Chính trị - Xã hội Chính trị - Xã hội Công tác thanh tra góp phần chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật
TTH - Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, nâng cao hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ, Thanh tra (TT) tỉnh đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Trao đổi với Báo Thừa Thiên Huế, Chánh TT tỉnh Lương Bảo Toàn cho biết: Năm 2022, toàn ngành TT tỉnh thực hiện 106 cuộc TT, kiểm tra (KT). Trong đó, có 23 cuộc năm 2021 chuyển sang và 83 cuộc triển khai trong kỳ; 84 cuộc theo kế hoạch và 22 cuộc đột xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh và thủ trưởng các địa phương, đơn vị chỉ đạo, lãnh đạo TT các cấp xây dựng, phê duyệt, triển khai Kế hoạch TT, KT năm 2022 đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, theo đúng định hướng của TT Chính phủ và phù hợp tình hình thực tiễn. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện kịp thời các cuộc TT đột xuất đối với những vấn đề nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm.
Số lượng các cuộc TT, KT rất lớn, ngành TT tỉnh làm như thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ, thưa ông?
Quán triệt tinh thần Nghị quyết (NQ) Tỉnh ủy với chủ đề: “Đồng thuận - Sáng tạo”, lãnh đạo TT tỉnh triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch TT được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt ngay từ đầu năm. Từ đó, lãnh đạo, chỉ đạo ngành TT hoàn thành có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Trên tinh thần bám sát chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, xác định rõ trách nhiệm được giao, cùng với sự quyết tâm chính trị, chuyên môn nên toàn ngành TT tập trung thay đổi linh hoạt phương thức TT, điều chỉnh hoạt động nghiệp vụ cho phù hợp.
Qua công tác TT, KT ông thấy điều gì nổi lên?
Qua TT, KT đã phát hiện một số vi phạm trên các lĩnh vực quản lý, thực hiện dự án đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng tài chính, ngân sách, quản lý, sử dụng đất với tổng số tiền phát hiện vi phạm trên các lĩnh vực 47,5 tỷ đồng và hơn 4.585ha đất. Đồng thời, đã xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền 22,119 tỷ đồng, xử lý khác 25,390 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi gần 50.000m2 đất và khắc phục, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đối với hơn 4.580ha đất theo đúng quy định; kiến nghị tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra các sai phạm; chuyển 2 vụ việc với 5 đối tượng sang cơ quan Cảnh sát điều tra để tiếp tục điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật; kiến nghị hoàn thiện, bổ sung 7 văn bản.
Một số đơn vị đã chủ động điều chỉnh kế hoạch TT, KT nhằm tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) theo chỉ đạo của TT Chính phủ. Các cuộc TT, KT được tiến hành công khai minh bạch, đúng quy trình nghiệp vụ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Qua công tác TT đã phát hiện, kiến nghị xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định pháp luật các vụ việc vi phạm; kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý. Qua đó, ngành TT kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phòng ngừa vi phạm pháp luật.
Để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, công tác xử lý chồng chéo trong hoạt động TT, KT đối với doanh nghiệp (DN) được thực hiện như thế nào?
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động TT, kiểm tra đối với DN, TT tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung của Chỉ thị.
Hàng năm, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, TT tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn rà soát dự thảo kế hoạch TT, kiểm tra của các đơn vị để khắc phục tình trạng TT, KT chồng chéo đối với DN, ngăn chặn tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu trong hoạt động TT theo đúng Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.
Bên cạnh đó, TT tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng và triển khai Phần mềm quản lý về công tác TT, KT trên địa bàn tỉnh, trong đó có chức năng xử lý trùng lắp, chồng chéo nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác TT, nhất là công tác xử lý trùng lắp, chồng chéo trong TT tại DN. Nhờ đó, giúp công tác TT, KT thuận lợi, minh bạch và rõ ràng, khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo trong hoạt động TT, KT.
Nhiệm vụ trọng tâm và định hướng của ngành trong những năm tới?
Dự báo công tác TT trong thời gian đến sẽ có nhiều thách thức lớn đối với ngành nói chung và TT tỉnh nói riêng. Đặc biệt trong bối cảnh Thừa Thiên Huế đang triển khai nhiều dự án với diện tích đất thu hồi lớn, số vụ việc khiếu nại, tố cáo có thể sẽ phát sinh nhiều và tiềm ẩn nhiều phức tạp.
Thời gian tới, TT tỉnh sẽ tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và định hướng của TT Chính phủ để xây dựng kế hoạch TT hằng năm có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, dư luận xã hội quan tâm. Từ đó, phát hiện những thiếu sót và kiên quyết xử lý những vi phạm trong công tác quản lý Nhà nước, xứng đáng là cơ quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác TT, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đóng góp thiết thực vào thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
Đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, TT tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân định kỳ và thường xuyên; giải quyết kịp thời các bức xúc, phản ánh của người dân. Tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội.
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị có liên quan trong thực hiện các kết luận, quyết định xử lý sau TT; thường xuyên kiểm tra, đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện các quyết định, kết luận; kiến nghị xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, có hành vi tiêu cực…
Công tác TT liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau: tài chính, kế toán, môi trường, xây dựng, tài nguyên khoáng sản, đất đai,... đòi hỏi các công chức làm công tác này phải nắm bắt kịp thời các quy định pháp luật liên quan để đáp ứng yêu cầu công việc, đây là một thách thức đối với công chức trong ngành TT. Vì vậy, ngành TT tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, phương thức lãnh đạo, sắp xếp, bố trí công chức có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ làm nhiệm vụ gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, công tác đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện đúng chế độ, chính sách đối với công chức làm công tác này.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
THÁI BÌNH (thực hiện)