Chính trị - Xã hội Chính trị - Xã hội Bình tĩnh để không tạo ra hiệu ứng xấu
TTH - Những ngày qua, khi lượng người từ các tỉnh phía Nam di chuyển tự phát về Huế khá lớn, người dân bắt đầu có tâm lý lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch bệnh, do đó, đã xảy ra tình trạng đổ xô đi mua hàng hóa, thực phẩm tích trữ.
Tôi đã khá bất ngờ khi quầy hàng mì ăn liền, bún khô, mì khô... của một cửa hàng có tiếng nơi mình ở trống huơ trống hoắc, chỉ còn lác đác vài gói mì loại ít được ưa chuộng, dù thời điểm đó Huế chỉ có vài ca bệnh đã được cách ly, điều trị. Chủ chuỗi cửa hàng tạp hóa giải thích, mấy ngày nay “cháy mì tôm”, nhập mấy xe cũng không đủ.
Hệ thống chuỗi cửa hàng VinMart+ tôi ghé qua, đôi lúc kệ mì ăn liền cũng gần như trơ trọi. Điều đó cho thấy tâm lý lo ngại là có thật và người ta có hiện tượng tích trữ hàng hóa, thực phẩm để phòng cho trường hợp xấu nhất, nếu có giãn cách xã hội. Thật ra, điều này không hẳn xấu, bởi tích trữ hàng hóa cũng là cách giúp người dân yên tâm ở nhà nếu phải thực hiện giãn cách xã hội. Bớt đi lại, bớt gặp gỡ cũng là cách hiệu quả ngăn không để dịch “chạy” lung tung. Thế nhưng, đáng buồn là, có không ít người tích trữ hàng hóa, thực phẩm không phải chỉ để đạt mục đích như vừa nêu. Có không ít kẻ cơ hội, lợi dụng dịch giã, tích trữ hàng hóa để bán giá chênh lệch cao mà hưởng lợi. Chuyện này đã xảy ra ở một số tỉnh, thành phía Nam khi phải thực hiện giãn cách. Cùng với đó, “hiệu ứng đám đông” cũng khiến rất nhiều người mua hàng hóa, thực phẩm tích trữ quá nhiều so với nhu cầu, dẫn đến tình trạng người cần không có, người có dùng không hết.
Ở Huế dù chưa xảy ra hiện tượng này, song việc tích trữ hàng hóa đã xảy ra không chỉ đợt dịch này mà các đợt dịch trước và nhất là thời điểm bão lũ xảy ra hồi cuối năm 2020, hàng hóa thực phẩm có lúc cũng khan hiếm và “đội giá”.
Bạn tôi kể, vì “lo xa” nên mua quá nhiều thịt cá, rau củ quả, khiến cả nhà phải ăn đồ đông lạnh nguyên tháng. “Cũng may là còn ăn được. Một vài người mua quá nhiều, cất trữ không đúng cách nên hư hết...”, bạn tôi nói khi mà hàng xóm của mình có người “mua bất chấp” không thiếu thứ gì.
Người xưa có câu: “Ăn no lo xa”, đại ý nôm na là để không phải đói nghèo khi thất cơ lỡ vận, người ta thường lo tích trữ tiền bạc, của cải... Ăn bữa này phải để dành cho bữa sau, chứ không phải làm được chừng nào ăn hết chừng đó. Tuy nhiên, việc tích cóp để dành khác với tích trữ hàng hóa, thực phẩm. Bởi tích cóp tạo nên tài sản và có giá trị lâu dài, song tích trữ hàng hóa thực phẩm chỉ mang tính tạm thời và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng, chống dịch. Đó là chưa kể đến những thiệt hại khi thực phẩm ôi thiu, hư hỏng, không thể sử dụng và quan trọng hơn nữa, việc tích trữ hàng hóa quá nhiều với hành động tranh giành, xô đẩy chen lấn để mua mà không đong đếm nhu cầu sử dụng đã làm xấu đi hình ảnh của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế.
... “Hàng hóa, thực phẩm không thiếu. Kịch bản xấu nhất, nếu dịch bệnh bùng phát, phải giãn cách xã hội, ngành Công thương cũng đã tính đến các phương án chủ động cung ứng hàng hóa, thực phẩm để đảm bảo đời sống cho người dân”,... lãnh đạo Sở Công thương khẳng định. Thế nên, không có lý do gì phải tích trữ hàng hóa, thực phẩm. Thực tế cũng cho thấy, ở những địa phương đang thực hiện giãn cách như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây..., hàng hóa thực phẩm không thiếu. Nếu có chỉ tạm thời và cục bộ, sau đó lại được bổ sung đầy đủ. Đây là điều cần được nhận định, đánh giá và suy xét một cách bình tĩnh để không tạo ra hiệu ứng dây chuyền xấu xí.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/binh-tinh-de-khong-tao-ra-hieu-ung-xau-a102999.html