Chính trị - Xã hội Chính trị - Xã hội Không đủ tư cách phán xét về nhân quyền ở Việt Nam
TTH - Cứ theo 'lệ thường niên', vào trung tuần tháng đầu tiên của năm, tổ chức Human Rights Watch (HRW) lại có báo cáo nhân quyền thế giới. Ngày 13/1/2022, tổ chức này đã ra một 'Bản báo cáo thường niên năm 2022', 'đánh giá' về nhân quyền của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam trong năm 2021.
Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thúc đẩy, bảo vệ quyền con người (Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi Nhân dân tại thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên). Ảnh: TTXVN
Năm nay, cũng không có gì mới, vẫn là những luận điệu quen thuộc, HRW tiếp tục xuyên tạc trắng trợn tình hình về quyền con người ở Việt Nam. Trong đó vu cáo Việt Nam gia tăng hạn chế các quyền dân sự và chính trị cơ bản của người dân, cho rằng “Chính phủ núp bóng COVID-19 để mạnh tay đàn áp các hoạt động ôn hòa nên hầu hết không bị bên ngoài phát hiện. Chính quyền dường như muốn xóa sổ phong trào bất đồng chính kiến bằng các án tù tàn khốc”.
Theo ý kiến của họ, dù có bất đồng chính kiến hay vi phạm pháp luật Việt Nam cũng là “lẽ thường tình”, là hành vi “chính đáng cần được bảo vệ”. Bên cạnh đó, tiếp tục các luận điệu xưa cũ khi cho rằng ở “Việt Nam hạn chế nghiêm trọng các quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do thông tin, tự do lập hội và hội họp ôn hòa, cũng như quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo”.
Sự thật, những gì ở Việt Nam khác xa và đối ngược hoàn toàn với báo cáo của HRW. Trong năm 2021 và cả năm 2020, khi dịch COVID-19 lan tràn thì mục tiêu quan trọng, tối thượng của Đảng, Chính phủ Việt Nam là quyền sống, quyền đảm bảo sức khỏe Nhân dân. Quan điểm xuyên suốt là: “Bảo vệ tính mạng sức khỏe của Nhân dân lên trên hết, trước hết”, “Không ai bị bỏ lại ở phía sau”, “Hy sinh một phần phát triển kinh tế vì sức khỏe Nhân dân”.
Năm 2021, nhiều người không khỏi lo lắng, rùng mình về dịch COVID-19, nhất là đợt dịch lần thứ 4. Những bệnh viện dã chiến, những khu cách ly tập trung được khẩn trương xây dựng phục vụ cho cách ly, điều trị. Chính phủ phát động quyên góp ủng hộ và chiến dịch “ngoại giao vắc-xin” đã đưa về trên 200 triệu liều tiêm chủng cho toàn dân. Đợt dịch bệnh lần thứ 4 đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, ước tính khoảng 847.000 tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD (số liệu tại hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tháng 12/2021). Đó là chưa kể các khoản chi cho phòng, chống dịch, mua vắc-xin, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tăng trưởng kinh tế năm 2021 giảm sâu chỉ còn 2,58%, thấp nhất trong hàng chục năm qua. Quốc hội, Chính phủ đã phải chi hàng chục ngàn tỷ đồng và tiếp tục gói hỗ trợ tái phát triển trong 2 năm 2022, 2023.
Dịch COVID-19 đã làm thiệt hại kinh tế-xã hội của Việt Nam vô cùng to lớn, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn, phức tạp, Đảng, Chính phủ có những quyết sách ưu việt với toàn dân và người dân đoàn kết đồng hành với Đảng, Nhà nước vượt qua khó khăn. Những kết quả đạt được và chính sách rõ ràng đã thực sự vì quyền sống và sức khỏe người dân là minh chứng rõ ràng nhất về bản chất tốt đẹp về nhân quyền Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số đối tượng mượn danh dân chủ, đội lốt nhân quyền ở trong nước tiếp tục có những hành vi hoạt động chống lại đất nước với tính chất manh động, cực đoan. Những cái tên, blogger như Phạm Đoan Trang, “Bà đầm xòe”, “Dũng vova” và một loạt đối tượng chống đối tiếp tục bị đưa ra xét xử với những bản án nghiêm khắc. Đó là những kẻ đã vi phạm pháp luật cũng giống như các đối tượng tham nhũng bị truy tố theo đúng quy định của pháp luật. Cần phải khẳng định rằng: Bất cứ quốc gia nào, quyền công dân phải gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ với đất nước, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Người nào vi phạm đều phải bị xử lý, không thể lên án những hoạt động truy tố, giam giữ, xét xử của cơ quan tố tụng. Pháp luật Việt Nam không có khái niệm về người “bất đồng chính kiến”, “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị” mà chỉ xử lý những kẻ phạm tội được quy định trong luật. HRW góp nhặt không có căn cứ từ những đối tượng như đã nêu để xuyên tạc phiến diện, bình luận theo ý đồ chủ quan, không đúng thực tế là trái quy định của các Công ước quốc tế.
Một chứng minh nữa về chính sách nhân đạo qua xét đặc xá năm 2021, đã tha tù trước thời hạn cho 3.035 người. Đây là chính sách lớn của Nhà nước Việt Nam, vừa nghiêm minh trong xét xử tội phạm, đồng thời nhân đạo, khoan hồng đối với người cải tạo tốt, tạo điều kiện sớm tái hòa nhập cộng đồng. Đặc xá năm 2021 tiếp tục tỏ rõ tính ưu việt, đảm bảo và thúc đẩy quyền con người, bác bỏ luận điệu vu cáo Việt Nam.
Trong các bản báo cáo thường niên của HRW luôn chứa đựng nhiều thông tin sai sự thật, không có kiểm chứng, với lập luận mang nặng tư tưởng thù địch với Việt Nam. Mặc dù chúng ta và nhiều nước khác đã nhiều lần lên tiếng phản đối nhưng HRW phớt lờ, bỏ qua những điều khoản về bảo vệ quyền lợi các nước thành viên đã ký kết. Chính những hành vi của HRW đang đi ngược và cản trở tiến trình thực thi nhân quyền, can thiệp vào nội bộ của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Những luận điệu đưa ra của HRW và các tổ chức thiếu thiện cảm chỉ nhằm gây sức ép về chính trị, ngoại giao nhằm thực hiện mục tiêu “chuyển hóa dân chủ”; làm hậu thuẫn, thúc đẩy hình thành các tổ chức chính trị đối lập ở trong nước, âm mưu từng bước lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ chính trị ở Việt Nam.
“Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo theo Hiến pháp và pháp luật”(Điều 14 Hiến pháp Việt Nam). “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” (văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13). Những khẳng định đó trong Hiến pháp và của Đại hội Đảng nói lên đầy đủ. HRW hay bất cứ tổ chức nào thiếu thiện cảm, chống phá không đủ tư cách để phán xét về nhân quyền ở Việt Nam.