Chính trị TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XV, sáng nay (10/8), HĐND tỉnh tiến hành phiên thảo luận tại hội trường. Các đại biểu đã tham gia ý kiến, phân tích đa chiều, chỉ ra những tồn tại, vướng mắc trong quá trình điều hành, triển khai của các cấp, ngành, cơ sở. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến mang tính gợi mở giải pháp, phóng viên Báo Lai Châu Online lược ghi.

* Ngày làm việc thứ 2 : Nhiều nội dung quan trọng được đưa ra bàn, thảo luận

Sớm sửa đổi, bổ sung Quyết định số 37/2016/QĐ-UBND ngày 12/10/2016 của UBND tỉnh

Đại biểu Lò Văn Biên – Tổ đại biểu huyện Mường Tè: Ngày 12/10/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 37/2016/QĐ-UBND quy định phân cấp quản lý công tác tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh Lai Châu. Sau 5 năm thực hiện, các quy định này đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh có những sửa đổi, bổ sung quy định này cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Đồng thời, cũng tạo sự chủ động, trách nhiệm đối với người đứng đầu đơn vị trong công tác tuyển dụng và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Ví dụ: tại mục 2, 3, 5, 6 Điều 15 quy định thẩm quyền của Giám đốc Sở Nội vụ và Điều 16 quy định thẩm quyền của UBND cấp huyện, Giám đốc Sở và tương đương. Một số nội dung quy định tại hai điều này đều có sự ràng buộc, về mặt nguyên tắc là đúng, nhưng làm cho địa phương, đơn vị không chủ động được trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức, thực tế thực hiện rất mất thời gian. Vì vậy, nên chăng những nội dung này có thể giao thẩm quyền luôn cho chủ tịch UBND các huyện, thành phố quyết định và chịu trách nhiệm về việc này, đồng thời báo cáo UBND tỉnh qua Sở Nội vụ. Nếu quyết định sai, không đúng quy định thì đã có thanh tra, kiểm tra hàng năm. Hay việc điều động, bổ nhiệm chức danh Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn các huyện, hiện nay cũng chưa thấy trong quy định nên khi đơn vị thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Cần có giải pháp quyết liệt đối với nợ đọng thuế kéo dài của các doanh nghiệp

Đại biểu Nguyễn Xuân Thức – Tổ đại biểu huyện Sìn Hồ: Đến hết 30/6/2021, tổng nợ thuế của các doanh nghiệp là 324,984 tỷ đồng (gồm nợ khả năng thu là 287,266 tỷ đồng, nợ khó thu là 11,467 tỷ đồng, nợ điều chỉnh là 26,250 tỷ đồng) chiếm 16,9% so với tổng thu ngân sách, cao hơn so với quy định của Tổng cục Thuế 5%. Một số doanh nghiệp có số nợ cao như: Công ty TNHH xây dựng Hưng Hải (21,176 tỷ đồng), Công ty Cổ phần năng lượng Nậm Na 2 (35,552 tỷ đồng), Công ty Cổ phần đất hiếm Vimico (97 tỷ đồng). Cục thuế đã thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản và ngừng sử dụng hóa đơn. Về cơ cấu nợ, đến 30/6/2021 có 862 người nộp thuế nợ thuế, trong đó 675 doanh nghiệp, 31 đơn vị hành chính, 156 cá nhân và hộ kinh doanh.

Để giải quyết vấn đề này, vai trò của UBND tỉnh cần đứng ra giải quyết, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát các doanh nghiệp không có mặt, không hoạt động nếu giải thể được cần làm ngay, với doanh nghiệp đã phá sản thì chấp thuận cho phá sản để bỏ khỏi danh mục nợ đọng thuế. Với Công ty Cổ phần đất hiếm Vimico đang mắc nợ 97 tỷ đồng (do đơn vị chưa tìm được đối tác sản xuất, chưa được thuê đất, do đó chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến gặp khó khăn về tài chính) cần khoanh số nợ này không đưa vào số nợ thuế chung nữa. Ngoài ra, cơ quan thuế cần quyết liệt đưa ra các giải pháp cứng rắn hơn trong vấn đề thu nợ thuế của doanh nghiệp.

Hiệu quả từ chủ trương bố trí công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã

Đại biểu Phạm Hải Đăng – Tổ đại biểu huyện Sìn Hồ: Đến ngày 30/7/2021, Công an tỉnh đã bố trí 475 Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã, trong đó có 94 trưởng công an xã, 70 phó công an xã, 311 công an viên. Lực lượng công an chính quy đã và đang khẳng định vai trò, tầm quan trọng của mình trong công tác đảm bảo an ninh trật tự. Từ khi triển khai, bố trí công an chính quy đến cấp xã, các chỉ tiêu về an toàn xã hội, tội phạm giảm trên một số địa bàn; số vụ án kinh tế, ma túy, môi trường bắt giữ cao hơn năm trước theo chỉ tiêu của Bộ Công an. 6 tháng đầu năm 2021, Công an tỉnh đã bắt giữ 376 vụ án ma túy (tăng 56% so với năm 2020), trong đó lực lượng Công an xã đã đóng góp 40%/tổng số vụ án ma túy .

Trong thực hiện Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân có vai trò đóng góp rất lớn của lực lượng Công an xã. Ngoài ra, lực lượng Công an xã còn đóng góp lớn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Qua đó, tình hình an ninh trật tự tại địa bàn ở cơ sở được giữ vững, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp triển khai các đề án, nghị quyết về phát triển nông nghiệp

Đồng chí Đặng Văn Châu – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hiện nay, tỉnh đang thực hiện 2 Đề án: Phát triển rừng bền vững và Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Để thực hiện có hiệu quả các đề án, nghị quyết về phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở đã có các văn bản hướng dẫn cụ thể, nếu có vướng mắc sẽ tiến hành bàn bạc, tháo gỡ nếu thuộc thẩm quyền của Sở hoặc tham mưu cho UBND tỉnh để có hướng giải quyết.

Thời gian tới, Sở phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập Hội Nông sản tỉnh Lai Châu; soạn thảo sổ tay hướng dẫn, thành lập tổ xử lý vướng mắc, đường dây nóng để nắm bắt, trả lời, giải quyết những kiến nghị ở cơ sở; tổ chức phổ biến chính sách trực tuyến tới các xã. Ngoài ra, các cấp, ngành, MTTQ và các đoàn thể tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân, doanh nghiệp thực hiện đề án, chính sách phát triển nông nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, sự đồng thuận của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa. Đây là giải pháp quan trọng để bước đầu đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Sớm chi trả phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách

Đại biểu Mùa A Trừ - Tổ đại biểu huyện Phong Thổ: Theo Nghị quyết số 14/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và các chức danh khác ở cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Theo đó, thực hiện chi trả cho người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, bản, tổ dân phố là 13 triệu đồng/thôn, bản, tổ dân phố/năm; mức bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia là 50.000 đồng/buổi/người. Tuy nhiên hiện nay, việc chi trả hỗ trợ kinh phí hoạt động cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố tại một số địa phương chưa thực hiện, có nơi thực hiện nhưng chưa thống nhất. Đơn cử như: để thực hiện việc chi trả phải do trưởng bản chấm công trong khi để được hưởng thanh toán thì phải làm nhiều thủ tục, gây khó khăn trong việc chi trả hỗ trợ.

Do đó, tôi đề nghị chi trả cho người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, bản, tổ dân phố số tiền 13 triệu đồng chia cho 4 đoàn thể phải được thực hiện ngay, nếu để kéo dài thì các hoạt động của cơ sở sẽ không duy trì hoạt động được. Ngoài ra, tỉnh cần tham khảo thêm một số tỉnh khác để người hoạt động không chuyên trách có thêm nguồn hỗ trợ nhằm động viên họ thực hiện nhiệm vụ, giúp cho hoạt động ở cơ sở thực hiện tốt hơn.

Doanh nghiệp không nộp thuế sẽ đình chỉ hóa đơn, thu hồi giấy phép

Đồng chí Nguyễn Văn Chiến - Cục trưởng Cục thuế tỉnh: Tình hình nợ đọng thuế tính đến ngày 30/6/2021 toàn tỉnh là 324.984 triệu đồng, chiếm 16,9% so với tổng thu ngân sách, cao hơn so với quy định của Tổng cục thuế (5%). Nguyên nhân của tình trạng này là do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến tình trạng sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn.

Các doanh ngiệp trên địa bàn hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, năng lực tài chính yếu, phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn ngân sách Nhà nước giải ngân chậm, mặt khác các doanh nghiệp chủ yếu vay ngân hàng nên khi tiền về, ngân hàng sẽ thực hiện thu hồi nợ vay trước. Một số doanh nghiệp đầu tư lớn vào xây dựng, sản xuất điện đã có doanh thu và phát sinh thuế phải nộp nhưng ngoài tiền phải trả ngân hàng còn tiếp tục mở rộng đầu tư nên gây khó khăn về tài chính. Bên cạnh đó, các khoản tiền thu từ sử dụng đất của doanh nghiệp, hộ kinh doanh được gia hạn theo Nghị định 52/NĐ-CP của Chính phủ nên chưa thu được. Ngoài ra, do việc dừng hoàn thuế các dự án thủy điện dẫn tới việc thu hồi tiền thuế nợ qua hoàn thuế đạt thấp.

Trên tinh thần quyết tâm cao, Cục Thuế tỉnh phấn đấu đến ngày 31/12/2021 sẽ giảm tỷ lệ nợ thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách. Để đạt được kết quả này, Sở sẽ áp dụng nhiều biện pháp mạnh, bên cạnh việc tham mưu cho Ban Chỉ đạo triển khai công tác chống thất thu và thu hồi nợ đọng thuế. Tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, có ý kiến với các ngành tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động ổn định thúc đẩy sản xuất kinh doanh bền vững. Cục Thuế cũng giao các bộ phận chuyên môn xây dựng kế hoạch thu hồi nợ chi tiết, phân công trách nhiệm thu hồi nợ thuế cho các bộ phận chuyên môn. Làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm quy định, trong đó có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản của doanh nghiệp, đình chỉ hóa đơn, thu hồi đất, đình chỉ khai thác, thu hồi giấy phép kinh doanh…

Các cấp, ngành, địa phương cần đăng ký đủ chỉ tiêu tuyển dụng

Đồng chí Vừ A Tiến – Giám đốc Sở Nội vụ: Về vấn đề tổ chức nhiều kỳ tuyển dụng công chức, viên chức. Từ năm 2018 đến nay, Sở tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt 14 đợt tuyển dụng công chức, viên chức trên địa bàn toàn tỉnh. Đã tổ chức 12 kỳ tuyển dụng, trong đó công chức 7 kỳ, viên chức 5 kỳ; còn 2 kỳ chưa tổ chức tuyển dụng là viên chức ngành Giáo dục và công chức cấp huyện, tỉnh. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc triệu tập thí sinh là rất khó nên chưa thể tổ chức được. Trong đó, viên chức ngành Giáo dục là 225 chỉ tiêu, công chức cấp huyện, tỉnh có 64 chỉ tiêu. Việc tổ chức nhiều kỳ tuyển dụng do nguyên nhân từ sau khi sắp xếp lại hơn 254 tổ chức, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh nên phải tổ chức tuyển dụng bổ sung vào số cán bộ nghỉ chế độ chính sách, chuyển vùng.

Hàng năm, trên cơ sở chỉ tiêu đăng ký tuyển dụng, Sở Nội vụ đều có văn bản gửi các sở, ngành, huyện đăng ký chỉ tiêu tuyển dụng và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch tuyển dụng. Việc tổ chức tuyển dụng nhiều là do trên cơ sở biên chế được giao và chỉ tiêu biên chế có mặt tại các cơ quan, đơn vị còn thiếu do các sở, ngành, địa phương không đề xuất đủ chỉ tiêu tuyển dụng so với chỉ tiêu được giao. Ví dụ còn nhiều đơn vị có 29 chỉ tiêu biên chế nhưng không đăng ký tuyển dụng. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều kỳ tuyển dụng như hiện nay. Đề nghị các cấp, ngành, địa phương cần phối hợp đề xuất đủ chỉ tiêu tuyển dụng đảm bảo số lượng cán bộ, công chức, viên chức làm việc.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/th%E1%BA%A3o-lu%E1%BA%ADn-t%E1%BA%A1i-h%E1%BB%99i-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-ph%C3%A2n-t%C3%ADch-s%C3%A2u-%C4%91a-chi%E1%BB%81u-v%C3%A0-%C4%91%E1%BB%81-xu%E1%BA%A5t-nhi%E1%BB%81u-gi%E1%BA%A3i-ph%C3%A1p