Chính trị | QH-HĐND TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Sáng 10/12, đại biểu tiến hành thảo luận tại hội trường, các ý kiến tập trung vào những vấn đề: bảo vệ môi trường, chuyển nguồn ngân sách, lĩnh vực nông nghiệp... Phóng viên Báo Lai Châu Online giới thiệu tới bạn đọc.
*Sôi nổi thảo luận tại tổ
XÂY DỰNG SẢN PHẨM GẮN VỚI THƯƠNG HIỆU LAI CHÂU
Đại biểu Đào Xuân Huyên - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh: Vừa qua, tỉnh ta đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp, đếm nay, đã có nhiều doanh nghiệp đến khảo sát, ký kết hợp đồng. Lai Châu có tiềm năng về chè, mắc-ca, cao su… Tỉnh Lai Châu cũng có sản phẩm gạo rất ngon nhưng chưa tạo lập được thương hiệu.
Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao xây dựng sản phẩm nông nghiệp Lai Châu gắn với một thương hiệu cụ thể, đặc biệt đối với các loại gạo (séng cù, tẻ râu, tan pỏm…) và ở nhiều địa phương trong tỉnh. Xây dựng thương hiệu gạo mạnh sẽ đáp ứng về số lượng, chất lượng và thị trường, đây cũng là cơ hội để giới thiệu; nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao mức sống cho Nhân dân.
CẦN QUAN TÂM HƠN ĐẾN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Đại biểu Nguyễn Minh Hiệp - Phó Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh: Chúng ta có cơ chế, chính sách thu hút và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào địa bàn đầu tư các dự án thủy điện nhỏ và vừa. Thực tế một số nhà máy thủy điện được đầu tư đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả, đóng góp cho ngân sách địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công dự án, nhiều đơn vị chưa chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Cá biệt có nơi đổ thải đất, đá trực tiếp xuống khu vực sông, suối; quá trình thi công sử dụng chất nổ để khai thác đá, làm đường hầm... nên các hóa chất sinh ra từ loại thuốc nổ theo đất đá xuống nước gây ô nhiễm môi trường nước. Làm thay đổi dòng chảy, xói lở bờ sông, suối ảnh hưởng đến một phần diện tích đất sản xuất của Nhân dân. Một số công trình thi công làm giảm nguồn nước phục vụ canh tác, sinh hoạt của người dân...
Theo báo cáo của UBND tỉnh, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 115 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về môi trường, tăng 47 vụ so với năm 2020 nhưng tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường vẫn diễn ra, chưa có biện pháp xử lý đủ mạnh để mang tính răn đe (mới có 6 vụ xử lý hình sự). Đơn vị thi công chưa có biện pháp hiệu quả để giảm thiểu, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng gây ô nhiễm môi trường.
Do đó, đề nghị UBND tỉnh cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo các sở, ngành, UBND các cấp tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường hiệu quả, trong đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về môi trường.
CẦN CÓ GIẢI PHÁP GIẢM CHI CHUYỂN NGUỒN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG
Đại biểu Nguyễn Xuân Thức - Phó Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách, HĐND tỉnh: Thời gian qua, công tác chuyển nguồn kinh phí sang năm sau đã được quan tâm. Tuy nhiên, chuyển nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) sang năm sau để sử dụng còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, trong đó có những tồn tại lặp lại trong nhiều năm như: tỷ trọng chi chuyển nguồn trong chi cân đối ngân sách địa phương luôn ở mức cao, làm hạn chế hiệu quả chi NSNN. Số chi chuyển nguồn có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây và chưa có biểu hiện giảm.
Để gia tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN chuyển sang năm sau, tôi xin đề xuất một số giải pháp cơ bản: Các đơn vị sử dụng ngân sách lập dự toán NSNN sát thực, nguồn lực NSNN được bố trí đảm bảo đúng, đầy đủ các nhiệm vụ chi cần thiết, quan trọng, trong đó có sự ưu tiên các nhiệm vụ chi theo quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tiễn của mỗi đơn vị. Quá trình quản lý, sử dụng ngân sách bám sát dự toán đã được phê duyệt và việc chuyển nguồn kinh phí sang năm sau tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, các quy định hiện hành. Đối với các nguồn kinh phí thuộc các chương trình, dự án hết nhiệm vụ chi sớm báo cáo, chủ động chuyển trả ngân sách tỉnh hoặc báo cáo UBND các cấp điều chỉnh vốn kịp thời, tránh để hết năm ngân sách mới chuyển nguồn ngân sách.
Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên, HĐND các cấp. Đối với các cơ quan chuyên môn các cấp cần tăng cường công tác hướng dẫn các đơn vị dự toán trong quản lý, sử dụng kinh phí được giao đảm bảo theo quy định. Tham mưu cho UBND các cấp phân bổ ngân sách, bổ sung ngân sách kịp thời, tham mưu cho cấp có thẩm quyền điều chỉnh dự toán kịp thời để các đơn vị thực hiện có hiệu quả kinh phí được giao.
CÓ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ HỌC SINH BỊ ẢNH HƯỞNG THEO QUYẾT ĐỊNH 861
Đại biểu Tòng Thị Đoan - Trưởng Ban Dân tộc HĐND huyện Than Uyên: Thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh có 98 trường học/10.203 học sinh bị ảnh hưởng: chế độ ăn trưa và bán trú cho học sinh từ vùng III, II chuyển sang vùng II, vùng I.
Việc không được hỗ trợ ăn trưa, bán trú khiến việc duy trì sỹ số, tỷ lệ chuyên cần gặp nhiều khó khăn. Mong muốn UBND tỉnh sớm có phương án trình HĐND tỉnh để có chính sách hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho các trường, học sinh đang bị ảnh hưởng khi thực hiện Quyết định 861. Qua đó, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.