Chính trị - Xã hội Chính trị - Xã hội Tính hệ thống của tham nhũng

TTH - Chừng 5 năm vừa qua, có thể gọi là một giai đoạn 'kỳ lạ'. Có quá nhiều quan chức đầu ngành, đứng đầu địa phương bị vướng vòng lao lý.

Nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - ông Chu Ngọc Anh có trách nhiệm cá nhân trong vụ Việt Á lúc ở cương vị Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ. Ảnh: nguoiduatin.vn

Mới đây nhất là vụ Bộ trưởng Bộ Y tế - ông Nguyễn Thanh Long và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - ông Chu Ngọc Anh. Tất cả các vụ án đều dính dáng đến đất đai và tham nhũng. Nhưng tại sao lại chỉ tập trung nhiều vào giai đoạn này? Phải chăng trước đây hiện tượng này không có. Có lẽ đây là một câu hỏi cần có câu trả lời.

Sai phạm với bất kỳ vị trí nào trong hệ thống Nhà nước cũng gây ra những tai hại. Sai phạm của những người đứng đầu lại càng tai hại hơn, vì nó có thể gây ra những hệ lụy cho hệ thống.

Ví dụ trường hợp ông Nguyễn Thanh Long. Bây giờ mới chỉ là giai đoạn khởi tố, bắt tạm giam để điều tra nên chưa thể kết luận điều gì về những sai phạm của bản thân ông. Nhưng tính hệ thống của vụ kit – test của Công ty Việt Á đình đám thì đã rõ, rất nhiều lãnh đạo cấp vụ, cục, như các ông Nguyễn Minh Tuấn - nguyên Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế; ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính, Bộ Y tế; nhiều giám đốc, kế toán trưởng, trưởng phòng ở các CDC địa phương, lãnh đạo nhiều bệnh viện dính dáng đã bị bắt. Có thống kê cho biết là đã trên 40 người.

Đối với trường hợp ông Chu Ngọc Anh cũng vậy. Sai phạm của ông được xác định ở thời kỳ ông còn là người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ. Cấp dưới của ông có nhiều người đã bị bắt, ví như ông Phạm Công Tạc - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Trịnh Thanh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ; và ông Nguyễn Huỳnh - Phó Trưởng phòng Quản lý giá Cục Quản lý dược…

Qua vụ án nêu trên cho phép chúng ta rút ra mấy điều về sự nguy hiểm của tham nhũng.

Thứ nhất: Những người có chức vị càng cao, nếu sai phạm sẽ gây ra những sai phạm mang tính hệ thống, tức là từ dưới lên trên, kéo theo nhiều người sai phạm. Ở đây, nếu một mắt xích của sai phạm không được phát hiện thì khó có thể lôi ra ánh sáng những sai phạm. Và lẽ tất nhiên là hệ thống tham nhũng vẫn còn tồn tại trong bộ máy Nhà nước. Nếu một vụ tham nhũng trót lọt, có thể làm cho sự câu kết của hệ thống này ngày càng chặt chẽ hơn, từ đó có thể gây ra nhiều vụ tham nhũng khác.

Thứ hai: Có thể dẫn đến sự ngộ nhận của Nhân dân đối với cán bộ. Giả sử như vụ Việt Á không bị phát hiện, ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh vẫn đường đường là tư lệnh ngành y tế và là quan chức đầu ngành của TP. Hà Nội. Với vai trò và những vị trí ấy, người dân có thể ngộ nhận mà tôn trọng về phẩm chất đạo đức của họ. Thói thường, người dân càng tôn trọng bao nhiêu, khi người dân thất vọng thì lòng tin sẽ càng suy giảm bấy nhiêu. Cho nên công tác đào tạo cán bộ, chọn cán bộ, giám sát hoạt động của cán bộ… là hết sức quan trọng. Điều được nhấn mạnh ở đây là công tác giám sát hoạt động của cán bộ. Bởi các vị nói trên không phải ngẫu nhiên mà được ngồi trên các ghế như vậy. Chí ít là họ cũng đã có một thời kỳ phấn đấu và cống hiến, thể hiện được năng lực, phẩm chất đạo đức tốt của cá nhân. Có như vậy mới được đào tạo và đề bạt. Nếu không giám sát chặt hoạt động của cán bộ, chuyện “sẩy chân” bất cứ lúc nào là điều chúng ta khó lường được. Cho nên, phải tìm cách “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Nguyên Lê

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/tinh-he-thong-cua-tham-nhung-a114074.html