Chính trị TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Ngày 24/11, tại thủ đô Hà Nội, Bộ chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức trọng thể Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bằng hình thức trực tuyến với các tỉnh, thành trong cả nước.

Tại điểm cầu Nhà Quốc hội, dự và chỉ đạo Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN); Nông Đức Mạnh - nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương ĐCSVN; Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị (BCT), Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN); Vương Đình Huệ - Ủy viên BCT, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN.

Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu, dự Hội nghị có các đồng chí: Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, Trường Chính trị tỉnh… Điểm cầu các huyện, thành ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh có các đồng chí Ủy viên BCH, HĐND – UBND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể cấp tương đương; lãnh đạo Đảng ủy khối…

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh.

Trong chương trình Hội nghị diễn ra buổi sáng, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa báo cáo tóm tắt những kết quả việc kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Báo cáo nêu rõ: Sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng: nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa tiếp tục được đổi mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa từng bước được nâng cao. Xây dựng môi trường văn hóa đạt được một số kết quả tích cực. 35 năm qua, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc có chuyển biến tích cực, tạo cơ chế xử lý hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội...

Việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng văn hóa trong kinh tế bước đầu có chuyển biến về nhận thức và hành động. Bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay. Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Quan điểm, chủ trương quan trọng của Đảng về văn hóa trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Mục tiêu chung của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn. Xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo đó, quan điểm của Đảng ta: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn.

Tại Hội nghị, đại diện các tỉnh, thành như: Hà Nội, Thừa Thiên Huế, An Giang đã có bài phát biểu tham luận nêu rõ những kết quả trong vận dụng sáng tạo đường lối phát triển văn hóa của Đảng từ thực tiễn; giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập; phát huy truyền thống văn hóa, con người An Giang – quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng; văn hóa con người-nhân tố đảm bảo sự phát triển bền vững của Việt Nam; văn học nghệ thuật Việt Nam không ngừng phát triển.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu chỉ đạo Hội nghị theo hình thức trực tuyến.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu chỉ đạo Hội nghị theo hình thức trực tuyến.

Dự và phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư BCH Trung ương ĐCSVN khẳng định: Ngay từ Đại hội lần thứ III của Đảng đã coi trọng vai trò của văn hóa. Từ đó đến nay, Đảng ta luôn xem phát triển văn hóa là lĩnh vực quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong quá trình quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Đảng cũng từng bước bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện sâu sắc hơn vấn đề văn hóa như lời Bác Hồ nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Đồng chí Tổng Bí thư nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng, biểu dương và cảm ơn những đóng góp to lớn của toàn Đảng, toàn dân, cán bộ, đảng viên, đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ và các lực lượng tham gia trên mặt trận văn hóa trong thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh: Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm của nội dung nổi bật trong văn kiện XIII của Đảng. Đây là lần đầu tiên, trong văn kiện Đại hội của Đảng, Đảng ta đã đề cập toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược.

Do đó, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu: Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc, toàn Đảng, toàn dân cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc. Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển hội nhập các giá trị chuẩn mực phù hợp gắn với giữ gìn, phát huy những giá trị của con người Việt Nam, kết hợp giá trị truyền thống, hiện đại: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo. Phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc và phát triển toàn diện các vấn đề về văn hóa. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền.

Nêu cao vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là Nhân dân; phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ. Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo cấp chiến lược. Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra một số giải pháp nhằm chấn hưng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam theo phương hướng nói trên, hướng đến xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Buổi chiều cùng ngày, Hội nghị diễn ra nội dung triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và các nội dung tham luận với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/h%E1%BB%99i-ngh%E1%BB%8B-v%C4%83n-h%C3%B3a-to%C3%A0n-qu%E1%BB%91c-tri%E1%BB%83n-khai-th%E1%BB%B1c-hi%E1%BB%87n-ngh%E1%BB%8B-quy%E1%BA%BFt-%C4%91%E1%BA%A1i-h%E1%BB%99i-xiii-c%E1%BB%A7a-%C4%91%E1%BA%A3ng