Chính trị - Xã hội Cải cách hành chính Sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021: Hiệu quả bước đầu

TTH - Triển khai Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của UBTV Quốc hội và Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, đến nay Thừa Thiên Huế đã sắp xếp, sáp nhập 23 ĐVHC cấp xã để thành lập 12 ĐVHC cấp xã, giảm 11 ĐVHC cấp xã.

Quá trình tiến hành sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp xã các ngành, các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân trong việc chấp hành chủ trương, pháp luật về sắp xếp ĐVHC cấp xã kịp thời, hiệu quả, tạo sức lan tỏa trong Nhân dân và sự đồng thuận cao trong cử tri (trên 98,20%) ở các địa phương trực tiếp triển khai chủ trương sắp xếp các ĐVHC cấp xã.

Giao dịch tại Trung tâm Hành chính công TP. Huế. Ảnh minh họa: MC

Kịp thời giải quyết quyền lợi cho cán bộ dôi dư

Khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC cấp xã tổng số cán bộ, công chức dôi dư so với số lượng quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ là 211 cán bộ, công chức. HĐND tỉnh đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Quy định này có nhiều tính ưu việt, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc bố trí, tinh gọn tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách. Các địa phương đã bố trí chuyển sang các đơn vị thiếu, tiếp nhận lên công chức huyện, cho nghỉ hưu đủ tuổi, thay thế cán bộ nghỉ hưu, vận động thuyết phục nghỉ hưu trước tuổi hoặc chờ hưu, nghỉ việc và giải quyết chế độ chính sách hỗ trợ cho 145 cán bộ, công chức. Đã giải quyết chế độ chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư (44 cán bộ ngành y tế, 30 cán bộ giáo dục và 156 người hoạt động không chuyên trách cấp xã). Dự kiến, đến 31/12/2021 chỉ còn lại 46 người dôi dư chưa được giải quyết, tiếp tục tạm bố trí công việc chậm nhất đến cuối năm 2022 sẽ hoàn thành đảm bảo đúng Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14.

Tiết kiệm nguồn lực, giảm chi ngân sách

Việc sắp xếp ĐVHC cấp xã đã thực sự gắn mục tiêu đổi mới đã góp phần giảm đầu mối theo hướng tinh gọn, tiết kiệm nguồn lực ngân sách, giảm số lượng cơ quan, đơn vị, tổ chức và người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước, tăng nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của cơ quan Nhà nước và chính quyền các cấp.

Sau khi thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp xã, bộ máy trong hệ thống chính trị ở các ĐVHC mới thành lập trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền các ĐVHC cấp xã mới đã tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, ổn định tình hình cơ sở, đồng thời tổ chức thực hiện cơ bản đạt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2020 và 2021.

Việc thực hiện chính sách an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo đồng bộ, tích cực, các chế độ chính sách ưu đãi đối với các đối tượng thụ hưởng được thực hiện đảm bảo kịp thời. Việc sắp xếp ĐVHC cấp xã đã góp phần tiết kiệm nguồn lực giảm chi ngân sách ước khoảng 12.505.291.000 đồng (Giảm chi lương, phụ cấp 6.944.925.000 đồng; giảm chi phí hoạt động 5.560.366.000 đồng) tập trung được nguồn lực đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Sau khi sáp nhập, địa giới hành chính tại các xã rộng hơn, đặc biệt là các xã miền núi, các vấn đề quản lý mới phát sinh như quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có nguy cơ phức tạp hơn.

Việc chuyển đổi hồ sơ, giấy tờ giữa ĐVHC cũ và ĐVHC mới sau khi nhập khó khăn và phức tạp; tác động đến đời sống của một bộ phận Nhân dân do lối sống, tập quán và truyền thống văn hóa làng, xã chưa có sự tương đồng và thống nhất. Việc sắp xếp ĐVHC cấp xã cùng thời điểm sắp xếp, bố trí công chức trưởng công an xã để đưa công an chính quy đảm nhận chức danh công an xã và thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ nên việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã do dôi dư gặp khó khăn. Khi sáp nhập, một bộ phận cán bộ, công chức dôi dư đa số còn trẻ, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định nên việc cho nghỉ để giải quyết chế độ, chính sách gặp nhiều khó khăn.

Thời gian tới, Quốc hội sẽ tổng kết việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, làm cơ sở nghiên cứu, ban hành chủ trương về sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn 2022 - 2030. Việc sắp xếp cần tiếp tục quan tâm, xem xét đến yếu tố đặc thù của một số địa phương, bảo đảm yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa làng, xã, dân tộc, tính cộng đồng dân cư và yêu cầu đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương...

Thị xã Hương Trà sáp nhập xã Hồng Tiến với xã Bình Điền thành xã Bình Tiến; huyện Phú Lộc sáp nhập xã Vinh Hải với xã Vinh Giang thành xã Giang Hải; huyện A Lưới sáp nhập xã A Đớt với xã Hương Lâm thành xã Lâm Đớt, sáp nhập xã Quảng Nhâm với xã Hồng Quảng thành xã Quảng Nhâm, sáp nhập xã Hồng Trung với xã Bắc Sơn thành xã Trung Sơn; huyện Nam Đông sáp nhập xã Hương Hòa với xã Hương Giang thành xã Hương Xuân; huyện Phú Vang sáp nhập xã Vinh Phú với xã Vinh Thái thành xã Phú Gia; TP. Huế thành lập phường Gia Hội trên cơ sở nhập phường Phú Cát và phường Phú Hiệp, thành lập phường Đông Ba trên cơ sở nhập phường Phú Hòa và phường Thuận Thành, nhập toàn bộ phường Phú Bình vào phường Thuận Lộc, điều chỉnh diện tích tự nhiên và dân số của phường Phú Thuận vào phường Tây Lộc và phường Thuận Hòa.

Anh Duy

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/sap-xep-don-vi-hanh-chinh-giai-doan-2019-2021-hieu-qua-buoc-dau-a108549.html