Chính trị - Xã hội Chính trị - Xã hội Hồi ức quê hương sau ngày giải phóng

TTH - Nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ của mỗi cán bộ, đảng viên là tiếp quản, xây dựng cơ sở, sớm hàn gắn vết thương chiến tranh, với một mục tiêu cao nhất là: 'Ổn định tình hình, vì một cuộc sống mới'.

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, nơi lưu giữ nhiều dấu ấn của những ngày quê hương, đất nước được giải phóng

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, nơi lưu giữ nhiều dấu ấn của những ngày quê hương, đất nước được giải phóng

Nhớ lại những ngày đầu mới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đứng trước muôn vàn khó khăn do hậu quả nặng nề của chiến tranh. Nhà cửa, ruộng vườn, làng mạc bị tàn phá. Hàng vạn người dân trở về quê hương với hai bàn tay trắng... Đó là thực tế, nhưng với truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà vừa ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, chống chọi với thiên tai, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Bùi Trung Thành, nguyên Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 2, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 6, Quân khu Trị Thiên, trú tại phường Phú Hậu (TP. Huế) nhớ lại: “Cùng với các lực lượng khác, chúng tôi được phân công tiếp quản, xây dựng cơ sở vùng mới giải phóng. Khó khăn nhất thời điểm này là nắm chắc tình hình, nhất là các đối tượng ngụy quân, ngụy quyền. Gặp họ, chúng tôi tuyên truyền, quê hương đã giải phóng, chúng ta nên hòa hợp. Chính từ xây dựng cơ sở, tích cực vận động, nhiều đối tượng ngụy quân, ngụy quyền đã giác ngộ, giúp chúng tôi xử lý bom, mìn sau chiến tranh”.

Biết bao khó khăn, ngổn ngang, nhưng với khí thế quyết tâm của từng cán bộ, chiến sĩ, Trung đoàn 6 đã rà phá, tháo gỡ, thu hồi hơn 5.500 quả bom, mìn và đầu đạn các loại; giải phóng 512km2 đất để đón người dân từ những nơi sơ tán trở về quê cũ làm ăn, sinh sống.

Sau ngày quê hương được giải phóng, Thường vụ Tỉnh ủy ra chỉ thị khẩn cấp yêu cầu các Huyện ủy, Thành ủy phải thực hiện các nhiệm vụ cấp bách. Đó là, thành lập UBND cách mạng ở các cấp; ban hành thiết quân luật; thành lập các tổ chức vũ trang, an ninh cơ sở, thi hành các chính sách, các thông cáo của chính quyền cách mạng.

Ông Nguyễn Trung Chính nhớ về những ngày xây dựng cơ sở

Ông Nguyễn Trung Chính nhớ về những ngày xây dựng cơ sở

“Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị động viên Nhân dân đóng góp lương thực, thực phẩm nhằm giải quyết những khó khăn ban đầu sau giải phóng. Đồng thời, bảo đảm cung cấp lương thực cho lực lượng cách mạng thực hiện nhiệm vụ trước tình hình còn nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Trung Chính, cán bộ lão thành phụ trách cánh Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế năm 1975, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhớ lại.

Bà Nguyễn Thị Nghệ, nguyên cán bộ phụ vận vùng giải phóng Thừa Thiên Huế, trú tại phường Vĩnh Ninh (TP. Huế) trò chuyện: “Anh em chúng tôi luôn xác định, địch rút đến đâu, mình tiếp quản, xây dựng cơ sở đến đó. Không chỉ xây dựng chính quyền, chúng tôi còn tích cực tuyên truyền, vận động để người dân tin tưởng vào thắng lợi của quê hương, đất nước”.

Những nỗ lực cố gắng chính bằng các hành động cụ thể, khi trong tháng 6/1975, TP. Huế đã xóa bỏ cấp quận, hình thành được 11 khu phố trực thuộc thành phố. “Toàn tỉnh cũng đã hình thành hệ thống chính quyền từ tỉnh xuống xã, thôn khá hoàn chỉnh; thiết lập chính quyền trong 589 thôn, 102 xã với 1.889 cán bộ các cấp. Để phù hợp với tình hình thực tế, Thường vụ Tỉnh ủy cũng ra Chỉ thị về việc sửa đổi tác phong, thái độ và lề lối làm việc của người cán bộ cách mạng trong tình hình mới”, ông Nguyễn Huy Ngọc, nguyên Chính trị viên Biệt động thành cánh Bắc Huế, thuộc Thành đội Huế, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy hồi tưởng.

Ông Nguyễn Huy Ngọc hồi tưởng về những ngày quê hương được giải phóng

Ông Nguyễn Huy Ngọc hồi tưởng về những ngày quê hương được giải phóng

“Để sớm ổn định tình hình, sau ngày quê hương giải phóng, Bộ Công an đã chi viện thêm cho Ban An ninh TP. Huế 70 cán bộ để thành lập bộ máy có đầy đủ ban chỉ huy và các ban tổ chức, hậu cần, nghiên cứu tổng hợp cùng các đội quản lý trị an, cảnh sát bảo vệ, cảnh sát giao thông, chấp pháp, hình sự, bảo vệ nội bộ, an ninh chính trị. Thời điểm này, những người lính trinh sát vũ trang nội thành Huế được bố trí đảm nhiệm các chức vụ quan trọng”, Anh hùng LLVTND Hoàng Thức Bảo, nguyên Đội trưởng Tiểu đoàn trinh sát vũ trang nội thành Huế chia sẻ.

Những cố gắng phấn đấu không mệt mỏi của Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế đạt được sau ngày quê hương giải phóng có ý nghĩa quan trọng và đáng tự hào, góp phần khẳng định niềm tin của Nhân dân đối với chế độ mới, được Trung ương đánh giá: “Thừa Thiên Huế là một tỉnh gặp khó khăn nhất, nhưng cũng là địa phương sớm ổn định tình hình, nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh”.

47 năm kể từ ngày quê hương, đất nước được giải phóng, đến nay, bộ mặt đô thị trong toàn tỉnh ngày càng đổi mới; đời sống của người dân từ thành thị đến vùng nông thôn không ngừng nâng lên. Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong tỉnh đã và đang nỗ lực phấn đấu để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với mục tiêu quan trọng là, tiếp tục nâng cao hơn nữa đời sống và hạnh phúc của Nhân dân. Nhìn lại chặng đường qua, diện mạo kinh tế - xã hội của tỉnh có những thay đổi to lớn, từ một tỉnh nghèo, nay trở thành một cực phát triển năng động của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Thừa Thiên Huế đã và đang bước những bước đi vững chắc…

Bài, ảnh: TÂM ANH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/hoi-uc-que-huong-sau-ngay-giai-phong-a112432.html