Chính trị - Xã hội Chính trị - Xã hội Chống tham nhũng gắn với vai trò lãnh đạo
TTH - Sau khi phanh phui các vụ tham nhũng gần đây đã có ý kiến cho rằng, Đảng, Nhà nước càng chống thì tham nhũng càng nhiều, tính chất càng trầm trọng hơn. Đối tượng chống đối xem đó là nguyên nhân của độc Đảng, cơ chế thiếu minh bạch. Vậy có triệt để chống được tham nhũng hay không đang đặt ra câu hỏi với những người có trách nhiệm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: TTXVN
Trước hết cần khẳng định: Bản chất của tham nhũng là tha hóa quyền lực. Thực tế đã chứng minh tệ nạn tham nhũng đang là vấn nạn của cả thế giới, không phân biệt chế độ chính trị, không kể một đảng hay đa đảng.
Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng 2003 đã chỉ rõ: “Tham nhũng là hiện tượng đang vượt qua biên giới quốc gia, ảnh hưởng đến mọi xã hội và nền kinh tế”. Không thể so sánh mức độ tham nhũng giữa Việt Nam với các nước vì không nói lên hết thực chất trong điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau. Cho nên đấu tranh chống tham nhũng trong mặt trái của kinh tế thị trường sẽ còn tiếp tục kéo dài, gay go và vô cùng phức tạp.
Trong những năm qua, công tác đấu tranh chống tham nhũng đã có chuyển biến quan trọng. Việc xử lý của Đảng, những vụ án bị khởi tố, nhiều người giữ chức vụ cao bị kỷ luật và chịu hình phạt rất nặng đã nói lên điều đó.
Quan điểm xử lý “không có vùng cấm”, “không ngoại lệ”, “bất kể là ai” được thực hiện theo tinh thần kiên quyết của Đảng đã mang lại hiệu quả nhất định. Những vụ xử lý mới đây ở nhiều ngành, địa phương đã nói lên tính chất quyết liệt đó. Không nên đổ lỗi cho phòng, chống kém hiệu quả mà phải thấy tính chất phức tạp, đòi hỏi phải kiên trì, đồng thuận trên, dưới. Cũng không vì tham nhũng tiếp tục bị phanh phui rồi đổ lỗi cho cơ chế, do chế độ chính trị kém hiệu quả là thiếu khách quan, ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Phải xác định đó là sự tha hóa, biến chất dẫn đến tham nhũng của những cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan công quyền.
Tham nhũng diễn ra ở nhiều nơi trong một thời gian dài làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân, ảnh hưởng uy tín của những cán bộ lãnh đạo liêm chính. Trong những điều kiện nhất định, tham nhũng có phương thức, thủ đoạn và mức độ khác nhau nhưng đều chung đặc điểm: Của cải Nhà nước bị thất thoát, tiền của doanh nghiệp, người dân chạy vào túi của người có quyền, hay nói cách khác là chạy vào túi của những người biến chất được Nhà nước trao quyền quản lý. Bên cạnh đó, người dân, doanh nghiệp cần, muốn giải quyết nhanh công việc của mình thì đều nghĩ đến thủ tục “đầu tiên” (tiền đâu). Chuyện về “văn hóa phong bì” đang là “luật” không thể thiếu trong giao dịch của người dân, doanh nghiệp, dần dần trở thành “lệ” thông thường mà người ta vẫn quen gọi là “chạy”. Không chạy không được việc. Mấy ai dám tố cáo “tham nhũng vặt” nhưng lại được diễn ra thường xuyên, chuyện “vặt” đang là căn bệnh “ngứa ghẻ” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phê phán.
Trong những câu chuyện mỉa mai của người dân đã nêu ra những cụm từ như: Hoa hồng, lại quả, chung chi, phần trăm… đang là vấn nạn nhức nhối. Một thực tế bất thành văn là trong xin dự án, các công trình xây dựng, mua sắm thiết bị… khoản “hoa hồng”, “lại quả” đang khá phổ biến và diễn ra ở nhiều nơi. Người ta xem đó như là khoản “chi” bình thường nếu muốn “làm ăn” lâu dài. Người có quyền xem đó như một “đặc ân” trời cho, thu hồi “vốn” khi đã phải “chạy” để ngồi vào được ghế màu mỡ, có quyền “ban phát”.
Có trăm, ngàn kiểu tham nhũng nếu không được chỉ ra sẽ là môi trường cho những người có điều kiện tiếp tục lao vào. Cần nhìn thẳng vào sự thật, tạo được sự đồng lòng, hưởng ứng tích cực với chủ trương chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước mới có được hiệu quả tích cực như yêu cầu đòi hỏi. Chỉ khi nào tệ nạn giảm xuống, người dân hết than phiền, án tham nhũng giảm bớt mới gọi là hạn chế. Đòi hỏi không còn tham nhũng trong một sớm, một chiều chỉ là mong muốn của Đảng và Nhân dân, nhưng cũng không có nghĩa để “bèo dạt mây trôi”, thả nổi cho tham nhũng hoành hành. Đảng, Nhà nước tuyên chiến với tệ nạn tham nhũng, càng làm mạnh càng phanh phui ra nhiều vụ tham nhũng lớn như thời gian qua là điều dễ hiểu. Mới những tháng đầu năm 2022 đã kỷ luật, xử lý hình sự 50 cán bộ đều là những cán bộ cấp Trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên, cựu ủy viên trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng, chưa kể ở địa phương. Vụ án liên quan đến Công ty Việt Á đang tiếp tục “bóc gỡ” thêm nhiều lãnh đạo CDC địa phương càng thấy rõ thêm tính chất phức tạp đó.
Quy định của Đảng, luật pháp của Nhà nước về chống tham nhũng hiện nay khá đầy đủ. Thực hiện như thế nào là trách nhiệm của những người lãnh đạo vừa là chủ thể quản lý tài sản Nhà nước vừa là đối tượng dễ bị tác động tham nhũng. Kết luận 12-KL/TW ngày 6/4/2022 của Bộ Chính trị, chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh vừa mở rộng thêm nhiệm vụ và là thử thách với lãnh đạo địa phương. Không giải pháp nào tốt hơn là những người công bộc xác định vị thế, trách nhiệm của mình trước vận mệnh của đất nước, niềm tin gửi gắm của Nhân dân; dù trong hoàn cảnh và điều kiện dễ bị tác động không bao giờ nghĩ đến tơ hào của cải Nhà nước, sống trong sáng, liêm khiết. Đó là điều tốt nhất để phòng, chống tham nhũng.
Trong phiên họp 21 ngày 27/4/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Phòng, chống tham nhũng cái được lớn nhất là tăng thêm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Chỉ khi nào người lãnh đạo xác định là người công bộc của dân, sống và làm việc liêm chính mới khẳng định được tham nhũng không còn đất để tồn tại. Đó là giải pháp chống tham nhũng tốt nhất, đánh giá đúng đạo đức thực chất của cán bộ lãnh đạo, quản lý.