Chính trị TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Bà con dân tộc Mông chiếm 36,89% dân số huyện Tam Đường, tập trung nhiều ở các xã Khun Há, Sơn Bình, Nùng Nàng. Những năm trước, do một số bản chưa có chi bộ nên các chủ trương, nghị quyết, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước khó được người dân tiếp cận. Dẫn đến tình trạng đói nghèo, hủ tục lạc hậu đeo bám. Với quyết tâm 'xóa' bản chưa có chi bộ, cấp ủy chính quyền địa phương chú trọng bồi dưỡng quần chúng ưu tú, kết nạp đảng viên, phát huy vai trò lãnh đạo người đứng đầu.

Những bản "trắng" đảng viên

Trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu tháng 9, chúng tôi trở lại xã Khun Há (huyện Tam Đường) để tìm hiểu về quá trình xóa bản trắng đảng viên và tổ chức Đảng ở các bản có đồng bào dân tộc Mông. Toàn xã có 1.038 hộ, 5.693 khẩu trong đó dân tộc Mông chiếm 96,3% dân số.

Nhấp chén trà nóng đồng chí Vàng A Súa, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Khun Há hồi tưởng: “Ngày trước đa số các bản Mông có tỷ lệ hộ nghèo cao, thậm chí có bản 100% hộ nghèo. Nguyên nhân một phần do trình độ nhận thức còn hạn chế, bà con thích ở và sản xuất trên những đồi núi cao, giao thông đi lại khó khăn nên mọi sản phẩm làm ra đều tự cung, tự cấp. Tệ nạn ma túy, tảo hôn, tình trạng di cư tự do thường xuyên xảy ra. Một số bản chưa thành lập được chi bộ, cán bộ còn thiếu và yếu về nhiều mặt nên khó triển khai chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật Nhà nước, không khơi thông được ý chí thoát nghèo trong tư tưởng người dân”.

Bản Lao Chải 1 có 44 hộ với 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Theo lời kể của già làng, trước đây bà con sống rải rác ở khu rừng trên cao nên đất sản xuất ít, nguồn nước không có, cuộc sống khó khăn, người dân chủ yếu đi làm thuê ở bãi vàng để kiếm sống qua ngày. Lao Chải 1 được biết đến là bản “4 không” – không điện, không đường, không trường, không trạm. Để đảm bảo an toàn và ổn định cuộc sống, huyện đã di dời 14 hộ của bản Lao Chải 1 xuống vùng thuận lợi hơn. Chính quyền huyện san ủi đất để hỗ trợ bà con mặt bằng dựng nhà và lương thực, huy động lực lượng công an, quân đội giúp vận chuyển, tháo dỡ đồ đạc.

Về nơi ở mới, cuộc sống tuy tốt hơn nơi ở cũ nhưng nhận thức còn hạn chế, tư tưởng vẫn trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Đảng, Nhà nước nên không cố gắng tự vươn lên làm kinh tế thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trên 80%. Ngày đó, bản Lao Chải 1 thiếu đảng viên nên chưa thành lập được chi bộ, do đó công tác lãnh đạo, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con còn hạn chế.

Anh Cứ A Chu - Bí thư Chi bộ Lao Chải 1 (xã Khun Há, huyện Tam Đường) tuyên truyền các đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước tới bà con.

Anh Cứ A Chu - Bí thư Chi bộ Lao Chải 1 (xã Khun Há, huyện Tam Đường) tuyên truyền các đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước tới bà con.

Dẫn đến nhiều hộ di cư tự do, một số phụ nữ bỏ nhà đi sang Trung Quốc với mơ ước có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nghe theo lời kẻ xấu, năm 2011, bản Lao Chải 1 có 20 người đã bán tài sản, lặng lẽ trốn đi trong đêm đến huyện Mường Nhé (Điện Biên). Nhưng khi đến nơi, mọi người vỡ mộng sau nhiều ngày nhịn đói may có lực lượng công an, quân đội đến giúp đỡ họ về nhà trong niềm vui chào đón của bà con trong bản.

Không chỉ ở xã Khun Há, xã Sơn Bình cũng là điểm nóng về an ninh trật tự của huyện Tam Đường, tỷ lệ người mù chữ, sinh con thứ ba cao. Theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Bá Kiện – Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bình công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp rất nhiều thách thức vì đa số quần chúng không mặn mà đứng vào đội ngũ của Đảng. Nhiều quần chúng được bồi dưỡng thì lại rơi vào tình trạng tảo hôn, sinh con thứ ba, hồ sơ còn có nhiều thông tin chưa khớp gây cản trở trong việc triển khai làm hồ sơ kết nạp đảng viên mới nên nhiều năm xã không phát triển đảng viên người Mông nào.

Điển hình 2 bản người Mông Chu Va 6, Chu Va 8 phải sinh hoạt ghép vào một Chi bộ Chu Va 6-8. Trong khi đó, những bản này thường xuyên xảy ra tình trạng di cư tự do, xuất khẩu lao động trái phép, đời sống bà con lẩn quẩn trong vòng xoáy đói nghèo. Làm thế nào để người dân tuân thủ theo đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, yên tâm phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo là bài toán khó đối với cấp ủy chính quyền địa phương?.

Tìm “hạt nhân” cho Đảng

Với quyết tâm xây dựng địa bàn ổn định, bà con đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, Đảng bộ xã Khun Há đã lựa chọn giải pháp tăng cường phát triển đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, “xóa” bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ. Xã điều động cán bộ, công chức có kinh nghiệm về các bản “trắng đảng viên”, “ghép chi bộ” trực tiếp lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hướng dẫn tạo nguồn phát triển đảng viên. Khi chi bộ ghép đủ điều kiện về số lượng đảng viên và hoạt động vững mạnh thì thực hiện tách, thành lập chi bộ độc lập.

Đồng thời chỉ đạo các chi bộ xây dựng chỉ tiêu phát triển đảng viên, chú trọng phát triển đảng viên ở địa bàn dân cư, trong lực lượng dân quân, công an viên, cán bộ nữ, giáo viên, y tế. Giao từng cá nhân phụ trách địa bàn rà soát, phát hiện nguồn quần chúng tích cực, đủ tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống, trình độ học vấn bồi dưỡng đưa vào kết nạp Đảng.

Đồng chí Vàng A Súa, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Khun Há cho biết: Trên tinh thần phát triển nhanh về số lượng nhưng phải đảm bảo chất lượng, từ năm 2011 đối với những bản chưa có đủ đảng viên để thành lập chi bộ, Đảng ủy điều động đảng viên về cơ sở sinh hoạt với bản, xây dựng Bí thư chi bộ là người địa phương. Với cách làm bài bản công tác xây dựng, củng cố tổ chức Đảng đã “đơm hoa - kết trái”. Năm 2011 Đảng bộ xã thành lập được Chi bộ Lao Chải 1 và Chi bộ Sin Chải. Đến năm 2013 thành lập thêm Chi bộ Nậm Pha, Chi bộ Lao Chải 2, chính thức xóa “bản trắng” ở các bản Mông.

Ngoài tập trung phát triển kinh tế, các đảng viên Xã Sơn Bình, huyện Tam Đường thường xuyên giúp bà con gặt lúa, thu hoạch nông sản.

Ngoài tập trung phát triển kinh tế, các đảng viên Xã Sơn Bình, huyện Tam Đường thường xuyên giúp bà con gặt lúa, thu hoạch nông sản.

Đến nay, Đảng bộ có 164 đảng viên gồm 19 chi bộ, đảng viên là người dân tộc Mông 83 đồng chí. Riêng 14/14 chi bộ khối nông thôn bí thư đều là đảng viên người địa phương trong bản. Sau thành lập các chi bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ và sức chiến đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Chúng tôi tìm tới anh Cứ A Chu, Bí thư Chi bộ Lao Chải 1- người đầu tiên của bản được vinh dự kết nạp vào Đảng. Anh Chu tâm sự: Trước đây, do bản chưa có chi bộ, chưa kết nạp được đảng viên nên chưa nắm được tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của bà con dẫn tới bất ổn về an ninh chính trị. Cuối năm 2011 Đảng bộ xã quyết định thành lập Chi bộ Lao Chải 1. Thời điểm đó, chỉ có mình tôi là đảng viên nên xã điều động 2 đảng viên khác về sinh hoạt cùng đủ điều kiện thành lập chi bộ. Từ ngày thành lập chi bộ, các đảng viên đoàn kết một lòng triển khai hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, xây dựng mô hình giúp Nhân dân xóa đói, giảm nghèo. Hiện chi bộ có 5 đảng viên, đời sống bà con ngày ấm no, tỷ lệ hộ nghèo còn 28 hộ, thu nhập bình quân đạt 38 triệu/người/năm.

Tại xã Sơn Bình công tác kết nạp đảng viên là người dân tộc, người địa phương được Đảng bộ xã Sơn Bình chú trọng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn vì “nguồn” không có nhưng Đảng bộ xác định dù khó khăn đến đâu thì cũng phải có đảng viên và tổ chức chi bộ. Để tìm các “hạt nhân” bồi dưỡng, kết nạp vào hàng ngũ của Đảng, xã tập hợp đoàn viên, hội viên tham gia các phong trào thi đua nhằm tạo không khí sôi nổi để các đoàn viên phấn đấu.

Trên tinh thần đó, Đoàn Thanh niên phát động các phong trào thể dục thể thao, ngày thứ bảy tình nguyện; Hội Phụ nữ có phong trào: thực hiện kế hoạch hóa gia đình, “5 không, 3 sạch”; Hội Nông dân phát động phong trào thi đua lao động sản xuất... Từ đó, xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu để các chi bộ lựa chọn tham gia lớp bồi dưỡng đảng viên. Nhờ cách làm này, năm 2007 Đảng bộ xã thành lập Chi bộ Chu Va 12; năm 2009 thành lập Chi bộ Chu Va 6 và Chi bộ Chu Va 8. Đến nay, Đảng bộ xã Sơn Bình có 11 chi bộ với 101 đảng viên, trong đó có 20 đảng viên là người dân tộc Mông.

Chị Trần Thị Lượt - Bí thư Chi bộ Chu Va 12 (xã Sơn Bình) nhấn mạnh: Những năm qua, chi bộ luôn xây dựng kế hoạch chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ đảng viên mới, sau khi kết nạp chi bộ phân công đảng viên tiếp tục giúp đỡ đồng thời giao nhiệm vụ cho đảng viên mới. Đến nay, chi bộ có 6 đảng viên, là “hạt nhân” trong việc giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm xuống còn 48 hộ.

Đảng viên Vàng Thị Sua – Chi bộ Chu Va 12 (Xã Sơn Bình, huyện Tam Đường) hướng dẫn chị em may trang phục dân tộc Mông.

Đảng viên Vàng Thị Sua – Chi bộ Chu Va 12 (Xã Sơn Bình, huyện Tam Đường) hướng dẫn chị em may trang phục dân tộc Mông.

Chúng tôi rất ấn tượng với đảng viên nữ duy nhất của Chi bộ Chu Va 12, Vàng Thị Sua. Dù tuổi đời còn trẻ nhưng Sua năng động, bản lĩnh, gương mẫu đi đầu trong các phong trào mà xã phát động. Không giống như các bạn cùng trang lứa sớm bỏ học lấy chồng khi mới 13-14 tuổi, Sua ham học nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn học xong lớp 9 phải nghỉ học ở nhà. Nhưng với suy nghĩ phụ nữ phải làm chủ cuộc đời mình, Sua vận động chị em trong bản không tảo hôn, hạn chế sinh con thứ ba, đi học để biết cái chữ. Nhờ vậy, năm 2012, Sua vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Ngoài phát triển cây lúa, ngô, thảo quả Sua còn mạnh dạn trồng 1ha chanh leo, đầu tư phát triển chăn nuôi dê, bò theo hướng hàng hóa, trừ chi phí mỗi năm gia đình Sua thu về 100 triệu đồng.

Với mong muốn giữ gìn nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc Mông vừa tạo thêm thu nhập cho phụ nữ từ năm 2013 Sua mở lớp dạy may trang phục cho các chị em trên địa bàn xã. Trung bình mỗi năm Sua mở từ 2-3 lớp thu hút nhiều chị em đến học tập. Giờ đây với bà con bản Chu Va 12, đảng viên Vàng Thị Sua trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo, được bà con tin yêu.

Tin tưởng rằng, với những thành quả đạt được trong công tác xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, tạo nguồn phát triển đảng viên là người dân tộc Mông sẽ giúp cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển thêm “những cánh tay nối dài” của Đảng, đưa chủ trương, chính sách của Nhà nước về tới bà con, giúp họ ổn định đời sống, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

(Còn nữa)

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/b%C3%A0i-1-x%C3%B3a-chi-b%E1%BB%99-tr%E1%BA%AFng-tr%C3%AAn-b%E1%BA%A3n-l%C3%A0ng-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-m%C3%B4ng