
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2030, xây dựng hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; tạo cơ hội cho nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục, nhà ở…
Chỉ tiêu chủ yếu được Trung ương đề ra, đến năm 2030, bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo toàn diện cả vật chất và tinh thần, có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Tỷ lệ thất nghiệp chung dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%. Cùng với đó, 60% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội và 45% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Xây dựng được ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội
Nghị quyết cũng đưa ra chỉ tiêu, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,5%, cấp trung học cơ sở tối thiểu đạt 95%, cấp trung học phổ thông và tương đương tối thiểu đạt 75%; tối thiểu 90% tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; tuổi thọ trung bình của người dân khoảng 75 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 68 năm;
Bên cạnh đó, có trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế; trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được bảo hiểm y tế chi trả; trên 95% dân số được quản lý sức khỏe.
Nghị quyết cũng xác định, đến năm 2030, xây dựng được ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp; xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.
Diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc đạt khoảng 30m2 sàn/người. 100% hộ gia đình ở thành thị và 80% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn…
Đến năm 2045, hệ thống chính sách xã hội phát triển toàn diện, bền vững, tiến bộ và công bằng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước và xây dựng con người Việt Nam toàn diện.
Bộ Chính trị ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết; lãnh đạo triển khai đồng bộ, kịp thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị về chính sách xã hội.
Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/chinh-thuc-sua-doi-ma-doi-tuong-tren-bhyt-d44353.html