Chính thức tổng kiểm kê tài sản công trên cả nước

Từ ngày 1/1/2025, khoảng 100.000 đơn vị trên cả nước chính thức thực hiện tổng kiểm kê tài sản công (TSC). Mục tiêu của việc kiểm kê là để nắm được thực trạng TSC về mặt số lượng, giá trị, cơ cấu, hiện trạng sử dụng..., làm cơ sở để hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng TSC.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, thực hiện theo Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 1/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tổng kiểm kê TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý, từ ngày 1/1/2025, khoảng 100.000 đơn vị trên cả nước bước vào đợt kiểm kê TSC.

Tổng kiểm kê TSC là nhiệm vụ chính trị lớn trong năm 2025 của Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương.

Tổng kiểm kê TSC là nhiệm vụ chính trị lớn trong năm 2025 của Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương.

Trong đợt này, nhiều loại tài sản khác nhau được kiểm kê như: Trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp (gồm cả quyền sử dụng đất xây dựng trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp); ô tô; tài sản cố định đặc thù; tài sản cố định khác; tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (đường sắt, đường bộ, hàng không, đường thủy nội địa, hàng hải); kết cấu hạ tầng cấp nước sạch, thủy lợi, chợ, cụm công nghiệp, khu công nghiệp… Trong đó, có những tài sản chưa có quy định về chế độ hạch toán, tính hao mòn, khấu hao tài sản; trình độ của cán bộ thực hiện kiểm kê trong việc xác định các chỉ tiêu kiểm kê, xác định tài sản kiểm kê và sử dụng phần mềm không đồng đều.

Đây không phải là lần đầu tiên công tác tổng kiểm kê TSC được thực hiện. Từ năm 1998, cả nước đã thực hiện tổng kiểm kê TSC, tuy nhiên, việc kiểm kê chỉ thực hiện đối với tài sản cố định trong khu vực hành chính sự nghiệp.

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, việc thực hiện tổng kiểm kê là nhiệm vụ chính trị lớn của Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương trong năm 2024 và 2025 để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý, sử dụng, khai thác, huy động có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng.

Đợt này, thời gian diễn ra tổng kiểm kê trùng với thời gian tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Hơn nữa, đây cũng chính là thời điểm cả nước đang thực hiện sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở và thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Trong khi đó, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa đầy đủ, chưa chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện. Còn hiện tượng “khoán trắng” công việc cho cấp dưới…

Để các bộ, ngành, địa phương thuận lợi trong thực hiện kiểm kê, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch triển khai tổng kiểm kê TSC; rà soát pháp luật, khảo sát thực tế, xây dựng biểu mẫu, chỉ tiêu kiểm kê, tiến hành kiểm kê thử nghiệm; xây dựng Phần mềm tổng kiểm kê TSC để phục vụ việc kiểm kê, báo cáo kiểm kê và tổng hợp số liệu kiểm kê; ban hành các biểu mẫu, chỉ tiêu kiểm kê, cách thức tổng hợp kết quả tổng kiểm kê và các nội dung cần thiết khác phục vụ công tác kiểm kê...

Đặc biệt, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, Cục Quản lý công sản đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kiểm kê cho các bộ, ngành, địa phương. Bộ Tài chính đã có các văn bản đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn việc tăng cường hạch toán, quản lý tài sản phục vụ công tác kiểm kê; thiết lập chuyên trang về tổng kiểm kê TSC trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính, Thời báo Tài chính Việt Nam; xây dựng các video hướng dẫn từng bước thao tác, nghiệp vụ kiểm kê theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Bên cạnh đó, Cục Quản lý công sản đã công bố danh sách lãnh đạo và công chức của Cục để hỗ trợ thường xuyên, cũng như cử cán bộ trực tiếp tập huấn cho từng bộ, ngành, đơn vị.

Về phía các bộ, ngành, địa phương cũng đã rất tích cực cho việc tổng kiểm kê TSC khi thành lập Ban Chỉ đạo tổng kiểm kê; ban hành Kế hoạch triển khai tổng kiểm kê và triển khai tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết thêm, theo kế hoạch, đến ngày 31/3/2025, các bộ, ngành, địa phương hoàn tất việc kiểm kê; đến ngày 15/6/2025, các bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo về Bộ Tài chính; đến ngày 31/7/2025, Bộ Tài chính hoàn thành tổng hợp kết quả báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

“Các số liệu, thông tin, kết quả của tổng kiểm kê sẽ được sử dụng để xây dựng chiến lược, kế hoạch và là nền tảng để ra các quyết định về quản lý đối với TSC. Đồng thời, các số liệu, thông tin này cũng giúp các cơ quan quản lý, các cấp, ngành, địa phương đánh giá lại thực trạng quản lý, sử dụng TSC tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị xem đã làm tốt hay chưa. Đặc biệt, các thông tin về TSC sẽ giúp hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong quản lý, sử dụng TSC trong thời gian tới”, ông Thịnh cho biết.

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/chinh-thuc-tong-kiem-ke-tai-san-cong-tren-ca-nuoc-i755246/