Chính trị - Xã hội Chính trị - Xã hội Có liên quan gì đợt tăng giá cát?
Doanh nghiệp (DN) Tuyết Liêm vừa bị Công an TP. Huế khởi tố và bắt tạm giam 3 tháng để điều tra làm rõ hành vi mua bán cát trái phép và buôn bán hóa đơn.
Công an phát hiện trên 3 bãi tập kết chứa khoảng gần 50.000 m3 cát doanh nghiệp không xuất trình được hóa đơn. Ảnh: Tâm Anh
Thông tin ban đầu, DN Tuyết Liêm này có giấy phép khai thác cát được UBND tỉnh cấp. Lợi dụng điều này, DN đã mua cát khai thác bất hợp pháp về và sử dụng tư cách pháp nhân của mình để “biến cát từ không hợp pháp sang hợp pháp”, bán để lấy lời.
Xin không bàn về chuyện DN này sai phạm đến mức độ nào mà chỉ đặt ra câu hỏi: Liệu DN Tuyết Liêm (và một số DN khác), hoạt động khai thác, buôn bán, kinh doanh của họ có liên quan gì đến đợt tăng giá cát đột biến từ đầu năm đến nay?
Theo thông tin cho biết, DN Tuyết Liêm, chỉ trong đợt kiểm tra của Công an TP. Huế vừa nêu tại 3 bãi tập kết cát sạn là: Bạch Yến, Sông Hương, Cát Hải (xin gọi theo địa danh 3 bãi cát tập kết cát) thì ba bãi cát nói trên chứa khoảng 50.000 ngàn khối nhưng không xuất trình được giấy tờ nguồn gốc.
Cũng nên biết rằng, theo giấy phép được cấp: “DN Tuyết Liêm chỉ được khai thác trữ lượng hơn 192.000 khối trong 5 năm và công suất khai thác chỉ gần 21.500 khối một năm” (Nguồn từ Báo Dân Việt – dẫn nguồn cung cấp của Công an TP. Huế). Con số này có vẻ mâu thuẫn nhau, nhưng cứ theo căn cứ pháp lý, nếu đúng như vậy, mỗi năm DN Tuyết Liêm chỉ được phép khai thác chưa đầy 40.000 khối. Trong khi đó, chỉ trong một thời điểm, lượng cát tập kết đã là 50.000 khối (không trình được giấy tờ hợp pháp), có thể hiểu là không hợp pháp đã cho phép chúng ta bước đầu khẳng định rằng, nguồn cát khai thác “lậu” ở tỉnh ta là rất lớn.
Đã khai thác lậu thì chúng ta thừa biết hậu quả: mỏ không nằm trong qui hoạch. Hệ quả kéo theo là mất nguồn tài nguyên, thuế không thu được; hiện tượng sạt lở bờ sông, ô nhiễm môi trường có thể cũng từ đây mà ra; dân tình không yên cũng có thể từ đây mà ra; lực lượng có chức năng kiểm soát bị lôi kéo, thoái hóa… cũng từ đây mà ra. Nói chung là nhiều hệ lụy.
Trở lại vấn đề liên quan đến việc khai thác, buôn bán cát trái phép có liên quan gì đến giá cả? Theo người viết bài này là có. Chỉ một DN có tư cách pháp nhân, vào một thời điểm (Công an TP. Huế kiểm tra) đã trữ một lượng cát “không hợp pháp” lớn hơn lượng cát được cấp phép. Điều này cho thấy có một nguồn cát lậu rất lớn phụ thuộc vào DN này (có thể là người dân khai thác đơn lẻ, có thể là DN khai thác cao hơn trữ lượng cho phép – điều này đã diễn ra ở một DN tại Hương Trà gần đây).
DN đã “đứng thế trên” trong việc hợp thức hóa nguồn cát lậu như vậy thì về lý thuyết, hoàn toàn có khả năng chi phối thị trường. Nếu các DN có tư cách pháp nhân (không nhiều) cấu kết với nhau nữa thì hoàn toàn có thể vào một thời điểm nào đó, điều chỉnh được giá cả thị trường. Tất nhiên, họ bao giờ cũng điều chỉnh giá theo hướng có lợi cho mình, nghĩa là điều chỉnh tăng lên chứ không bảo giờ điều chỉnh xuống. Đó là chiều bán ra.
Ngược lại, chiều mua vào họ toàn có thể "ép giá” những người khai thác cát lậu bán cho họ (giống như mua đồ ăn trộm hoặc những hàng hóa bất hợp pháp thường thì giá rẻ hơn rất nhiều). Nếu kịch bản diễn ra đúng như vậy, thì túi của người tiêu dùng bị móc một cách công khai mà không ai hay biết dưới chiêu thức: Thị trường khan hiếm (!)
Không biết, có DN nào “móc túi” người tiêu dùng bị đưa ra ánh sáng nữa không?
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/co-lien-quan-gi-dot-tang-gia-cat-a74440.html