Chính trị - Xã hội Chính trị - Xã hội Linh hồn của các phong trào đấu tranh cách mạng ở Nam Bộ
TTH - Đồng chí Võ Văn Tần sinh ngày 21/8/1894, tại làng Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Với phẩm chất thông minh, dũng cảm cùng sự giáo dục của gia đình và được nuôi dưỡng bởi truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương Long An, ông đã sớm giác ngộ cách mạng, trở thành người cộng sản kiên trung.
Tượng đài đồng chí Võ Văn Tần ở Long An. Ảnh: TL
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Nam bộ, chứng kiến và đồng cảm trước cảnh cơ cực, lầm than của nông dân, từ nhỏ, Võ Văn Tần đã ý thức phải học để góp phần giúp đồng bào.
Vì lẽ đó, ông miệt mài học chữ Hán, chữ Quốc ngữ, học làm nghề bốc thuốc, sau đó làm thầy đồ dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo tại quê hương. Không bằng lòng với sự hiểu biết, với mong muốn mở mang tầm nhìn, ông đã quyết định lên Sài Gòn để làm việc và hoạt động, tìm hiểu thời cuộc (1917). Tại đây, ông làm nghề kéo xe, dạy học.
Thời gian này, ông càng nhận rõ sự bất công của chế độ thực dân và phong kiến gây ra sự áp bức bóc lột làm cho đời sống đồng bào càng thêm cùng cực. Chính vì vậy, ông đã lãnh đạo nông dân chống lại địa chủ, cường hào, chống chính quyền thực dân áp đặt việc thu thuế vô lý. Nhận ra sự nguy hiểm của Võ Văn Tần đối với chính quyền thuộc địa, năm 1923, thực dân Pháp đã bắt giam ông.
Sau khi được trao trả tự do, tinh thần đấu tranh cách mạng trong ông càng sôi nổi, quyết tâm, khôn khéo, kín đáo. Ông tìm cách trở về quê hương tuyên truyền xây dựng, tổ chức phong trào yêu nước ở Chợ Lớn. Bằng uy tín và sự hiểu biết của mình, ông vận động bà con đoàn kết, chống lại áp bức bóc lột của bọn địa chủ cường hào ở vùng Nam Bộ.
Những hoạt động của ông tại quê hương ngày càng gây được tiếng vang. Năm 1926, đồng chí Võ Văn Tần gia nhập Hội kín Nguyễn An Ninh (tức Thanh niên Cao vọng Đảng). Tháng 8/1929, đồng chí Võ Văn Tần gia nhập tổ chức An Nam Cộng sản Đảng, trực tiếp vận động và thành lập chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở làng Đức Hòa, gồm bảy đảng viên do đồng chí làm Bí thư (chi bộ đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam ở tỉnh Chợ Lớn xưa).
Phong trào đấu tranh ở Nam Bộ chống chính quyền thực dân ngày càng nhân rộng. Từ năm 1930 - 1931, đồng chí Võ Văn Tần trực tiếp tham gia và phụ trách các cuộc biểu tình của phong trào công nhân ở Chợ Lớn, Gia Định đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập công nhân.
Tháng 6/1931, ông được Xứ ủy cử làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Đến tháng 6/1932, đồng chí Võ Văn Tần đứng ra thành lập cơ quan Liên huyện ủy Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa và tổ chức viết báo “Cờ Lãnh đạo” (sau này được nâng chuyển thành cơ quan tuyên truyền của Xứ ủy Nam kỳ) để vận động, phục hồi cơ quan lãnh đạo của Đảng vừa bị phá vỡ để tổ chức đấu tranh.
Phong trào đấu tranh ở vùng Gia Định càng sôi nổi và ngày càng lớn mạnh, phong trào cần có một người am hiểu và đủ tâm để lãnh đạo. Trước tình hình đó, cuối năm 1932, đồng chí Võ Văn Tần được cấp trên điều động chuyển sang làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định.
Trên cương vị mới, đồng chí đã đề nghị Tỉnh ủy Gia Định ra tờ báo “Lao động” làm công cụ tuyên truyền hướng dẫn giáo dục đảng viên và giác ngộ quần chúng lao động đi theo cách mạng. Từ năm 1933 - 1934, đồng chí Võ Văn Tần đã vận động, xây dựng được một số tổ chức cơ sở Đảng ở các tỉnh miền Tây vững chắc để đi đến việc thành lập Tỉnh ủy Lâm thời Mỹ Tho do đồng chí chỉ đạo.
Tháng 11/1935, phong trào đấu tranh ở Nam Bộ ngày càng ác liệt và khó khăn, nhiều đồng chí tiền thân của Đảng bị bắt. Thực dân tiến hành khủng bố trắng. Trước sự khó khăn của phong trào, đồng chí được cử vào Ban Thường vụ Xứ ủy Nam kỳ để sát sao phong trào, nắm bắt tình hình, khôi phục lực lượng.
Với uy tín lớn, tháng 3/1937, đồng chí Võ Văn Tần được Trung ương tín nhiệm chỉ định giữ trách nhiệm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ và bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương. Tháng 3/1938 tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng.
Ngày 14/7/1940, đồng chí bị địch bắt ở ấp Tân Thới Trung (nay là xã Tân Xuân thuộc huyện Hóc Môn, Bà Điểm). Ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đưa ông cùng các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến ra xử bắn công khai tại khu giếng nước (nay là bệnh viện) Hóc Môn.
Trước lúc hy sinh, các đồng chí đều dũng cảm giật tung mảnh vải bịt mắt và hô vang khẩu hiệu “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”, kêu gọi đồng bào tiếp tục đấu tranh chống đế quốc, giành tự do, độc lập.
Từ những ngày đầu tham gia hoạt động đấu tranh cách mạng cho đến lúc giữ những trọng trách quan trọng trong tổ chức Đảng đến lúc hy sinh, đồng chí Võ Văn Tần luôn thể hiện là thủ lĩnh kiên trung, mẫu mực, tạo niềm tin vững chắc cho Nhân dân nam bộ. Đó là tiền đề tạo nên sự lớn mạnh, tiến tới thắng lợi của cách mạng Việt Nam ở Nam Bộ sau này. Những cống hiến của ông chính là linh hồn của các phong trào đấu tranh, cách mạng ở Nam Bộ đầu thế kỷ XX.