Chính trị gia trẻ 'vụt sáng' khiến ông Macron đau đầu
Aurélien Pradíe - nghị sĩ 37 tuổi - vừa góp phần khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải đối mặt với làn sóng biểu tình lớn nhất trong nhiệm kỳ thứ hai.
Chỉ trong vòng vài tuần, một chính trị gia bỗng vụt sáng để trở thành một trong những “ngôi sao” nổi bật nhất trên sân khấu chính trị Pháp: Aurélien Pradíe, nghị sĩ thuộc đảng Những người Cộng hòa đến từ tỉnh Lot, Tây Nam nước Pháp, BBC cho biết.
Hồi tháng 3, ông Pradíe giáng một đòn đau vào kế hoạch cải cách hưu trí của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi từ chối ủng hộ kế hoạch.
Quan điểm của ông đi ngược lập trường của đảng Những người Cộng hòa, vốn ủng hộ chính phủ sau khi nhận được nhượng bộ lớn.
Nhiều nghị sĩ trong đảng theo bước ông Pradíe. Do đó, đạo luật không thể có được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ. Chính phủ Pháp buộc phải sử dụng một quy định gây tranh cãi trong hiến pháp để thông qua đạo luật, động thái trực tiếp châm ngòi cho các cuộc biểu tình lớn trên khắp nước Pháp.
Đây không phải lần duy nhất ông Pradíe hành động ngược lại với lập trường của đảng mình: Ông tiếp tục bỏ phiếu nhằm lật đổ chính phủ của ông Macron trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm sau đó. Ông đã suýt thành công: Chính phủ chỉ trụ vững với chỉ 9 phiếu phản đối kém mốc cần thiết.
Bí quyết của nghị sĩ trẻ
Ông Pradíe trở thành nghị sĩ Pháp ở độ tuổi tương đối trẻ - 31 tuổi - tại khu vực vốn là căn cứ địa của phe cánh tả.
Một trong những bí quyết thành công của ông Pradíe tương đối cổ điển: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Trong chiến dịch tranh cử đầu tiên, ông Pradíe thậm chí đi môtô vì không có đủ tiền mua ôtô.
Chia sẻ với BBC khi tham dự một hội chợ ở quê nhà Bétaille, một ngôi làng tại tỉnh Lot, ông Pradíe cho biết những sự kiện như vậy là cách chính trị gia này hiểu được suy nghĩ của người dân.
“Đây là nơi tôi thu thập những điều về cuộc sống thường ngày của người dân”, ông nói. “Gần đây, đời sống chính trị đã bị ‘đầu độc’ bởi sự mất kết nối giữa giới chính trị gia và người dân. Tại đây, mọi người không nói dối - họ nói những gì họ nghĩ. Mọi thứ không phải lúc nào cũng dễ dàng: Đôi lúc tôi bị hét vào mặt”.
Tại Bétaille, ông Pradíe được đối xử như một ngôi sao. Phong cách thẳng thắn của ông được người dân ủng hộ.
“Trong vấn đề cải cách hưu trí, tôi nghĩ (ông Pradíe) đã làm điều đúng đắn”, ông Philippe Labarthe, một nông dân sản xuất mật ong, nói với BBC. “Ít nhất ông ấy có niềm tin và giữ vững niềm tin này. Kể cả nếu tôi không đồng tình với ông ấy, tôi cũng sẽ phải thừa nhận”.
Trong khi đó, ông Benoît Jouclar, người điều hành một bảo tàng nông nghiệp, cho rằng ông Pradíe có vai trò quan trọng ở cả địa phương lẫn trên toàn nước Pháp.
“Ông ấy rất quan trọng với vùng của chúng tôi. Chúng tôi cần một người trẻ, sẵn sàng đấu tranh như vậy trong chính phủ. Ông ấy nói sự thật và chúng tôi hoàn toàn ủng hộ ông ấy”, ông Jouclar nói.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng thuận với nhận định trên. Ông Laurent Dubois, chuyên gia hàng đầu về chính trị miền Nam nước Pháp, cho rằng ông Pradíe vẫn còn cơ hội để tiếp tục phát triển, nhưng cơ hội đó sẽ không kéo dài.
“Lợi thế lớn của ông ấy là sự mới mẻ, nhưng thách thức lớn nhất với ông là việc đi đường dài - trong chính trị, những cái ‘mới’ thường trở nên lỗi thời”, ông Dubois phân tích.
Tham vọng lớn lao
Trong khi đó, bà Huguette Tiegna thuộc đảng Phục hưng (Renaissance) của Tổng thống Macron - nghị sĩ còn lại của tỉnh Lot - chỉ trích ông Pradíe là kẻ “cơ hội chủ nghĩa”, coi cải cách hưu trí là cơ hội để thăng tiến chính trị.
“Tôi xử lý các vấn đề quan trọng một cách chuyên sâu. Ông Pradíe thì thích nói”, bà Tiegna tuyên bố. “Đây thực sự là một vấn đề vì ông ấy chỉ nghĩ đến mình”.
Nhận định này bị ông Pradíe phản đối.
“Chính vì tôi không đến từ giới quyền uy và có niềm tin khác họ, tôi bị cáo buộc là kẻ cơ hội chủ nghĩa muốn trở nên nổi tiếng. Đây là điều kỳ cục nếu xét đến những lời chỉ trích mà tôi phải đối mặt. Nếu tôi muốn một cuộc sống dễ dàng, tôi đã đi theo con đường khác”, chính trị gia này tuyên bố.
Bất chấp nhấn mạnh sự kết nối với người dân, mục tiêu lúc này của ông Pradíe là vươn ra ngoài phạm vi khu vực.
Chính trị gia này đến nay vẫn chưa nói được tiếng Anh. Ông nhận ra đây là vấn đề khi danh tiếng của mình vượt ra ngoài phạm vi nước Pháp và khẳng định sẽ bắt đầu học tiếng Anh trong những tuần tới.
Ông Pradíe cũng ám chỉ đến khả năng sẽ ra tranh cử tổng thống trong tương lai.
“Tôi tin vào số mệnh trong chính trị”, ông nói. “Tôi không có sẵn suy nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ thành tổng thống, nhưng tôi mong người Pháp liên tục phải chọn giữa các ứng viên mà họ không mong muốn”.
Với các động thái “nổi loạn” hồi đầu năm nay, ông Pradíe mất chức phó chủ tịch đảng. Chính trị gia này sau đó tuyên bố đảng Những người Cộng hòa không nên trở thành thế lực chống đỡ cho Tổng thống Macron và đảng Phục hưng.
Ông tuyên bố bản thân muốn tạo ra một “cuộc cách mạng” trong phe cánh hữu khác, nhưng không tiết lộ thông tin chi tiết.
“Tôi nghĩ một trong những sai lầm lớn của phe cánh hữu Pháp trong những năm qua là bị người dân Pháp từ bỏ”, vị nghị sĩ nhận định, cho rằng các đảng cánh hữu không còn đại diện cho người lao động và tầng lớp trung lưu mà chỉ liên hệ với một nhóm có đặc quyền trong xã hội.
“Phe cánh hữu không thể giả bộ rằng mọi thứ đều ổn và che giấu vấn đề”, ông Pradíe nói. “Đôi khi những tổn hại bên lề là cái giá để xây lại một ngôi nhà.