Chính trị - Xã hội Chính trị - Xã hội Nghĩ 'vụn' nơi cồn Dã Viên…
Nếu được quan tâm, cồn Dã Viên kết nối với công viên Dã Viên sẽ không chỉ góp phần chỉnh trang một mảng đô thị mà còn là một điểm đến thú vị và ý nghĩa của Huế…
Hiện trạng buồn
Đã lâu lắm, có lẽ ít nhất là từ lúc cầu đường bộ Dã Viên đưa vào sử dụng đến nay, tôi mới có dịp về lại cồn Dã Viên. Cũng không có ý định gì rõ ràng, ban đầu, đơn giản là vì ngày nghỉ, lang thang đi thể dục buổi sáng, ngang qua cầu Dã Viên, chợt nổi hứng rẽ xuống thăm xem cảnh quan một trong hai hòn đảo quan trọng của Kinh thành Huế bây giờ thế nào.
Hóa ra không chỉ có mình tôi tìm thăm Dã Viên, đi ngược chiều là một đôi vợ chồng đã lớn tuổi đang ngược trở ra. Nhìn trang phục, tôi đoán có lẽ họ cũng vừa đi thể dục buổi sáng về, tranh thủ tạt xuống tham quan cồn Dã Viên- một địa danh ai cũng nghe, ai cũng biết nhưng chưa hẳn ai cũng đã từng ghé tới. “Đẹp đó chứ”- Người vợ lên tiếng. “Ừ, đẹp nhưng… kinh khủng quá”- Ông chồng tiếp lời và nhăn mũi chỉ vào chân một trong những vọng lâu của cầu Dã Viên. Tôi tiến đến gần quan sát. Đúng là kinh khủng thật. Đủ các loại dơ bẩn, xú uế tích tụ lâu ngày, mà kinh nhất là những ống kim tiêm, có ống còn vương cả máu tươi vứt ngổn ngang trong lòng vọng lâu.
Trước đây, khi làm cầu Dã Viên, các nhà thiết kế đã suy nghĩ để xây dựng 2 bên cầu 6 chiếc vọng lâu hình tứ giác, ốp đá Thanh, 2 tầng mái lợp ngói lưu ly để vừa làm nơi ngắm cảnh, vừa tăng độ duyên dáng cho công trình. Rồi hình như, do không thể quản lý suốt 24/24 nên nhiều người thiếu ý thức đã vào đây vừa hóng cảnh vừa… xả rác, khiến cho trong lòng các vọng lâu trở nên bẩn thỉu, nhếch nhác khiến người bình thường có khi rất ngại bước chân vào. Cầu đường sắt bên cạnh thì từ khi có cầu Dã Viên, cơ bản chấm dứt “sứ mạng” cho xe đạp, xe máy và khách bộ hành đi ké trở thành tuyến đường cho bò tung tăng. Thời điểm tôi ghé qua, thấy phân bò mới có cũ có tưng bừng trên mặt cầu, trông rất… ẹ.
Tôi lang thang đảo quanh một vòng, vào thăm khu dân cư ở đuồi cồn phía tây, rồi lại ngược ra xuôi về đuồi phía đông. Cồn đất phù sa nên cây cối tốt tươi trông rất sướng mắt. Có điều có cảm giác ít được chăm tỉa. Cây lớn thì mạnh cây nào cây ấy vươn, còn bờ bãi thì mặc sức bụi bờ, mai dương thoải mái chen vai thích cánh. Ni lông, giấy loại vương vãi hoặc có khi bị gió thổi bay lung tung, vương mắc vào bụi bờ, cây cối trông rất chán…
Sẽ là một điểm đến thú vị
Vẫn biết mong muốn là vô cùng, nguồn lực thì hữu hạn, nhưng sao vẫn thấy bần thần tiếc. Và bạn cũng sẽ có cảm giác tiếc nuối như tôi mà thôi nếu biết rằng, cồn Dã Viên ngoài vai trò là con “hổ trắng” trong phong thủy (bạch hổ) nằm phục bên hữu kinh thành Huế, địa danh này còn từng là đấu trường voi-hổ đầu tiên của vương triều Nguyễn trước khi dời lên xây dựng “Hổ quyền” ở vùng đồi núi Nguyệt Biều. Đời Tự Đức, Dã Viên được chọn làm vườn Ngự và trở thành “ngôi nhà chí thiết” của ông vua hay chữ và có thời gian trị vì lâu nhất của nhà Nguyễn. Bia đá, miếu cổ vẫn còn. “Dữ Dã Viên ký” hơn 1.400 chữ của vua Tự Đức mô tả về khu vườn ngự này vẫn rõ nét vang âm: “Lúc giao thời xuân hạ, lúc nắng gắt giữa trưa, cởi áo ngâm mình, nước trong vắt có thể soi bóng, tắm rửa kỳ cọ ghét bẩn mồ hôi, rồi bơi lội trong chốc lát. Lên lầu hóng gió, dựa lan can chải tóc, chợt sảng khoái khắp thân mình, như hớp được hơi sương, như uống được móc ngọt…”.
Sau nhiều năm hoang phế, mùa xuân 2004, Trung tâm Công viên cây xanh Huế đã triển khai trồng bằng lăng, muồng hoa đào, lim xẹt, giáng hương, nhạc ngựa, ô môi, dương liễu và cả những giống cây quý hiếm khác cho Dã Viên, đất tốt nước trong, chẳng bao lâu mà rừng cây đã tươi xanh khép tán. Đến mùa, phượng vĩ, ô môi, bằng lăng… đã đua nhau khoe sắc làm lung linh cả một góc Huế. Năm 2010, Dã Viên lọt mắt xanh đạo diễn phim “Nhìn ra biển cả”, và họ đã chọn nơi đây là địa điểm để tái hiện trường Dục Thanh - bối cảnh chính - để quay những thước phim về Bác Hồ trong những tháng ngày Người dạy học ở ngôi trường này…
Dã Viên thú vị như thế, quý giá như thế, bỏ bê, không khai thác chẳng phải là quá phí, quá tiếc sao? Chưa cần đầu tư lớn, chỉ cần dọn dẹp cỏ rác, phát bỏ bụi tạp để tạo những lối đi nhỏ nhỏ trên cồn. Huy động “Ngày Chủ nhật xanh” về đây sẽ giúp phần đắc lực cho ý tưởng này. Sau này, khi có nguồn lực sẽ đầu tư thêm điện chiếu sáng, ghế đá… Kết nối với công viên Dã Viên đã được đầu tư khá quy mô, bài bản sát cạnh đó, khu công viên Dã Viên và cồn Dã Viên sẽ không chỉ góp phần chỉnh trang một mảng đô thị mà chắc hẳn còn là một điểm đến thú vị và ý nghĩa của Huế, tôi nghĩ vậy.
Bài, ảnh: Hiền An
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/nghi-vun-noi-con-da-vien--a78518.html