Chính trị - Xã hội Chính trị - Xã hội Tàu không số & chuyện về một hoàng thân triều Nguyễn

TTH - VTV có phim về 'Đường Hồ Chí Minh trên biển'. Ở Huế, cố nhà văn Ngô Minh cũng đã có sách 'Cổ tích tàu không số' (NXB Hội Nhà văn, 2011). Người dẫn chuyện để đường Hồ Chí Minh trên biển, đoàn tàu không số ra công khai trước công luận là ông Phan Thắng, còn được biết tới với cái tên Nguyễn Phước Vĩnh Mẫn, một hoàng thân triều Nguyễn.

Ông Vĩnh Mẫn và vợ (thứ nhất và thứ hai, từ phải sang) trong chuyến về nguồn cùng các thành viên Đoàn tàu không số, năm 2008. Ảnh: ct.qdnd.vn

Vào Nam và ra Bắc

Sở dĩ gọi ông là hoàng thân là bởi ông (sinh năm 1931) là chắt nội của vua Hiệp Hòa, vị vua thứ 6 của triều Nguyễn. Bố ông là Hoàng thân Bửu Trác, một vị đại thần, Thống chế nhất phẩm triều đình, là con của Hoàng tử trưởng Ưng Bác, được coi là người kế vị ngôi vua, là một người kháng Pháp. Ông Bửu Trác đã đòi phế truất Bảo Đại khi vua Khải Định vừa trút hơi thở cuối cùng. Vì thế, ông bị bắt, bị tước hết chức tước, tôn tịch, bị đày lên nhà tù Lao Bảo. Sau khi được ân xá, triều đình Huế đã mời ông ra tham chính, nhưng ông từ chối vì không thể cộng tác với một triều đình bị thực dân Pháp “quản thúc”… Các con ông Bửu Trác như Vĩnh Tập, Công tằng Tôn nữ Băng Tâm, Vĩnh Mẫn đều theo Việt Minh rất sớm.

Theo cố nhà văn Ngô Minh, năm 1948, Vĩnh Mẫn đổi tên thành Phan Thắng và được kết nạp vào Đảng. Năm 1951, Phan Thắng được phân công Nam tiến cùng với 139 cán bộ Liên khu 4. Hồi đó chưa có đường Trường Sơn, giao liên gì cả. Tất cả phải đi bộ mò mẫm đường rừng, xin cơm gạo Nhân dân mà ăn, đào củ chụp mà sống. Tám tháng trời mới vào đến miền Đông Nam Bộ. Tới nơi, ông được cử làm chính trị viên trưởng đại đội Việt Minh vùng Mỏ Vẹt, Svay Riêng, Tây Ninh, sau đó về Sa Đéc, Tây Nam Bộ. Đến năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Năm 1960, là trợ lý giáo dục của Sư đoàn 338 Nam Bộ do Tướng Tô Ký làm Tư lệnh kiêm Chính ủy. Ông cũng từng giảng dạy ở Trường Lục quân, từng bồi dưỡng cho 40.000 cán bộ miền Nam những kiến thức chính trị, tư tưởng, dân vận... trước khi họ đi B; dạy lớp chính trị viên tàu ngắn hạn ở Trường Sĩ quan Hải quân.

Trưởng ban Tuyên huấn Đoàn 125

Sau phong trào Đồng Khởi Bến Tre, từ năm 1961 lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh và Bà Rịa đã cử 5 thuyền gỗ từ miền Nam ra miền Bắc để báo cáo tình hình, xin tiếp tế vũ khí và sau đó trực tiếp vận chuyển vũ khí, dẫn đường cho các tàu tiếp tế giả dạng tàu đánh cá từ Bắc vào Nam. Những chuyến thuyền vận chuyển thành công là một trong những cơ sở quan trọng để ngày 23/10/1961, Đoàn 759 vận tải thủy được thành lập. Tháng 8/1963, Quân ủy Trung ương quyết định giao Đoàn 759 trực thuộc Cục Hải quân. Sau đó vào ngày 29/01/1964, Bộ Quốc phòng quyết định đổi phiên hiệu Đoàn 759 thành Lữ đoàn 125 trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Phan Thắng được Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị tin tưởng bổ nhiệm làm Trưởng ban Tuyên huấn Đoàn 125 - tức Đoàn tàu không số, một đơn vị tối mật và tối quan trọng. Khoảng năm 1973, Phan Thắng là Chính ủy Trung đoàn Cửa Việt - tên một đơn vị trong lực lượng Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Chuyện rằng, tháng 2/1965, ông Phan Thắng trực tiếp cùng đi trên chiếc tàu không số (mang mật danh 176) do Chính trị viên Đỗ Văn Sạn chỉ huy trong chuyến bí mật chở vũ khí vào Nam. Cùng trong chuyến hành trình trên Biển Đông này còn có 4 tàu không số khác. Chỉ có 3 tàu đưa hàng vào Bạc Liêu an toàn. Riêng tàu sắt 176 và tàu gỗ 401 khi đi đến ngoài khơi Trà Vinh và Bạc Liêu thì bị địch phát hiện, cho tàu chiến và máy bay bám rất sát, Sở chỉ huy buộc phải ra lệnh cho quay trở lại miền Bắc. Cả đi và về mất hai tháng lênh đênh trên biển quốc tế, ông say sóng nôn ra mật xanh mật vàng. Say, ngất rồi lại tỉnh, lại nói cười tán chuyện gẫu với anh em thủy thủ.

Hành trình trên biển của những tàu không số đầy gian khó và hiểm nguy, có tin đồn phải lễ truy điệu trước lúc lên tàu, thế nhưng ông Phan Thắng và các đồng đội vẫn tràn đầy quyết tâm và hy vọng. Ông Đỗ Văn Sạn từng chia sẻ với báo chí, do tính chất nhiệm vụ nên khi lên tàu phải biết chấp nhận gian khổ, sẵn sàng hy sinh, ai có biểu hiện dao động tư tưởng là loại liền. Tất cả những gì thuộc về riêng tư đều “bàn giao” lại cho người thân để không còn vướng bận, mà chỉ có khí phách hiên ngang đầy nghĩa khí.

Người dẫn chuyện và kết nối

Từ tháng 10/1962 đến 4/1975, đoàn tàu không số đã vận chuyển chi viện cho miền Nam 55 ngàn tấn vũ khí, nhiều loại hàng hóa quân sự, đưa 18.741 cán bộ chiến sĩ vào chiến trường. Trong lúc đó, 13 năm chinh chiến trên biển, chỉ có 117 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, hơn 40 chiến sĩ bị địch bắt, sau đó được trao trả, 9 chuyến tàu và hàng ta tự nổ mìn phá hủy để xóa dấu vết, chỉ 2 tàu bị địch bắt, 100 lượt chuyến đi phải quay trở lại miền Bắc nhưng sau đó lại xuất phát... Qua những con số trên ta thấy thiệt hại của Đoàn tàu không số là rất nhỏ so với những hiệu quả đã làm được. Thế nhưng, cho đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, giới truyền thông vẫn không biết rõ về những con tàu bí ẩn này.

Đầu năm 1990, một số anh em Nam Bộ đã tự lập ra Ban liên lạc đoàn tàu không số, nhưng tổ chức ấy mang tính địa phương, chỉ là để anh em thăm hỏi nhau. Mãi đến năm 2008, Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển được thành lập và ngày 23/1/2011, lần đầu tiên, lễ kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển được Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể. Ông Vĩnh Mẫn là người bôn ba kết nối. Đáng nói là, năm 2000, ông lặn lội tàu xe ra Bắc vào Nam để bàn về cách thức tổ chức Hội. Năm 2006, ông khăn gói ra Hà Nội, Hải Phòng gặp gỡ anh em thuyền trưởng và thủy thủ gạo cội cũng để bàn bạc và kết nối chuẩn bị cho sự ra đời của hội.

Cố nhà văn Ngô Minh nhận xét, ông Vĩnh Mẫn nhớ từng chuyến tàu, thuộc tính nết và hoàn cảnh gia đình từng thủy thủ thuộc lịch sử Đoàn tàu không số đến nỗi, lúc đã 81 tuổi (tháng 4/2011), có nhà báo Đức nổi tiếng Hellmut Kapfenberger muốn viết về Đoàn tàu không số thời chống Mỹ, gửi yêu cầu đến muốn phỏng vấn lãnh đạo Lữ đoàn 125. Anh em đã gửi bảy câu hỏi của nhà báo Đức vào Huế cho ông. Ông điện thoại ra bảo anh em: “Mình không viết, mình sẽ nói kỹ về từng vấn đề qua điện thoại, bố trí máy ghi âm rồi ghi ra làm tư liệu mà trả lời cho họ...”.

Ông Vĩnh Mẫn đã bước qua tuổi 90 xưa nay hiếm đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển. Chúng tôi tập hợp giới thiệu một vài câu chuyện về ông và Đoàn tàu không số lịch sử với niềm tự hào sâu sắc về những đóng góp thầm lặng mà lớn lao của những người con xứ Huế vào một huyền thoại lịch sử vẻ vang, đầy tự hào trong cuộc chiến bảo vệ vẹn toàn nền độc lập của dân tộc.

ĐAN DUY

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/tau-khong-so-chuyen-ve-mot-hoang-than-trieu-nguyen-a105977.html