Chính thức vận hành Trung tâm xác thực điện tử

Chiều 1/7, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an tổ chức Lễ phát động triển khai Luật Căn cước năm 2023 và Nghị định số 69/2024 về định danh và xác thực điện tử. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH chủ trì lễ phát động.

Để đảm bảo tiến độ về pháp lý, hệ thống, hạ tầng, dữ liệu, nhân lực, và vận lực triển khai Luật Căn cước từ ngày 1/7, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH đã chủ động tham mưu Chính phủ, Bộ Công an ban hành 2 Nghị định, 4 Thông tư; nâng cấp, chuyển đổi hệ thống từ Trung ương tới địa phương với việc cập nhật gần 12 nghìn điểm. Triển khai nâng cấp phần mềm thu nhận, phần mềm cập nhật thông tin dân cư và định danh điện tử; đồng thời cấp phát thiết bị thu nhận cho các đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH.

Cũng tại hội nghị, trên cơ sở triển khai Nghị Định 69 ngày 25/6/2024 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã xây dựng Trung tâm Xác thực điện tử và chính thức đưa vào vận hành từ ngày 1/7. Từ việc khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân, ứng dụng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, Trung tâm Xác thực điện tử cung cấp 4 nhóm dịch vụ, khi đi vào hoạt động được kỳ vọng giải quyết các nhu cầu cấp thiết của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, đóng góp quan trọng vào thực hiện thành công đề án 06 và chương trình chuyển đổi số Quốc gia.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH và các đại biểu bấm nút công bố triển khai Luật Căn cước và dịch vụ xác thực điện tử.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH và các đại biểu bấm nút công bố triển khai Luật Căn cước và dịch vụ xác thực điện tử.

Phát biểu tại lễ phát động, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết, công dân có thể đăng ký và sử dụng các tiện ích từ tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng định danh điện tử (VNEID).

Việc định danh chính xác cá nhân trên môi trường số là bước chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, thương mại điện tử và các nền tảng kinh doanh dịch vụ, lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích chính, đặc biệt giúp cho việc minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp trên môi trường điện tử.

Những công dân đầu tiên được nhận thẻ Căn cước, Giấy Chứng nhận căn cước mới.

Những công dân đầu tiên được nhận thẻ Căn cước, Giấy Chứng nhận căn cước mới.

Cũng tại buổi lễ, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cũng tiến hành trao thẻ Căn cước, Giấy Chứng nhận căn cước cho 10 công dân là người dưới 6 tuổi, người từ 6 tuổi trở lên và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.

Căn cước cấp cho Công dân trong độ tuổi từ 6 đến dưới 14 tuổi.

Căn cước cấp cho Công dân trong độ tuổi từ 6 đến dưới 14 tuổi.

Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết, theo quy định của Luật Căn cước năm 2023, người dân khi làm thủ tục cấp thẻ sẽ được thu thập thông tin sinh học mống mắt, bên cạnh vân tay và ảnh khuôn mặt. Việc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người (trong các trường hợp khuyết tật, vân tay bị biến dạng...).

Một công dân sinh tại Malaysia được cấp giấy chứng nhận căn cước.

Một công dân sinh tại Malaysia được cấp giấy chứng nhận căn cước.

Đối với thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói, sẽ được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc.

Thông tin ADN được sử dụng để xác minh danh tính trong những hoàn cảnh éo le như thiên tai, tai nạn, hỏa hoạn, hỗ trợ nhận diện người thân... góp phần dự phòng biến cố, bình ổn xã hội.

Cán bộ Công an thu thập sinh trắc học mống mắt của Công dân.

Cán bộ Công an thu thập sinh trắc học mống mắt của Công dân.

Luật Căn cước mới mở rộng đối tượng được thu nhận hồ sơ, cấp căn cước cho công dân dưới 6 tuổi, từ 6 đến dưới 14 tuổi và từ 14 tuổi trở lên.

Với công dân dưới 6 tuổi, để cấp cho đối tượng này, người đại diện hợp pháp của người dưới 6 tuổi làm thủ tục thông qua Cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia, cơ quan chức năng không thu nhận thông tin nhận dạng và sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.

Công dân tích hợp giọng nói vào cơ sở dữ liệu căn cước.

Công dân tích hợp giọng nói vào cơ sở dữ liệu căn cước.

Thẻ căn cước có giá trị tương đương thẻ căn cước công dân. Với công dân đang sử dụng thẻ căn cước công dân còn thời hạn sử dụng vẫn được sử dụng đến khi hết hạn mới phải đổi sang thẻ căn cước, trừ trường hợp công dân có nhu cầu đổi từ thẻ Căn cước công dân sang thẻ căn cước.

Công dân lấy mẫu sinh trắc học ADN để tích hợp vào cơ sở dữ liệu căn cước.

Công dân lấy mẫu sinh trắc học ADN để tích hợp vào cơ sở dữ liệu căn cước.

Luật Căn cước mới sẽ giúp hoàn thiện pháp luật, đáp ứng thực tiễn về quản lý dân cư, cải cách hành chính, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Cũng theo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Công dân đề nghị tích hợp, cập nhật, điều chỉnh thông tin trên thẻ căn cước thông qua cổng dịch vụ Công quốc gia; Cổng dịch vụ Công Bộ Công an, Ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý căn cước.

M.Hiền - N.Thắng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/chinh-thuc-van-hanh-trung-tam-xac-thuc-dien-tu-i736113/